Hải Phòng: Quận Ngô Quyền 'cố tình' bồi thường thiếu đất ở của người dân?

ng Vũ Minh Đức ở phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng phản ánh gia đình ông sử dụng thường xuyên 400m2 đất ở từ năm 1986, nhưng khi giải phóng mặt bằng cho dự án giao thông của TP, gia đình ông chỉ được bồi thường, hỗ trợ 69m2.

Ông Đức chỉ phần móng và rào tre ông vây quanh khu đất mình sử dụng ổn định từ những năm 1980.

400m2 chỉ bồi thường 69m2

Báo Xây dựng nhận được đơn kiến nghị của ông Vũ Minh Đức ngụ tại tổ 1, Nam Pháp 2, đường Thiên Lôi, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Hải Phòng phản ánh: Dự án xây dựng tuyến đường Bắc Sơn – Nam Hải thuộc Dự án đầu tư xây dựng phát triển giao thông đô thị thành phố Hải Phòng đã lấy trọn thửa đất hơn 400m2 của ông mà chỉ bồi thường, hỗ trợ có 69m2, tức là khoảng 18% tổng diện tích đất ông đang sử dụng ổn định, không tranh chấp.

Ông Đức cho biết gia đình ông sử dụng 400m2 đất thuộc thửa đất số 25 tờ bản đồ số 51 (vẽ năm 1998) từ năm 1986. Nguồn gốc đất là do ông khai hoang phục hóa từ đất hoang và đã được UBND phường Đằng Giang xác minh nguồn gốc đất là đất ở ổn định trước ngày 15/10/1993 và không có tranh chấp đất đai tại báo cáo 07/BC-UBND ngày 01/02/2016.

Bản đồ hiện trạng do Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên môi trường đo vẽ lại thể hiện thửa đất của ông Đức có diện tích 164m2.

Theo hồ sơ, ông Đức đã nhiều người khác ra khai thác, kinh doanh ven sông từ năm 1980, nay vẫn còn sống và có người vẫn ở liền kề với thửa đất ông đang sinh sống. Có 4 người đã xác nhận ông Đức đã lấp hố bom phía trong bờ đê cầu Rào cạnh đường giao thông cũ làm nhà và sinh sống từ những năm 1980. Những người này gồm ông Nguyễn Thanh Cảnh (sinh năm 1935), ông Nguyễn Ngọc Quý (sinh năm 1940), bà Trần Thị Sen (sinh năm 1943), bà Nguyễn Thị Bóc (sinh năm 1948).

Tuy nhiên, theo xác nhận của UBND phường Đằng Giang thì diện tích đất hộ ông Vũ Minh Đức đang sử dụng theo nguồn gốc đất năm 1986 nằm tại khu vực thành phố quản lý, không có số thửa, không thể hiện diện tích, ông Đức tự sử dụng và xây nhà ở. Năm 1998, thửa đất đã được đo gộp vào thửa 25, tờ bản đồ 51, kí hiệu XD (đất xây dựng). Đến năm 2012 theo Bản trích đo địa chính phục vụ thu hồi đất do Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng đo vẽ phục vụ thu hồi đất (gọi tắt là Bản trích đo địa chính 2012) thì ông Đức chỉ có 33,8m2 đất nằm tại thửa số 14 được xác định bồi thường, hỗ trợ 100% vì không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4, điều 14 Nghị định 84/2007/NĐ-CP và có phiếu lấy ý kiến dân cư về thời điểm sử dụng đất và xây nhà. Còn khoảng 370m2 đất được xác định là đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1,2 và 5 Điều 50 Luật đất đai 2003 nên ông Đức không được bồi thường, hỗ trợ.

Ông Đức không đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ này và tiếp tục kiến nghị. Sau đó, ông được xét bồi thường hỗ trợ thêm 35,44m2 là diện tích có móng gạch đã phá dỡ tường không thể hiện là thửa đất của ông Đức tại Bản trích đo địa chính 2012.

Vẫn cho rằng việc bồi thường, hỗ trợ trên còn thiếu diện tích vì việc bồi thường, hỗ trợ căn cứ vào Bản trích đo địa chính năm 2012 là không thỏa đáng; lý do là theo Thông tư 21 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành “Quy phạm thành lập bản đồ địa chính” thì khi đo vẽ Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường phải đưa “Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất” cho ông ký. Thế nhưng ông lại không hề biết có việc họ đo vẽ nên ông không được ký xác nhận và họ đã chỉ đo cho ông 33,8m2.

Sau đó, Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường đã đo vẽ lại Bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/500 toàn bộ diện tích của ông Đức đang sử dụng. Theo đó, ông Đức đồng ý không đo phần diện tích hành lang đê và hành lang giao thông. Bản đồ hiện trạng này thể hiện phần diện tích ông Đức đang sử dụng là 164m2, trong đó có 58m2 có công trình ngầm của Nhà nước. Việc đo vẽ này có sự chứng kiến của cán bộ địa chính phường Đằng Giang, chuyên viên Phòng Tài nguyên Môi trường quận Ngô Quyền, chuyên viên Ban quản lý dự án các khu vực giao thông Hải Phòng và ông Vũ Minh Đức. Tuy nhiên, sau đó không hiểu vì lý do gì, bản trích đo này không được Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư quận Ngô Quyền (HĐBTHT&TĐC) chấp nhận.

