Hải Phòng: Chồng chéo trong việc kí hợp đồng cung cấp nước sạch

Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam nhận được phản ánh của các chủ cơ sở, doanh nghiệp cấp nước đang hoạt động trên địa bàn các huyện ngoại thành Hải Phòng về việc UBND các xã ký hợp đồng chồng chéo với các Cty cấp nước trên cùng một địa bàn, ảnh hưởng đến quyền lợi của những doanh nghiệp, cơ sở cấp nước cũ đang hoạt động… là trái với quy định của thành phố, chưa phù hợp với nghị định CP 117.

Bất cập, lộn xộn… do chính quyền xã

Ông Trần Văn Đọc, thôn Thành Hoàng 1, xã Tân Dân, huyện An Lão đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi về việc UBND xã Tân Dân ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng vào cấp nước cho các hộ dân trong khi cơ sở của ông đã cấp nước ổn định hàng chục năm nay. Năm 2003, UBND xã động viên gia đình ông đứng ra nhận và đầu tư dự án cấp nước phục vụ sinh hoạt thay thế nước ao, giếng…cho bà con nhân dân thôn Đại Hoàng 1. Được sự vận động, thuyết phục của chính quyền, ông Đào đã đồng ý với quyết định số 31/QĐ-UB ngày 10/11/2003 của UBND xã “về việc chỉ định thầu xử lý nước mặt, cấp nước sinh hoạt nông thôn xóm Đượng, thôn Đại Hoàng, xã Tân Dân, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng”. Gia đình ông đã thế chấp nhà vay ngân hàng và vay tiền của gia đình, bạn bè đầu tư gần hai tỷ đồng để xây dựng nhà máy nước và đường ống dẫn nước, đồng hồ đo nước đến từng hộ dân.

Đơn kêu cứu của người dân về việc chồng chéo kí hợp đồng cung cấp nước sạch.

Vừa qua ông Chủ tịch UBND xã lại ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng không thông qua chúng tôi, trong khi chúng tôi đang cấp nước phục vụ nhân dân trong xã. Nếu vì mục tiêu cấp nước sạch của quốc gia, của thành phố thì chúng tôi sẽ chấp hành với điều kiện UBND xã phải thanh lý việc hủy ngang hợp đồng kinh tế và hỗ trợ bù đắp chi phí đầu tư dở dang, chuyển nhượng lại hạ tầng, đường ống để gia đình tôi tiếp tục có cơ hội kinh doanh ngành nghề khác ổn định cuộc sống và thu nhập của người lao động ” , ông Đọc bức xúc.

Tương tự là ông Bùi Quốc Uy, chủ nhà máy nước mini thôn Xuân Chiến, nay là Cty CP nước sạch vệ sinh môi trường Duy Tân đã vay mượn 7 tỷ đồng và cùng UBND xã Ngũ Phúc ký 3 hợp đồng về việc đầu tư xây dựng hệ thống bể lọc lắng, máy bơm, trạm xử lý nước và lắp đặt toàn bộ hệ thống đường ống, quản lý vận hành trạm cấp nước sạch cho gần ngàn hộ dân xã Ngũ Phúc. Tại điểm d- bổ sung Điều 5 phụ lục hợp đồng do ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch xã ký ngày 2/12/2015 ghi rõ: “ Đảm bảo lâu dài quyền lợi cho bên B thực hiện hợp đồng này và bên A không được cho phép bất cứ đơn vị kinh doanh nước sạch nào khác và khảo sát, đầu tư, kinh doanh cấp nước sạch trên địa bàn xã Ngũ Phúc, nếu không có sự đồng ý chấp thuận bằng văn bản của bên B”. Trạm cấp nước này đã được báo An ninh Hải Phòng phản ánh việc cấp nước đảm bảo tiêu chuẩn Quốc gia an toàn cho dân. Tuy nhiên, ngày 15/3/2017, chính ông Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc lại ký giấy giới thiệu số 12/GGT-UBND cho ông Lê Thanh Xuân- cán bộ Nhà máy nước cầu Nguyệt, thuộc Công ty Cổ phần cấp nước Hải Phòng xuống các thôn để khảo sát đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước thứ 2. Ngày 31/3/2017 Thanh tra Chính phủ đã có CV số 763/BTCDTW-XLĐ về việc chuyển đơn của ông Bùi Quốc Uy cùng các tài liệu kèm theo đến UBND huyện Kiến Thụy xem xét.

Khoảng 500 hộ dân xã Thắng Thủy đang dùng nước ổn định vài năm nay không khỏi hoang mang lo lắng khi chứng kiến việc đường lại bị đào lên để dải ống cấp nước, phá hỏng hạ tầng mất an ninh trật tự trên địa bàn. Mặc dù đã ký hợp đồng kinh tế số 19/HĐKT thời hạn 38 năm với UBND xã Thắng Thủy cung cấp nước đảm bảo cho người dân với tổng tiền đầu tư gần 5 tỷ đến nay chưa thu hồi được vốn thì UBND xã cũng ký hợp đồng cấp nước với Cty CP Môi trường và nước sạch Đại Dương thời hạn 50 năm. Cty CP Tân sơn đã gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan ban ngành xem xét hoàn tất thủ tục nâng cấp tiêu chuẩn nước phù hợp với mục tiêu của thành phố.

