Hai người bố

Trước khi Thắng nhập ngũ, bố mẹ đã tổ chức gia đình, để anh yên tâm lên đường làm nhiệm vụ. . Biết tin con dâu có em bé, bố mẹ vui lắm. Mẹ chồng bảo con dâu: Lợi ơi, có em bé thì con cần phải đi lại nhẹ nhàng. Việc bếp núc nóng nôi để mẹ làm cho. Việc ngoài đồng cũng thế, mẹ chồng bảo bố con còn khỏe, vẫn làm được đấy. Con giữ gìn cẩn thận, có mạnh khỏe, thì chồng con mới đỡ lo lắng về gia đình...

Hết đợt huấn luyện, Thắng lại được về phép, để chuẩn bị vào Nam chiến đấu. Trong tuần lễ nghỉ phép ngắn ngủi, vợ chồng Thắng - Lợi tâm sự biết bao nhiêu điều về những dự định cho tương lai. Anh chị còn bàn với nhau, xem đặt tên con là gì cho có ý nghĩa. Thắng bàn với vợ:

- Nếu là con trai, anh muốn đặt tên là Chiến, để bố con anh là “Chiến – Thắng” mà... Nếu là con gái, anh nhường cho em chọn tên cho con.

Ảnh minh họa: Sơ đồ chiến dịch Đường 9 – Nam Lào năm 1971. TG mượn trên MXH.

Ảnh minh họa: Sơ đồ chiến dịch Đường 9 – Nam Lào năm 1971. TG mượn trên MXH.

Lợi âu yếm nhìn chồng bảo:

- Con anh thì anh đặt!.

Thắng ôm chặt Lợi vào lòng mình hơn. Anh thật thà:

Nếu không có em thì anh lấy đâu ra con? Con chung của hai chúng mình chứ? Em còn vất vả nghén ngẩm, chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau... Mà đến lúc sinh nở này, anh lại không thể có mặt ở nhà, để cùng em chia sẻ...

Lợi rúc đầu vào ngực chồng xúc động nói:

- Em rất biết ơn những tình cảm mà anh thấu hiểu và dành cho em. Nhưng anh cũng vì nhiệm vụ của người lính, vào nơi chiến trận vất vả, hiểm nguy... Em không thể làm gì hơn để chăm sóc anh. Em chỉ biết giữ lòng chung thủy, ở nhà chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ thay anh mà thôi...

Thắng hạnh phúc nghe những lời tâm tình của người vợ, được nói ra từ đáy lòng mình. Anh vẫn không quên nhắc vợ, về ý định đặt tên cho con:

- Nào em định tên cho con gái mình thế nào đi chứ? Phụ nữ thì có khiếu thẩm mỹ của phái đẹp, kể cả cái tên.

- Em muốn đặt con gái tên là Hạnh anh ạ. Lợi nói. Hạnh vừa là hạnh phúc, cũng lại là đức hạnh...

Thắng vui vẻ nói luôn:

- Anh hoàn toàn đồng ý! Thế còn nếu là con trai, em có nhất trí đặt tên con là Chiến như anh dự định hay không?

- Em cũng đồng ý quá ấy chứ. Anh tôn trọng ý kiến của em, em nhất trí ý kiến của anh... Vợ chồng mình tôn trọng ý kiến của nhau, bình đẳng như thế, là em thấy hạnh phúc lắm rồi...

Thắng xoay người vợ quay lại với mình, anh sung sướng đặt lên môi vợ một nụ hôn cháy bỏng. Hai người cùng đi vào giấc ngủ ngon lành...