“Cố tình” bồi thường thiếu?

Ông Đức khẳng định: “HĐBTHT&TĐC đã cố tình bồi thường thiếu diện tích đất cho tôi. Việc đo vẽ Bản trích đo địa chính năm 2012 của Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường là không đúng quy định của pháp luật vì khi họ đo vẽ tôi đã không hề biết và không được ký vào “Bản mô tả ranh rới, mốc giới thửa đất”. Sau khi tôi kiến nghị, Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường đã phối hợp với UBND phường Đằng Giang và các cơ quan chức năng khác xuống đo vẽ lại. Bản đồ hiện trạng và đã thừa nhận diện tích tôi đang sử dụng là 164m2 nhưng HĐBTHT&TĐC chỉ chấp thuận bồi thường, hỗ trợ 69m2. Việc Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường đo vẽ thiếu diện tích cho tôi, họ đã đo vẽ lại tức là họ đã điều chỉnh đúng theo Thông tư 21 năm 2011 của Bộ Tài nguyên Môi trường khi việc đo vẽ lập trích đo có sai sót”.

Làm việc với UBND phường Đằng Giang để tìm hiểu nguyên nhân vì sao phường không xác nhận nguồn gốc đất cho ông Đức theo bản đồ hiện trạng đo lại, được biết: Phường chỉ xác định nguồn gốc đất cho ông Đức khi có văn bản của Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường xác nhận Bản đồ hiện trạng đo vẽ lại thay thế cho Bản trích đo địa chính 2012.

Trao đổi với ông Trần Hữu Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền về việc này, ông Xuân khẳng định: Bản trích đo địa chính 2012 do Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường lập đã được Sở Tài nguyên môi trường thẩm định nên việc sử dụng bản trích đo này phục vụ thu hồi đất là hoàn toàn đúng. Phần diện tích còn lại ông Đức phải cung cấp được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất theo quy định của pháp luật thì mới giải quyết bồi thường, hỗ trợ nhưng ông Đức không cung cấp được. Còn Bản đồ hiện trạng do Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường lập về sau này chưa được Sở Tài Nguyên Môi trường thẩm định, chưa được UBND phường Đằng Giang xác minh nguồn gốc đất nên không là cơ sở lập phương án bồi thường.

Nếu chỉ căn cứ vào Bản trích đo năm 2012 thì tại sao có việc HĐBTHT&TĐC, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Ngô Quyền lại bồi thường thêm cho ông Đức 35,44m2 không thể hiện trong Bản trích đo 2012 là của ông Đức. Thêm nữa, khi Bản đồ hiện trạng sử dụng đất của ông Đức do Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường đo vẽ có sự chứng kiến, xác nhận của đại diện UBND phường Đằng Giang là cơ quan có trách nhiệm xác định nguồn gốc đất trên địa bàn mình quản lý.

Làm việc với Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường về việc ông Đức kiến nghị Bản trích đo hiện trạng 2012 là không đúng quy định của Thông tư 21 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện Trung tâm này không thừa nhận bản trích đo đã được lập là không đúng quy trình, quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vị này cho biết: Trong quá trình đo vẽ, do đo vẽ rất nhiều nên không thể tránh khỏi nhầm lẫn và chúng tôi đã điều chỉnh bằng việc đo vẽ lại. Còn nguồn gốc đất phải do phường xác nhận, cán bộ địa chính phường cùng chủ nhà chỉ diện tích đến đâu chúng tôi đo đến đấy, khi chúng tôi đo vẽ lại, chính cán bộ địa chính phường Đằng Giang là người chỉ cho chúng tôi đo. Bản đồ hiện trạng chúng tôi đo vẽ lại đã là câu trả lời rõ ràng về hiện trạng ông Vũ Minh Đức hiện đang sử dụng là 164m2 rồi, cần gì văn bản nào khác.

Thiết nghĩ, việc bồi thường, hỗ trợ phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Đây là yếu tố đảm bảo hiệu quả, là yếu tố giải quyết hợp lý về lợi ích giữa nhà nước và người có đất bị thu hồi. Thế nhưng hiện nay, HĐBTHT&TĐC, UBND quận Ngô Quyền và UBND phường Đằng Giang đang “vờ” như không hiểu hay “cố tình” không hiểu nên bồi thường thiếu diện tích cho ông Đức khiến việc giải phóng mặt bằng kéo , góp phần làm chậm tiến độ triển khai Dự án.

Mỹ Hạnh

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/hai-phong-quan-ngo-quyen-co-tinh-boi-thuong-thieu-dat-o-cua-nguoi-dan.html