Bà Ngô Thị Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc, là người đại diện hợp pháp theo pháp luật của Hợp tác xã Nước sạch An Hòa, cùng các thành viên cổ đông của HTX Nước sạch An Hòa rất bất bình trước sự việc một số công ty đầu tư lắp đặt hệ thống cấp nước sạch tại các khu vực, vùng, địa bàn xã và ranh giới của HTX Nước sạch An Hòa đã được UBND thành phố, UBND huyện cấp phép quản lý khai thác. Cụ thể: Cty Cổ phần Môi trường, nước sạch Đại Dương đầu tư lắp đặt hệ thống cấp nước sạch tại các xã An Hòa, Vĩnh Long, Hiệp Hòa; Cty cổ phần cấp nước Hải Phòng đầu tư lắp đặt hệ thống cấp nước sạch tại xã Cộng Hiền; Cty Cổ phần đầu tư xây dựng Thống Nhất lắp đặt hệ thống cấp nước sạch tại xã Tiền Phong…

Đến nay HTX Nước sạch An Hòa chưa được UBND các xã, các công ty bàn bạc, thống nhất thỏa thuận đấu nối hoặc thỏa thuận chuyển nhượng quyền kinh doanh dịch vụ cấp nước. Thế nhưng các công ty đã cho người đi tuyên truyền khách hàng không dùng nước của HTX và đề nghị các doanh nghiệp ký lại hợp đồng mua nước…Những việc làm trên đã vi phạm vùng cấp nước và ranh giới lắp đặt hệ thống đường ống cấp nước sạch của HTX Nước sạch An Hòa, vi phạm quy định của pháp luật.

HTX Nước sạch An Hòa đề nghị UBND huyện Vĩnh Bảo, UBND các xã An Hòa, Cộng Hiền, Tiền Phong, Hiệp Hòa, Vĩnh Long yêu cầu các công ty (Công ty Cổ phần Môi trường, nước sạch Đại Dương, Công ty cổ phần cấp nước Hải Phòng, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Thống Nhất dừng ngay việc đầu tư lắp đặt hệ thống cấp nước sạch và không được cấp bán nước sạch cho khách hàng trong vùng, ranh giới mà HTX Nước sạch An Hòa đã được cấp phép quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch tại các xã nêu trên. Các cấp chính quyền cần có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng lộn xộn, chồng chéo giữa các đơn vị cấp nước để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức doanh nghiệp.

Cơ quan chức năng chỉ đạo giải quyết

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Lập, Giám đốc Sở Nông nghiệp PTNT nhấn mạnh: “Theo yêu cầu của người dân và chỉ đạo của Chính phủ tiến tới việc đảm bảo nước sạch nông thôn Hải Phòng, thành phố có chủ trương cung cấp đảm bảo nước cho người dân theo tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT. Đó là một chủ trương rất nhân văn. Trong khi đang tích cực triển khai để đáp ứng kịp thời nguyện vọng của người dân thì việc thực hiện hợp đồng của UBND các xã giữa đơn vị mới và cũ chưa được tốt. Quan điểm của thành phố là sẽ thống nhất theo các hướng hoặc là thỏa thuận mua lại hoặc cùng hợp tác trên tiêu chí đảm bảo nước sạch cho dân theo tiêu chuẩn. Những nhà máy nào đảm bảo, thành phố vẫn khuyến khích. Quan điểm rõ ràng là không bỏ hết cái cũ để thay thế cái mới, nhà máy cũ nào có thể cải tạo đầu tư nâng cấp thì đề nghị đơn vị lập hồ sơ gửi Sở Kế hoạch Đầu tư trình thành phố xem xét. Còn nhà máy nước nào không thể hoặc đã bị dừng hoạt động thì mới phải thay thế”.

Được biết, từ ngày 20/3/2017, Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy đã ngừng ngay việc vi phạm hợp đồng và phụ lục hợp đồng đã ký với Cty CP nước sạch và vệ sinh môi trường nêu trên. Ngày 11/10 /2017, UBND xã Thắng Thủy đã ra quyết định số 02 /CV – UBND “về việc hủy bỏ hợp đồng cung cấp nước sạch với Cty CP Môi trường và nước sạch Đại Dương”. Quyết định nêu rõ: “Để đảm bảo kỷ cương pháp luật và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, UBND xã đã họp thống nhất hủy bỏ hợp đồng cung cấp nước của Cty CP Môi trường và nước sạch Đại Dương trên toàn địa bàn xã Thắng Thủy.Yêu cầu Cty Đại Dương dỡ bỏ toàn bộ đường ống đã lắp đặt và báo cáo gửi UBND huyện Vĩnh Bảo”.

Quyết định 7/2017/QĐ-UBND do ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố ký ngày 25/8/2017, tại khoản 3e, Điều 2 nêu rõ: Tại các vùng đã có các đơn vị cung cấp nước sạch( đảm bảo theo quy định) dự án phải có văn bản đồng thuận của các đơn vị cùng cấp nước trên một địa bàn.

Theo Điều 32, Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ: Vùng phục vụ cấp nước, đã quy định tại Khoản 1: Một đơn vị cấp nước có thể có một hoặc nhiều vùng phục vụ cấp nước khác nhau, mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do một đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước.

Thông tư 08/2012/TT-BXD ngày 21/11/2012 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện cấp nước an toàn. Điều 7: Trách nhiệm của các tổ chức, các nhân trong việc lập, phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn. Khoản 4: Trách nhiệm của đơn vị cấp nước, Điểm d): Xác định ranh giới, lắp đặt biển báo, tổ chức bảo vệ an toàn khu vực thu nước, hệ thống cấp sản xuất cấp nước; phát hiện kịp thời, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm, gây mất an toàn cho hoạt động cấp nước trên địa bàn do mình quản lý.

Tổng thống Putin dự định thảo luận vấn...

Nga ưu tiên chế tạo vũ khí mới

Tổ hợp “Iskander-M” Nga có khả năng tiêu...

Nên đọc

Nguyễn Lương

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/hai-phong-chong-cheo-trong-viec-ki-hop-dong-cung-cap-nuoc-sach-d110812.html