Hải Phòng: Không để công xưởng da giày trở thành mối nguy cháy nổ

Phòng cháy phải thực hiện nghiêm ngay từ cơ sở, không để xảy ra cháy nổ luôn là là mục tiêu hàng đầu. Đó cũng là đóng góp thiết thực của Sở Cảnh sát PCCC phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của TP Hải Phòng trong thời kỳ hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo Thượng tá Phạm Văn Đạt, Trưởng phòng Hướng dẫn về chữa cháy và CNCH, Sở Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng, hiện nay, Hải Phòng có khoảng 40 doanh nghiệp liên doanh, liên kết với nước ngoài, sản xuất, gia công giày dép, phụ kiện để xuất khẩu và cung cấp cho nội địa. Trong đó, chỉ có một số ít doanh nghiệp đầu tư xây dựng quy mô lớn, có trang bị đồng bộ hệ thống báo cháy tự động, hệ thống cấp nước chữa cháy vách tường, một số vật tư, dụng cụ cơ bản có thể ứng cứu tại chỗ nếu hỏa hoạn xảy ra. Số nhiều công xưởng còn lại, chủ đầu tư chỉ tận dụng tối đa nhà xưởng, nhà kho cũ từ thời bao cấp để làm xưởng sản xuất kết hợp kho chứa nguyên vật liệu. Đáng tiếc là trong số này có cả những doanh nghiệp đóng tại Hải Phòng hàng chục năm nay, có quy mô rất lớn về lao động, sản lượng giày dép mỗi năm đến hàng triệu đôi nhưng lại không quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo an toàn cháy nổ. Điển hình cho các doanh nghiệp lớn về quy mô nhưng thiếu trang bị an toàn cháy nổ là: Công ty TNHH Giày KAI NAN; Khải Hoàn Môn; Xí nghiệp Giày Lê Lai II, Công ty TNHH Châu Giang v.v…

Cảnh sát PCCC Hải Phòng hướng dẫn thực hành chữa cháy.

Thực tế kiểm tra tại các doanh nghiệp nói trên cho thấy, cấu kiện nhà xưởng đều là vật liệu dẫn điện, dễ cháy như khung thép, vì kèo thép, mái tôn, trần nhà bằng giấy nện, nhựa. Việc bố trí hệ thống kho vật liệu thiếu khoa học, không an toàn. Chẳng hạn, kho chứa các chất nhạy bắt lửa như keo, dung môi lỏng... rất gần với các kho vải, da pu, đế cao su - là những chất dẫn cháy, có thể làm đám cháy lan rộng dễ làm sập đổ công trình, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đó không phải là dự đoán mà là một thực tế đã xảy ra tại Xí nghiệp Giày dép số 1, Xí nghiệp Giày Lê Lai II, phân xưởng hoàn chỉnh tại Xí nghiệp Giày Lê Lai I. Những vụ cháy này không những đã thiêu rụi toàn bộ tài sản của doanh nghiệp trị giá hàng chục tỷ đồng mà còn là nỗi kinh hoàng của dân cư khu vực liền kề. Vụ cháy xưởng may mũ giày tư nhân năm 2011 tại xã Tân Dân, huyện An Lão là kết cục bi thảm của sự coi thường pháp luật, kỷ cương, thiếu trách nhiệm trong việc đề cao các nguyên tắc tối thiểu về an toàn cháy nổ đã dẫn đến 13 người chết, 25 người bị thương, tác động rất xấu đến tình hình TTATXH…

Đánh giá về công tác PCCC đối với các xưởng giày da, Thiếu tướng Lê Quốc Trân, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC thành phố nhận định: Với những gì đã và đang diễn ra tại các công xưởng trên địa bàn thành phố, giờ đã đến lúc phải siết chặt kỷ cương, doanh nghiệp dù trong nước hay ngoài nước đầu tư vào ngành này cần phải thực hiện nguyên tắc an toàn cháy nổ lên hàng đầu. Sở sẽ tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên hơn, việc xử lý các vi phạm sẽ phải nghiêm minh, đủ mạnh để răn đe, ngăn ngừa, chứ không chỉ đơn thuần là nhắc nhở, xử phạt. Cùng với đó, Sở cũng đã có quy chế bắt buộc người đứng đầu các cơ sở sản xuất gia công giày da phải chịu trách nhiệm tổ chức mạng lưới an toàn viên, đội PCCC cơ sở trực trong các giờ nghỉ, ngày nghỉ, có phương án chữa cháy cụ thể, trang bị đủ số lượng, chất lượng dụng cụ, phương tiện PCCC, xây dựng các qui định, nội qui an toàn PCCC phù hợp…

Phòng cháy phải thực hiện nghiêm ngay từ cơ sở, không để xảy ra cháy nổ luôn là là mục tiêu hàng đầu. Đó cũng là đóng góp thiết thực của Sở Cảnh sát PCCC phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của TP Hải Phòng trong thời kỳ hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2013/12/218903.cand