Hải Phòng: Phục dựng Chợ quê thời Mạc, bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc

Cuối tháng 7/2023 này, Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng, Ban Quản lý Di tích Từ đường họ Mạc phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng tổ chức Chợ quê thời Mạc lần thứ I năm 2023. Chợ quê thời Mạc được hy vọng sẽ trở thành sản phẩm văn hóa du lịch tâm linh độc đáo, hấp dẫn người dân và du khách khi đến Hải Phòng và vùng đất cố đô Dương Kinh xưa.

Chợ quê thời Mạc lần thứ I năm 2023 được tổ chức trong 3 ngày (29, 30 và 31/7) tại khu Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Từ đường họ Mạc (thôn Đại Thắng, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng).

Chợ quê thời Mạc sẽ trưng bày 30 gian hàng, giới thiệu những sản vật nông nghiệp chất lượng, có thương hiệu, được đầu tư công phu, tỉ mỉ và tâm huyết từ các địa phương và do con cháu họ Mạc cả nước gửi đến tham gia.

Du khách đến với Chợ quê thời Mạc còn được trải nghiệm một không gian diễn xướng thiêng liêng, thấm đẫm hồn quê Việt, với các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như: chèo, xẩm, ca trù, hát văn, hát ả đào…

Điểm nhấn của sự kiện Chợ quê thời Mạc lần thứ I là chương trình nghệ thuật đặc sắc vào tối 29/7, với hoạt cảnh chèo “Thái hậu Mạc triều mở chợ”, tưởng niệm ngày mất của Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn.

TS Hoàng Văn Kể, Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng cho biết: Phục dựng và tổ chức Chợ quê thời Mạc nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của miền quê vùng châu thổ sông Hồng nói chung, vùng cố đô Dương Kinh xưa nói riêng.

Theo các nguồn sử liệu còn lưu giữ, triều đại nhà Mạc tuy chỉ có 65 năm đóng đô tại Thăng Long (1527 - 1592) nhưng đã thực thi nhiều chính sách cởi mở, cách tân, tiến bộ, như: trọng nông, khuyến công nhưng không ức thương, cải cách hạn điền, khai khẩn đất đai, đắp đê đào sông bảo vệ mùa màng. Bởi vậy trong nhiều năm sản xuất phát triển, được mùa liên tiếp, đời sống nhân dân no đủ. Thời Mạc, các chợ ven đô và chợ làng phát triển nhộn nhịp, nhanh chóng trở thành trung tâm buôn bán, giao thương hàng hóa sầm uất.

Tiến sỹ Hoàng Văn Kể, Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng, Trưởng Ban tổ chức Chợ quê thời Mạc đánh giá: Phục dựng và tổ chức Chợ quê thời Mạc nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của miền quê vùng châu thổ sông Hồng nói chung, vùng cố đô Dương Kinh xưa nói riêng, gắn với thời kỳ thịnh trị của nhà Mạc và những đóng góp to lớn của Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn.

"Đây không phải là một chợ thương mại đơn thuần mà chúng tôi muốn xây dựng và tạo thành một sản phẩm văn hóa lịch sử du lịch tâm linh. Chợ được tổ chức vào dịp lễ tưởng niệm ngày mất của Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, sẽ là hoạt động có nhiều ý nghĩa, không chỉ thu hút con cháu họ Mạc, gốc Mạc về dự mà còn thu hút đông đảo du khách thập phương và nhân dân; từng bước hình thành một điểm nhấn trong tour tuyến du lịch lịch sử văn hóa tâm linh của thành phố Hải Phòng".

Hội thi truyền thống vật dân tộc thời Mạc được tổ chức tại Di tích Từ đường họ Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) vào dịp đầu Xuân, trở thành điểm nhấn trong hoạt động văn hóa - du lịch của địa phương.

Chợ quê thời Mạc cũng được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 496 năm ngày Mạc Thái Tổ đăng quang. Dịp này, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) cũng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Lễ đăng quang của Mạc Thái Tổ, như: Dâng hương tại khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc và các di tích liên quan, lễ cáo yết, lễ đăng quang kỷ niệm, Hội thi võ Trạng Nguyên, Lễ biểu dương học sinh, giáo viên có thành tích xuất sắc…

Những năm qua, vào dịp đầu Xuân, tại Di tích Từ đường họ Mạc và Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc tại huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa tiêu biểu, như: Hội thi truyền thống vật dân tộc thời Mạc, Lễ khai bút đầu Xuân,… trở thành điểm nhấn trong hoạt động văn hóa - du lịch của địa phương./.

Thanh Nga/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/hai-phong-phuc-dung-cho-que-thoi-mac-bao-ton-van-hoa-truyen-thong-dan-toc-post1032803.vov