Hải Phòng công bố và trưng bày 12 bảo vật quốc gia

Ngày 6/5/2022, Sở Văn hóa - Thể thao TP. Hải Phòng họp báo công bố chính thức về 12 bảo vật quốc gia, những bảo vật này sẽ góp mặt trong sự kiện chào mừng Lễ hội Hoa phượng đỏ 2022.

Theo bà Trần Thị Hoàng Mai- Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng, việc tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 12 bảo vật quốc gia tại Nhà hát thành phố và trưng bày các bảo vật nhằm khẳng định giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc, phát huy và quảng bá giá trị di sản văn hóa, lịch sử của các bảo vật trên địa bàn thành phố. Sự kiện góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, huy động sự vào cuộc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của toàn xã hội.

Bảo vật Thanh Long đao được dâng vào Khu tưởng niệm các vua họ Mạc

12 bảo vật cấp quốc gia được công bố sẽ được trưng bày tại Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc, chùa Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, bảo tàng TP. Hải Phòng trong sự kiện Lễ hội Hoa phượng đỏ năm 2022 bao gồm:

Bảo vật Thanh Long đao đang lưu giữ ở Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, (khung niên đại thế kỷ 16-17), tại thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Đây là hiện vật gốc độc bản, chưa thấy xuất hiện trong các di tích và bảo tàng ở Việt Nam. Thanh Long đao này có giá trị trên nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, khoa học, mỹ thuật và đặc biệt có giá trị biểu tượng cho một dòng họ Phạm gốc Mạc và là biểu tượng của dòng họ Mạc Việt Nam.

Long đao là một loại vũ khí, có kích thước lớn, có sự kết hợp giữa hai kim loại đồng và sắt, trang trí ở khâu đạo rất tỉ mỉ, tinh tế. Long đao có nguồn gốc rõ ràng, được lưu giữ và thờ hơn 400 năm trong từ đường họ Phạm (gốc Mạc) ở Ngọc Tỉnh, Xuân Trường, Nam Định. Sau đó được đưa bảo quản, trưng bày ở Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, tại thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng.

Long đao có tổng chiều dài 240 cm, hình thức độc đáo, lưỡi có hình bán nguyệt, khâu đao là chốt nối giữa lưỡi đao và cán đạo; khi tháo lưỡi đao ra thì cán đạo thành một cây đoản côn. Khâu đao tạo tác hình linh vật Nhai Tí (gần giống đầu rồng), với chạm khắc hoa văn tinh tế, sống động. Theo các nhà nghiên cứu, Nhai Tí là linh vật có tính khí cương liệt, hung dữ, thích chiến trận.

Quang cảnh buổi họp báo.

Bảo vật thứ hai là tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung được làm từ đá vôi có kích thước vừa phải với chiều cao 63cm, ngang vai rộng 37cm, ngang gối rộng 55cm. Đây là pho tượng đá tự nhiên, nguyên khối, là hiện vật cổ, độc bản, không sao chép, hình thức độc đáo, chưa thấy xuất hiện trong các di tích và bảo tàng ở Việt Nam. Hiện, pho tượng đang được đặt tại chùa Trà Phương, thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng.

Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung.

Pho tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung là cổ vật giá trị đặc biệt liên quan đến vương triều Mạc, dòng tộc họ Mạc của đất nước. Việc tạc tượng và phụng thờ Thái tổ Mạc Đăng Dung thể hiện giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc. Pho tượng được tạc dưới dạng Hậu Phật (tín đồ Phật giáo/Phật tử).

Bảo vật thứ 3 là phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đang được lưu giữ, thờ cúng tại chùa Trà Phương, thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy. Bức phù điêu có kích thước vừa phải, được tạo tác từ đá vôi, tự nhiên, nguyên khối giống pho tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung. Phù điêu là hiện vật cổ, độc bản, chưa thấy xuất hiện trong các di tích và bảo tàng ở Việt Nam.

Bức phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn có giá trị đặc biệt liên quan đến vương triều Mạc, dòng tộc họ Mạc của đất nước bởi bà là vợ của vua Mạc Đăng Dung. Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn là người Trà Phương, huyện Nghi Dương (cùng huyện với vua Mạc Đăng Dung). Bà là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, làm nhiều việc thiện, công đức tiền, bạc, ruộng đất vào các chùa thờ Phật. Qua nghiên cứu điêu khắc, mỹ thuật trang trí trên bức phù điêu này, có thể xác định đây là phù điêu quý, có niên đại tuyệt đối thời Mạc (năm 1551).

Phù điêu Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn.

Tiếp đến là 9 bảo vật gốm men trắng An Biên có nguồn gốc từ triều Lý (thế kỷ XI-XIII), gồm: ấm, liễn, đĩa. Những hiện vật này được sản xuất để dùng trong các nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo thời Lý, trong hoàng cung.

Trong bộ sưu tập 9 cổ vật này, hầu hết đều được bảo quản nguyên lành đến mức hoàn hảo, được đánh giá chưa từng gặp bộ sưu tập thứ hai tại các bảo tàng, các di tích hay trong các bộ sưu tập tư nhân tại Việt Nam. Đây là bộ sưu tập của ông Trần Đình Thăng, hội viên Hội Cổ vật Hải Phòng...

Vũ Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/hai-phong-cong-bo-va-trung-bay-12-bao-vat-quoc-gia-1085256.html