Hải Phòng: Lễ hội Khai bút kéo dài 10 ngày

Ngày 15/2, Thành phố Hải Phòng tổ chức Lễ hội Khai bút xuân Giáp Thìn 2024 tại Khu tưởng niệm vương triều Mạc, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy. Lễ hội kéo dài đến hết ngày 24/2 (tức ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Ngày 15/2, tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (huyện Kiến Thụy, Thành phố Hải Phòng) và Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo, Thành phố Hải Phòng) diễn ra Lễ hội Khai bút đầu xuân Giáp Thìn 2024.
Đây là hoạt động được Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy và Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo tổ chức hàng năm với mong muốn về một năm mới hạnh phúc và thành công. Việc tổ chức các Lễ hội Khai bút đầu xuân tại Hải Phòng còn mang ý nghĩa tri ân Đức Mạc Thái Tổ và Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm...

Lẽ rước bút từ Văn Miếu Xuân La (xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) về Khu tưởng niệm vương triều Mạc mở đầu Lễ khai bút đầu Xuân Giáp Thìn 2024 tại huyện Kiến Thụy, Thành phố Hải Phòng. Ảnh: VOV

Tại Khu tưởng niệm vương triều Mạc: Lễ hội Khai bút kéo dài 10 ngày

Lễ hội Khai bút được tổ chức trong 3 ngày chính, từ 15/2 đến ngày 17/2 (tức ngày mồng 6, 7 và mồng 8 Tết Nguyên đán Giáp Thìn) và kéo dài đến hết ngày 24/2 (tức ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Trong đó, Lễ Cáo yết được tổ chức từ 14 giờ ngày 14/2; khai mạc Lễ hội tổ chức từ 8 giờ ngày 15/2; các trò chơi dân gian được tổ chức từ ngày 16/2; Lễ Giã đám được tổ chức từ 17 giờ ngày 17/2.

Cùng với đó, phần hội của Lễ hội gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, các gian hàng triển lãm… được tổ chức đan xen từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán đến hết tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024.

Lãnh đạo TP Hải Phòng tham dự Lễ hội khai bút tại Vương triều nhà Mạc. Ảnh: Kinhtedothi

Mở đầu chương trình khai mạc Lễ hội là màn rước bút long trọng, trang nghiêm từ Văn Miếu Xuân La về Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (nghi thức an vị bút, đọc chúc văn khai bút, đánh trống khai hội).

Theo VOV, tại Lễ hội, đại diện Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng ký khai bút thực hiện chủ đề năm 2024 của Thành phố “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu – Tăng cường thực hiện các chính sách xã hội và chuyển đổi số”.

Tiếp đó, hơn 700 em học sinh, đại diện các trường học của huyện Kiến Thụy và một số trường trên địa bàn Thành phố Hải Phòng thực hiện nghi lễ khai bút với chủ đề “Ước mơ, mong muốn của bản thân về cuộc sống quanh mỗi chúng ta”.

700 học sinh Thành phố Hải Phòng tham dự Lễ khai bút đầu Xuân Giáp Thìn 2024 tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc. Ban Tổ chức sẽ chấm điểm, lựa chọn các bài tốt nhất để trao giải. Ảnh: VOV

Đây là hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống của dân tộc, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với mọi người dân Việt Nam. Việc khai bút đầu xuân tượng trưng cho sự khởi đầu tốt đẹp của mọi hoạt động, mọi chương trình, kế hoạch, với mục đích gửi gắm tâm tư, nguyện vọng về một năm mới hạnh phúc và thành công.

Việc tổ chức Lễ hội Khai bút đầu xuân tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc còn mang ý nghĩa tri ân Đức Mạc Thái tổ và các Tiên đế Vương triều Mạc đã có công cao, đức lớn trong việc phát triển giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước, như: Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Thị Duệ…

Thông qua các hoạt động của Lễ hội cũng góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, quảng bá tiềm năng, thế mạnh và thu hút khách du lịch trong và ngoài thành phố về với Kiến Thụy (Hải Phòng).

Tại Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Mở đầu Lễ Khai bút với chữ "Học"

Lễ hội Khai bút đầu xuân tại Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: Đại đoàn kết

Cũng tại Hải Phòng ngày 15/2, Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo tổ chức Lễ hội Khai bút đầu xuân Giáp Thìn 2024 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Mở đầu Lễ Khai bút, các nghệ nhân viết chữ "Học" bằng thư pháp chữ quốc ngữ và chữ Nho. Sau đó, lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo, lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo cùng hàng trăm giáo viên, học sinh tiêu biểu của 3 cấp học đã khai bút đầu xuân.

Theo Đại đoàn kết, Lễ hội Khai bút đầu xuân là hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống của dân tộc, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với mọi người dân Việt Nam. Khai bút có ý nghĩa đề cao sự học, vì thế những nét bút đầu tiên của năm mới tượng trưng cho khởi đầu một sự nghiệp, sự học, sự viết trong năm mới. Những nét chữ đầu xuân thể hiện một ước nguyện chung về một năm thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới, sự nghiệp như ý.

Nguồn: Tổng hợp

PV

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/hai-phong-le-hoi-khai-but-keo-dai-10-ngay-179240215223716943.htm