Hết những ngày nghỉ phép, Thắng lên đơn vị , rồi đi vào Nam chiến đấu. Trong những ngày hành quân bộ, trèo đèo lội suối đi dọc Trường Sơn, khi đến trạm dừng nghỉ, dù mệt mỏi, nhưng anh vẫn luôn tranh thủ ghi những lá thư ngắn, bỏ sẵn vào bì thư, hễ gặp đoàn quân nào trở về hậu phương, Thắng lại nhờ đồng đội đem ra, gửi về cho gia đình....Thắng gửi đến người vợ ở hậu phương, những tình cảm yêu thương da diết của người lính. Anh chỉ biết chúc Lợi ở nhà mạnh khỏe, mau chóng đến ngày sinh nở, được mẹ tròn con vuông... Anh cũng không quên, nhắn nhủ đến bố mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe, động viên vợ giúp mình. Và anh hẹn bố mẹ đến ngày chiến thắng trở về.

. Đến ngày sinh nở, chị được gia đình đưa đến trạm y tế xã. Ngôi thai thuận, cổ tử cung đã mở, Người nữ hộ sinh túc trực bên bàn đẻ. Chỉ nửa giờ sau, Lợi đã sinh một bé trai khỏe mạnh, cân nặng 3 kg.

Khẩn trương buộc dây dốn, quấn tã lót xong cho bé; cô hộ sinh đưa cháu cho bà nội đón tay. Cô mừng rỡ nói:

- Thằng bé giống bố nó như lột.

Bà nội cũng vui vẻ nựng cháu:

- Cảm ơn bà hộ sinh. Cục vàng của bà cháu đây rồi!

Những người ở đấy, ai cũng bày tỏ niềm vui với gia đình. Lợi tuy rất mệt, nhưng cô cũng cố nhìn nhìn đứa con bé bỏng, với niềm hạnh phúc khó tả. Bỗng cô chợt nhớ đến người chồng đang ở chiến trường xa, nước mắt cô giàn giụa tuôn ra...

Ở nhà, Lợi thỉnh thoảng nhận được những lá thư của chồng gửi ra. Nhưng lâu dần không có thư ra nữa. Hàng năm trời cô bặt tin tức của chồng, Lợi chỉ nghĩ rằng, có lẽ chồng chị đi vào sâu quá, chiến trường không có điều kiện gửi thư về được... Chị cũng muốn gửi thư báo tin cho chồng biết, đã sinh được con trai khỏe mạnh, nhưng không có địa chỉ của anh, nên chị đành chịu.

Chiến thắng đường số 9 - Nam Lào kết thúc. Ở xã bên có một anh lính bị thương, ra Bắc điều dưỡng, được về phép. Cùng đơn vị chiến đấu trong Nam với Thắng; nên khi về nhà, anh đã đến thăm gia đình của người đồng đội.

Anh cho biết: anh tên là Huy, đã ở cùng anh Thắng được hơn hai năm. Khi đang nửa chừng chiến dịch, anh bị thương vào một bên tay, phải ra quân... Anh kể cho Lợi nghe:

- Các anh là quân của sư đoàn 2 ông Nguyễn Chơn. Mấy năm trước toàn chiến đấu ở mặt trận Quảng Ngãi, Quảng Đà... trong ấy khó vận chuyển các thứ vào lắm. Trên chỉ cố gắng vận chuyển đươc lương thực, đạn dược và thuốc men là những thứ thiết yếu mà thôi. Đến chiến dịch này, sư đoàn 2 mới được cấp trên điều ra mặt trận Đường Chín – Nam Lào. Thắng vẫn mạnh khỏe và đang chiến đấu ở bên đó...

Thằng cu Nguyễn Đình Chiến, lên ba tuổi nhưng trộm vía nó phổng phao và ngoan ngoãn lắm. Thấy các bạn gọi bố mà nó không có bố, về nhà nó bập bẹ hỏi mẹ:

- Con không có bố à?

. Mẹ nó phải bảo:

- Bố con đi đánh Mỹ ở miền Nam, rồi chỉ lên ảnh người lính đội mũ có ngôi sao, bố con đấy thôi!....

