Hải Phòng: Truyền thuyết miếu Bà, miếu Ông răn dạy đạo nghĩa vợ chồng

Hai ngôi miếu ở xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng. Miếu Bà thờ người vợ bất hạnh vững chắc, trường tồn, miếu Ông thờ người chồng phụ bạc cứ xây bị sét đánh.

Trên cánh đồng rộng lớn thuộc địa phận thôn Phong Cầu, xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, có 2 ngôi miếu nằm cách nhau hơn 1,5 cây số là miếu Bà và miếu Ông. Người dân địa phương cho biết, 2 ngôi miếu này thờ một đôi vợ chồng. Lý do họ được thờ ở hai nơi bắt nguồn từ truyền thuyết vào thời nhà Mạc.

Tương truyền, khi ấy khu vực đồng ruộng nơi đây vẫn là vùng đất bãi ngoài đê. Để tiện cho việc cày cấy và bảo vệ mùa màng, triều đình ra lệnh cho các địa phương đắp đê. Thế nhưng, có một đoạn đê cứ đắp hôm trước, đến hôm sau lại bị sạt lở.

Khi ấy, chức sắc trong vùng tổ chức buổi lễ cầu khấn thần linh giúp đỡ cho việc đắp đê và thuê vợ chồng ông Tơ đến hát. Đêm trước buổi lễ, có vị chức sắc được báo mộng, nếu hiến một người phụ nữ đẹp, công việc sẽ được suôn sẻ.

Sau khi bàn bạc, thống nhất, các chức sắc đến gặp ông Tơ gạ bán vợ để hiến cho thần linh. Ban đầu, ông Tơ từ chối. Nhưng sau đó, ông đồng ý vì khoản tiền quá lớn sẽ giúp mình cả đời sống trong cảnh giàu sang.

Miếu Bà ở thôn Phong Cầu, xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, thờ người vợ bất hạnh luôn vững chắc, trường tồn đến ngày nay (Ảnh: Thái Phan).

Phần ao sâu trước cửa miếu Bà được cho là vết tích của đoạn đê bị nước biển xói mòn khi xưa (Ảnh: Thái Phan).

Tại buổi lễ, một cây cầu tre được dựng lên bắc ngang qua đoạn đê bị sạt lở. Vợ chồng ông Tơ đứng hát trên đó. Sau khi nhẫn tâm đẩy người vợ rơi xuống, ông Tơ bỏ đi với tay nải nặng trĩu bạc.

Thật lạ kỳ, sau đó đoạn đê này không bị sạt lở nữa. Vì thế, vụ mùa này tiếp nối vụ mùa khác bội thu. Tưởng nhớ, tri ân bà Tơ, người dân trong vùng lập miếu thờ phụng, gọi là miếu Bà và quanh năm hương khói. Miếu Bà tồn tại đến ngày nay và không ngừng được tu bổ, mở rộng.

Trước miếu Bà hiện vẫn còn phần ao khá sâu, người dân trong vùng cho biết, đây là dấu tích nước biển xói vào đê khi xưa. Cụ Phạm Thị Na, 94 tuổi, trông coi miếu Bà suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Còn ông Tơ, lúc nhận bạc và rời đi, khi cách đoạn đê bị xói khá xa, bị sét đánh gục. Khi dân làng tìm đến, không thấy xác ông đâu, mà chỉ thấy tổ mối đùn bao kín. Thương tình, người dân trong vùng bàn nhau góp của, góp công dựng miếu thờ gọi là miếu Ông.

Thế nhưng, miếu cứ dựng xong thì mây đen ùn ùn kéo đến. Miếu Ông bị sét đánh tan tành. Dân làng nhiều lần dựng lại, nhưng lần nào cũng bị sét đánh đổ. Về sau, họ đành đặt ban thờ ông Tơ khá sơ sài ngoài trời.

Nơi ông Tơ ngã xuống do sét đánh, người dân địa phương dựng ban thờ ngoài trời (Ảnh: Thái Phan).

Miếu Ông nằm cách miếu Bà hơn 1,5 cây số trên địa bàn thôn Phong Cầu, xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng (Ảnh: Thái Phan).

Hơn 3 năm trước, cụ Vũ Thị Hay, 85 tuổi, ở thôn Phong Cầu, xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, đã cùng dân làng chung tay xây miếu nhỏ thờ ông Tơ cách đó hơn 500 m. Đến nay, miếu Ông chưa lần nào bị sét đánh. Người làng Phong Cầu cho rằng, thời gian quá lâu, người vợ cũng đã nguôi ngoai và tha thứ cho người chồng phụ bạc.

Hằng năm, cứ đến ngày mùng 6/6 Âm lịch, người dân làng Phong Cầu lại tổ chức lễ giỗ Mẫu ở miếu Bà để tri ân, tưởng nhớ bà Tơ. Trong dịp lễ, những người cao tuổi thường kể lại câu chuyện ông bà Tơ để răn dạy lớp trẻ về đạo nghĩa vợ chồng.

Ngô Quang Thái

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hai-phong-truyen-thuyet-mieu-ba-mieu-ong-ran-day-dao-nghia-vo-chong-a655610.html