Hài Tết Đinh Dậu có làm khán giả nhíu mày?

Gần cuối năm cũng là lúc các hãng sản xuất phim hài hối hả tung ra thị trường những “át chủ bài” hài độc đáo để đón đầu nhu cầu giải trí ngày Tết của mọi người dân. “Hàng chục bộ phim hài Tết 2017 sẽ trình làng, lượng nhiều - chất có tương xứng”, “Liệu khi thưởng thức phim hài có phải “chấm thêm muối”” đó là câu hỏi thường trực của những khán giả yêu tiếng cười.

Một cảnh trong phim hài Bờm.

Hài Tết Đinh Dậu chuẩn bị “tổng tấn công”

Có thể kể tới những bộ phim hài chuẩn bị trình làng như: “Enter”, “Bờm”, “Chôn nhời 4” (đạo diễn Phạm Đông Hồng), “Ra phố tìm con” (đạo diễn Mai Hồng Phong biên kịch Doãn Tâm), “Cưới đi kẻo ế” (Vượng Râu), “Tết này con ở đâu?” (đạo diễn Phạm Đức Dũng), “Làng ế vợ 3”, “Đại gia chân đất” (đạo diễn Trần Bình Trọng)…

Phim “Bờm” kể về gia đình nhà Bờm có 3 thế hệ: ông, bố và Bờm. Nhà Bờm có một mảnh đất bé nhưng lại chắn trước cửa nhà phú ông giàu có nên nhiều đời nay, gia đình phú ông muốn đổi để “ra mặt tiền” mà không được. Tất cả tình huống hài trong phim hướng đến một thông điệp: dân ta tuy nghèo nhưng không bao giờ bán đất của cha ông. Ê kíp thực hiện bộ phim hứa hẹn “Bờm” sẽ gây cười từ đầu đến cuối. “Cưới đi kẻo ế” là câu chuyện dí dỏm với nhiều tình tiết cười ra nước mắt nhưng cũng đầy suy ngẫm khi cô Lành quá lứa nhưng vẫn chưa lấy được chồng. Dưới áp lực của cụ cố Hồng và ông nội một cuộc họp khẩn đã được mở ra để ép cô Lành cưới nhưng vẫn không thành vì người yêu cô Lành lại có họ hàng với ông Cẩm. Còn “Làng ế vợ 3” vẫn xoay quanh câu chuyện về đám trai làng đi hỏi vợ. Ngao chuẩn bị lấy cô thôn nữ tên Xoan thì mang một Việt kiều về làng hỏi Xoan làm vợ và cô gái này đã đồng ý. Trong lúc người Việt kiều đưa bố mẹ đến dạm ngõ Xoan thì Ngao và đám trai làng đã chạy ra phá đám, vu cho gia đình nhà trai đi xe quá tải lên làng hay đổ bùn chảy ngõ nhà Xoan ngày ăn hỏi. Nhà cô Xoan nhìn thấy con gái mãi không lấy được chồng liền nghĩ ra cho đám trai làng đi xuất khẩu lao động. Và một loạt các tình huống bi hài xảy ra…

Nhu cầu thưởng thức hài của người dân ngày càng tăng cao. Hài Tết 2016, “Chôn nhời” sau 15 ngày đăng tải trên Youtube đã có 4,1 lượt xem, “Quan trường- Trường Quan đạt 4,6 triệu lượt xem, Làng ế vợ 2 đưa lên 5 ngày được 9 triệu view… Đó là điều khiến hài Tết có sức “quyến rũ” đối với các đạo diễn. Bằng chứng, mỗi năm lại thêm vài đạo diễn “trình làng”, năm nay, có sự “vào cuộc” của đạo diễn Mai Hồng Phong- vốn rất nổi tiếng với những bộ phim dài tập.

Hài Tết- cười cái rồi quên ngay?

Tuy nhiên, lượng xem đông chưa chắc đồng nghĩa với việc họ đánh giá cao chất lượng phim. Một số hài Tết 2016 bị nhiều người cho rằng “nhảm, nhạt” khi xuất hiện những tình huống, câu nói gợi dụng vô duyên hay việc khoe cơ thể của một số diễn viên trong phim hài khiến người xem không khỏi cau mày. Chưa kể tới việc, nội dung hài miền Bắc hết, bao mùa hài, nội dung vẫn chỉ xoay quanh cuộc sống sau lũy tre làng với những thói hư, tật xấu, của người nông thôn. Đôi khi, tiếng cười chỉ là cái “cù nách” cho khán giả, cười cái rồi quên ngay.

Băng đĩa lậu, vi phạm bản quyền là kẻ thù đối với những nhà sản xuất phim hài. Dù vậy họ vẫn lao vào sản xuất những “đứa con hài” với sự trông cậy vào “bầu sữa” của các nhãn hàng. Chính vì phụ thuộc vào “bầu sữa” ấy, nên không ít phim hài lạm dụng đưa quảng cáo sản phẩm sống sượng vào trong hài gây khó chịu với khán giả. Đành rằng, không có “bầu sữa” ấy, các nhà sản xuất, đạo diễn khó lòng nuôi dưỡng “đứa con hài” của mình. Thế nhưng, đạo diễn cần tinh tế, khéo léo giới thiệu sản phẩm hơn trong phim của mình để bữa tiệc cười bớt đi những hạt sạn.

Một thực tế cho thấy, những năm qua, khán giả đã quá quen những nghệ sĩ đóng hài Tết như: Xuân Hinh, Hồng Vân, Quốc Anh, Tự Long, Công Lý, Quang Thắng, Quang Tèo, Giang Còi, Chiến Thắng, Trung Hiếu, Vân Dung, Minh Hằng, Kim Oanh… Dù hay, nhưng cái gì nhiều ắt sẽ nhàm. Biết vậy, để “đổi món”, hài 2016 vừa qua, nhiều đạo diễn đã cố gắng đưa vào một số gương mặt mới nhưng lại mờ nhạt, chưa đủ để khán giả nhớ mặt, nhớ tên.

Không ít đạo diễn than, quy tụ những nghệ sĩ “tem mác” đã khó, nhưng để có kịch bản “đốn tim” người xem còn khó hơn nhiều. Vì không có người viết kịch bản một số nhà sản xuất buộc phải để đạo diễn phải tự biên tự diễn bằng cách lên một kịch bản khung rồi “đắp da đắp thịt” trong quá trình quay. Sự thiếu chuyên nghiệp này khiến cho các tiểu phẩm hài trở nên chắp vá, vụn vặt, dẫn tới hài nhảm.

Cố NSUT Phạm Bằng từng chia sẻ, “hài nghệ thuật là những tác phẩm khiến khán giả cười - khóc cùng những giá trị nhân văn, đọng lại cảm xúc trong lòng khán giả. Những đạo diễn, diễn viên hài mà bị gọi “làm hề mua vui” nghĩa là họ đang tự bôi nhọ chính hình ảnh của mình, chưa biết cách diễn, tiết chế cái tôi của mình lại. Nếu diễn hài mà không làm cho khán giả cười được thì tác dụng của hài rất kinh khủng, những bộ phim ấy được gọi là hài nhảm. Khán giả bây giờ rất tinh tế, họ sẽ dễ dàng phân biệt được hài hay hề.”

Làm hài mà khán giả nhíu mày, đó chính là nỗi sợ hãi của các đạo diễn. Liệu, hài Tết Đinh Dậu, nỗi sợ hãi ấy có thành hiện thực?

Thùy Dương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kham-pha/hai-tet-dinh-dau-co-lam-khan-gia-nhiu-may-306361.html