Rồi có hôm, thằng bé hồn nhiên thỏ thẻ với bà nội:

- Bà ơi! Cháu cũng có bố bà ạ. Bọn bạn nó cứ bảo cháu là thằng không có bố...

Bà ôm cu Chiến vào lòng, vỗ về:

- Bậy nào. Bố cháu là chiến sĩ giải phóng...

Từ hôm ấy, đi đâu mỗi khi có đứa bạn nào trêu chọc, Chiến cứ hiên ngang nói với vẻ tự hào:

- Bố tao là chiến sĩ giải phóng!...

Cuối năm ấy, chính quyền va đoàn thể địa phương đến gia đình, báo một tin buồn: Thắng đã hy sinh tại mặt trận phía Nam. Thời gian hy sinh ghi trên giấy báo tử là đầu xuân 1971, trùng với cuộc chiến đấu ở Đường Chín – Nam Lào...

Lợi ôm lấy con mà nấc lên từng hồi. Nước mắt chị chảy ướt đầm cái áo của con mình. Cu Chiến còn bé quá, chưa hiểu sao mà ông bà và mẹ nó đều khóc, mắt đỏ hoe...

Vài năm sau, bố chồng bị bệnh hiểm nghèo qua đời. Rồi tiếp đến mẹ chồng vì suy nghĩ nhiều, bà cũng theo ông về với tổ tiên. Một mình Lợi thay chồng lo liệu mồ yên mả đẹp cho cả hai ông bà.

Cu Chiến đã choai choai, con cũng đã biết khá nhiều chuyện. Con đã bắt đầu đi học tiểu học. Dẫu vậy, buổi tối trong căn nhà tranh, dưới ánh đèn dầu leo lét, bóng hai mẹ con hắt lên vách nhà đìu hiu khó tả...

Nghe tin người đồng đội bị hy sinh, thỉnh thoảng Huy lại sang thăm mẹ con cu Chiến. Người thương binh cụt một tay chăm chỉ làm ăn, nhưng anh vẫn chưa định lấy một ai bầu bạn. Bố mẹ giục, anh chỉ bảo một câu:

- Con còn đang tìm hiểu!...

Rồi một lần đến thăm nhà Lợi, anh mạnh dạn nói:

- Thằng cu ngoan quá, em có đồng ý cho anh được cùng chăm sóc cu Chiến với em hay không?

Lợi ngỡ ngàng:

- Bác cứ đùa em. Là trai tân bác lấy đâu chả được vợ? Em lại bận con cái, qua một đời chồng!...

Huy đỡ lời luôn:

- Cu Chiến là con liệt sĩ, bố nó không về. Là đồng đội, anh muốn được thay Thắng chăm sóc nó cùng với em...

Lợi đang chưa biết trả lời thế nào, thì anh Huy nói tiếp luôn:

- Hay là em ngại vì anh bị thương tật, bị cụt tay... Lấy về phải hầu hạ anh?

- Không phải thế đâu anh ơi! Lợi vội vàng thanh minh. Anh mà nghĩ như thế thì tội cho em quá. Em chỉ lo là mình có xứng đáng với anh hay không. Em chỉ sợ bên nhà, bố mẹ anh không đồng ý khi anh lấy người đã qua một lần đò...

Huy cương quyết hơn:

- Anh và em đều đã là người trưởng thành, anh sẽ tự quyết định hạnh phúc của mình. Bố mẹ anh sẽ tôn trọng quyết định của anh, diều này em không phải lo lắng. Còn về vấn đề em đã có con riêng chứ gì? Sao mà không xứng đáng! Là người vợ liệt sĩ đã hy sinh tuổi thanh xuân, đã có công lao thay cho người lính phụng dưỡng bố mẹ già đến trọn đời, lảm được như thế, hỏi có mấy ai đảm đang, hiếu thảo như thế? Anh chỉ muốn được sống cùng em, để đem trái tim người lính của mình, bù đắp những hy sinh mà em đã từng chịu đựng!...

