Hải Phòng, thành phố Hoa phượng đỏ

ND - Tôi gặp lại nhà thơ Hải Như ở Nhà khách số 2 Bến Bính. Ông ra Hải Phòng với tư cách khách mời của UBND thành phố nhân dịp tròn 30 năm bài hát "Thành phố Hoa phượng đỏ". Trong cái lạnh xứ bắc đến tê da, đôi mắt nâu của ông vẫn ánh lên vẻ tự tin, ấm áp. Khuôn mặt ưu tư, giọng nói đượm vẻ bâng khuâng, xót xa khi Hải Như kể về bài hát "Thành phố Hoa phượng đỏ".

Cũng đúng thôi, người bạn đồng tác giả trong ca khúc, người đã thổi hồn vào ca từ của Hải Như - Nhạc sĩ Lương Vĩnh - đã thành người thiên cổ. Tuy nhiên, giai điệu ấm nồng hòa quyện với ý thơ tha thiết của bài hát đã bay suốt 30 năm, đến bây giờ vẫn mặn mòi như mới hôm nào: "Tháng Năm, rợp trời hoa phượng đỏ, ơi Hải Phòng thành phố quê hương. Ta yêu thành phố quê ta, như yêu chính người thân yêu nhất...". Nhiều người cho rằng, Hải Như là người Hải Phòng thì mới có lời thơ tin yêu đến thế. Thực ra ông gốc Nam Định, cùng quê với nhạc sĩ Văn Cao sinh cùng năm 1923 sau Văn Cao 12 ngày. Hải Như viết và tham gia cách mạng từ rất sớm. Năm 1948, ông tham gia Đại hội Văn nghệ Việt Nam lần thứ nhất, là một trong những nhà báo học lớp báo chí cách mạng đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng tại Bờ Rạ (Thái Nguyên năm 1948). Sống ở thành phố Hồ Chí Minh đã hơn 20 năm, ra Hải Phòng lần này, Hải Như tha thẩn thăm lại các địa danh nổi tiếng đã đi vào bài hát: Cầu Rào, Bến Bính, Nhà máy xi-măng, Sông Lấp. Sông Lấp bây giờ đã là hồ Tam Bạc nước xanh ngăn ngắt nằm giữa khu trung tâm đông đúc, ồn ào. Ông nhớ lại mùa hè năm 1970, vợ chồng nhà thơ Xi-mô-nốp sang thăm Việt Nam, được ông Lê Văn Kỳ, Cục trưởng Cục Đường biển mời tham quan Hải Phòng và ngành đường biển. Cùng đi có nhà thơ Huy Cận, các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Hồ Bắc, Hoàng Vân và nhà thơ Hải Như... Đi giữa thành phố Cảng rực rỡ hoa phượng đỏ trong những ngày cả nước cùng miền nam đánh Mỹ, Hải Như xuất thần viết bài thơ "Thành phố Hoa phượng đỏ". Hồi ấy, sự phân biệt trong quan niệm văn nghệ địa phương và văn nghệ T.Ư là rất lớn. Muốn phá bỏ khoảng cách đó, Hải Như nhờ Hội Âm nhạc Việt Nam và Sở Văn hóa - Thông tin thành phố Hải Phòng mời một nhạc sĩ địa phương chưa mấy tên tuổi cộng tác với mình để phổ nhạc cho lời thơ. Được Hội và Sở giới thiệu, ông yên tâm giao bài thơ của mình cho nhạc sĩ Lương Vĩnh. Và ba tháng sau, bài hát "Thành phố Hoa phượng đỏ" đã được biểu diễn lần đầu tiên tại trụ sở Đoàn ca múa Hải Phòng (đóng ở Phố Ga). Ca sĩ là Lương Vĩnh với cây ghi-ta gỗ, khán giả là nhà thơ Hải Như, nhạc sĩ Lê Yên và chị Ngọc diễn viên múa, vợ anh Lương Vĩnh. Hải Như thắc mắc: "Sao anh lại bớt đi 6 chữ của tôi? Hỡi em yêu trong đêm dài tiễn biệt cho anh trao chiếc hôn nồng. Ta tạm biệt xa nhau...". Nhạc sĩ Lương Vĩnh cười thanh minh: "Hôn trong thơ thì được, ít người đọc, chứ hôn trong ca khúc, hát lên ai ai cũng thấy thì rắc rối lắm, bác thông cảm cho em...". Sau khi hoàn thành ca khúc, nhiều lần nhạc sĩ Lương Vĩnh lên Hà Nội nhờ nhà thơ Hải Như sửa ca từ vì có ý kiến cho rằng: "Hải Như là nhà thơ ở trung ương không hiểu Hải Phòng nên mới viết những hẹn hò bên bờ sông Lấp - Chỗ hẹn hò không đàng hoàng. Rồi lại còn "hạ thấp vị thế" của Hải Phòng bằng câu: "Hải Phòng ơi! Hôm nay bé nhỏ"... Hải Như kiên quyết không sửa mà gửi bài hát lên Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi có thể phổ biến rộng rãi nhất ra công chúng. Sau khi được duyệt mà không sửa chữa gì, ca khúc "Thành phố Hoa phượng đỏ" chưa có ca sĩ thể hiện. Vào một chiều hè năm 1971, gần một năm sau khi ca khúc ra đời, có một ca sĩ trẻ tới gõ cửa nhà thơ Hải Như, tự giới thiệu quê ở Bát Tràng, xin được hát bài hát này. Chàng trai đó sau này chính là Nghệ sĩ ưu tú Kiều Hưng. Qua giọng hát của anh trên làn sóng phát thanh, bài hát "Thành phố Hoa phượng đỏ" được khán thính giả cả nước yêu thích. Sau khi được phổ biến trên làn sóng, không thấy có ý kiến nào về ca từ của bài hát nữa... Gần 100 bài thơ được phổ nhạc, tác giả của các tập sách đã xuất bản: Trái đất mai này còn lại tình yêu; Bài thơ trên bến Nhà Rồng; Nỗi buồn hoa bất tử; Vị thượng khách nhà tù Hương Cảng; Có hai dòng văn chương, và vở kịch Vị thượng khách nhà tù Hương Cảng (đã phát trên VTV1),... Hải Như còn có nhiều tác phẩm văn xuôi, dịch thuật, nghiên cứu phê bình khác. Nhưng ở Hải Phòng người dân đều biết đến và yêu quý Hải Như với "Thành phố Hoa phượng đỏ". Từ khi bài hát được phổ biến rộng, người ta quen gọi Hải Phòng là Thành phố Hoa phượng đỏ.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=174453&sub=80&top=43