Hải quan các địa phương khẩn trương triển khai nhiệm vụ năm 2024

Năm 2024, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 375.000 tỷ đồng. Để hoàn thành dự toán thu được giao, ngành Hải quan đã đề ra nhiều giải pháp triển khai ngay từ đầu năm. Tinh thần này đã được lan tỏa tới tất cả các đơn vị hải quan trên cả nước.

Công chức Hải quan TP. Hồ Chí Minh làm thủ tục cho hàng nhập khẩu. Ảnh: Lê Thu.

Giao chỉ tiêu cụ thể, nắm bắt sát tình hình sản xuất

Với chỉ tiêu được giao 130.800 tỷ đồng, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã giao chỉ tiêu cho các đơn vị thuộc và trực thuộc, trong đó 4 đơn vị được giao thu hàng chục nghìn tỷ đồng là Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (45.300 tỷ đồng); Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (26.600 tỷ đồng); Chi cục Hải quan cảng Hiệp Phước (26.200 tỷ đồng); Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 (21.400 tỷ đồng).

Dự toán thu ngân sách ngành Hải quan là 375 nghìn tỷ đồng

Năm 2024, Tổng cục Hải quan được giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 375.000 tỷ đồng; trong đó, thuế xuất khẩu 8.200 tỷ đồng, thuế nhập khẩu 47.500 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt 38.000 tỷ đồng, thuế bảo vệ môi trường 1.200 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng 279.400 tỷ đồng, thu khác 700 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 4 đơn vị được giao thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng, gồm: Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 được giao thu 1.900 tỷ đồng; Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh 1.400 tỷ đồng; Chi cục Hải quan khu Công nghệ cao 1.150 tỷ đồng. Có 4 chi cục được giao chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước từ 50 - 140 tỷ đồng.

Việc giao sớm chỉ tiêu thu từ ngày đầu, tháng đầu để các đơn vị kịp thời triển khai loạt giải pháp tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu; đồng thời triển khai các giải pháp nghiệp vụ về chống thất thu, thu hồi nợ đọng.

Cùng với TP. Hồ Chí Minh, hàng năm số thu ngân sách của Cục Hải quan Hà Nội thường xuyên nằm trong top 3 đơn vị có số thu ngân sách nhà nước lớn nhất toàn ngành. Tuy nhiên năm 2023, số thu của đơn vị cũng gặp nhiều thách thức do những khó khăn khách quan. Năm 2024, chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước của Hải quan Hà Nội dự kiến ở mức 33.570 tỷ đồng, cao hơn dự toán năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Bích Liên - Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu (Cục Hải quan Hà Nội), nhấn mạnh một trong những trọng tâm năm 2024 của đơn vị là xây dựng chương trình tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn; đồng thời hướng dẫn các chi cục hải quan xây dựng kế hoạch tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Tập trung vào công tác hậu kiểm

Các đơn vị được giao dự toán thấp cũng không chủ quan mà bắt tay ngay “vào việc”. Đơn cử như ở Quảng Nam, công tác chống thất thu ngân sách nhà nước, tăng thu từ kiểm tra, kiểm soát hải quan sẽ là giải pháp trọng tâm.

Theo ông Trần Ngọc Đức - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Nam, năm 2024, đơn vị tập trung vào thực hiện kế hoạch kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan trên cơ sở quyết định giao kế hoạch của Tổng cục Hải quan; kiểm tra tại trụ sở cơ quan hải quan theo kết quả thu thập thông tin; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Đồng thời, đơn vị chủ động tổ chức thực hiện thu thập thông tin đối với các cảnh báo rủi ro trong gian lận xuất xứ hàng hóa, trị giá, mã số thuế suất của một số mặt hàng trọng điểm, kim ngạch cao…

Năm 2024, Cục Hải quan Cao Bằng dự báo hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn không có nhiều biến động, hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu vẫn là các mặt hàng truyền thống. Riêng mặt hàng có thuế suất cao như ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, dự kiến không còn nhập khẩu qua Cao Bằng mà sẽ chuyển về địa bàn truyền thống là Lạng Sơn. Do đó, công tác thu ngân sách nhà nước năm 2024 có nhiều khó khăn.

Ảnh minh họa

Điều này đã được Hải quan Cao Bằng xác định ngay từ đầu năm. Do vậy năm nay, đơn vị sẽ tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về giám sát, quản lý về hải quan; thực hiện hiệu quả công tác thu ngân sách nhà nước, quản lý thuế; thực hiện tốt công tác quản lý rủi ro... Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, kiểm soát tại các địa bàn và trên tuyến đường trọng điểm…

Tại Quảng Ngãi, năm 2024 dự báo hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn và thách thức do kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo Phó Cục trưởng Huỳnh Văn Cường, trong năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi đã cấp phép đầu tư cho 6 dự án, trong đó có 2 dự án lớn góp phần tăng trưởng số thu ngân sách nhà nước năm 2024 và các năm sau, như: nhà máy sản xuất thép dây cuộn chất lượng cao Hòa Phát Dung Quất và nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer- Quảng Ngãi. Hiện nay, dự án thép Hòa Phát Dung Quất đã hoàn thành và đi vào sản xuất ổn định giai đoạn 1.

Đến nay, đơn vị đã tiếp nhận danh mục miễn thuế cho dự án mở rộng khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, dự kiến doanh nghiệp sẽ nhập khẩu máy móc thiết bị và vật tư xây dựng dự án giai đoạn 2 vào nửa cuối năm 2023, nên đã góp phần tăng số thu nộp ngân sách nhà nước các tháng cuối năm từ công ty này.

Bên cạnh đó, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn đã thay đổi kế hoạch bảo dưỡng định kỳ (lùi kế hoạch bảo dưỡng nhà máy sang 6 tháng đầu năm 2024), nên nguồn dầu thô nhập khẩu năm 2024 sẽ giảm.

Để những điều này không ảnh hưởng lớn tới nguồn thu, Cục Hải quan Quảng Ngãi sẽ đồng hành, chia sẻ khó khăn, hướng dẫn thủ tục cùng cộng đồng doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ổn định, đa dạng nhiều sản phẩm cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước. Qua đó thu hút thêm doanh nghiệp làm thủ tục trên địa bàn.

Thực hiện nghiêm túc công tác quản lý thu

Theo bà Nguyễn Như Quỳnh - Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), trong năm 2024, Tổng cục Hải quan quyết liệt triển khai các giải pháp, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024.

Trước tiên là tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, cơ quan hải quan đẩy mạnh hợp tác với ngân hàng để thực hiện nộp thuế điện tử 24/7, thí điểm nộp thuế qua tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đảm bảo cho người nộp thuế có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện; tiếp tục áp dụng các chuẩn mực quốc tế, quy trình quản lý hải quan hiện đại nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo giám sát, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc công tác quản lý thu ngay từ đầu năm 2024; tăng cường rà soát, nắm chắc nguồn thu; nghiên cứu, đề xuất và triển khai các giải pháp tăng thu, chống thất thu; chủ động đánh giá tác động của các cam kết hội nhập quốc tế đến công tác thu; tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế.

Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách, cơ quan hải quan tăng cường thu thập thông tin, xác định dấu hiệu rủi ro để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát; kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung kiểm tra về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ... kiên quyết không để tình trạng thất thu xảy ra trên địa bàn.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hai-quan-cac-dia-phuong-khan-truong-trien-khai-nhiem-vu-nam-2024-143657.html