Lợi xúc đông, ngập ngừng nói:

- Em cám ơn những tình cảm mà anh muốn dành cho em. Em xin anh cho em có thêm thời gian suy nghĩ...

Huy lại còn nói thêm:

- Còn một điều này, em đừng lo lắng. Cháu Chiến là con của đồng đội. Bố nó mất vì dân vì nước, anh sẽ coi nó như con đẻ. Sau này mình lấy nhau, anh sẽ không phân biết con chung, con riêng, em sẽ không có gì mà ngại...Thằng Chiến lớn hơn, nó sẽ là con cả... Đây là lời hứa danh dự của người lính,

Cũng còn một điều nữa anh muốn nói luôn, để em đỡ băn khoăn. Nếu em thực sự thương yêu anh, đồng ý lấy anh; thì anh sẽ ở luôn tại nhà của em bên này. Bên nhà anh có nhiều anh em, đã có người ở chung với bố mẹ. Anh chỉ cần chu cấp cho bố mẹ sao cho đúng đạo làm con thôi em ạ...

Không biết nói thế nào hơn, Lợi chỉ biết nhỏ nhẹ:

- Vâng, em xin phép sẽ trả lời anh sau!..

Sau đấy hơn một tháng, được sự đồng ý của gia đình hai bên, Huy và Lợi ra UBND xã đăng ký kết hôn, họ nên duyên vợ chồng. Huy dọn đến ở cùng với mẹ con cu Chiến như đã bàn từ trước. Cu Chiến từ nay không gọi là bác Huy nữa, mà gọi là bố Huy!...

Về chung sống với nhau hơn một năm, thì vợ chồng Huy - Lợi đón đứa con đầu lòng. Cháu bé gái sinh ra bình thường, lành lặn, được gần 3 kg. Vậy nhưng chỉ đến cuối năm cháu phát ra các bệnh xương khớp, rồi mắt mờ tịt... Về tuyến bệnh viên trung ương, các bác sĩ kết luận cháu bị di chứng chất độc da cam...Chưa đầy hai tuổi, cháu bỏ bố mẹ ra đi.

Sau đấy vợ chồng anh chị tiếp tục sinh hai lần nữa. Nhưng lần sinh nào con cũng dị dạng hay tật bẩm sinh, không được làm người. Theo tư vấn của bác sĩ, vợ chồng anh chị quyết định không sinh nở nữa; mà tập trung chăm lo nuôi nấng cho Chiến học tập, trưởng thành.

Tốt nghiệp đại học nông nghiệp loại giỏi, Chiến được xét tuyển vào công tác tại phòng nông nghiệp huyện nhà. Vợ anh là một giáo viên dạy học tại địa phương. Vợ chồng Chiến ban ngày đi làm việc, tối về ăn cơm nhà. Ông bà ở nhà đã giúp đỡ cơm nước, chăm nom các cháu, để vợ chồng hai con yên tâm công tác

... Hôm ấy, xe của Hoàng chở hàng sang bên đất nước Lào để bán như mọi khi. Đổ đèo xong, xe ô tô đã xuống đến tận chân dốc. Chẳng may mất lái, xe của anh đổ nghiêng xuống mảnh vườn của đồng bào Lào, bên ta luy âm. Mấy người đang làm rẫy ở sát đấy vội chạy tóe ra, họ kêu thất thanh bằng tiếng địa phương. Hoàng cố mở cửa chui ra khỏi xe, những bao tải và thùng hàng công nghệ phẩm tràn ra mặt vườn.

Có tiếng người đàn ông kêu thất thanh:

- Ối giời ơi! Cứu tôi với!...

Hoàng và mấy người chạy lại đống hàng đang đổ ngổn ngang, bới tìm người đang nằm ở dưới đó. Khi thấy người đàn ông, Hoàng lật nốt mấy hộp hàng đè lên người ông lão. Anh giơ hai tay ra đỡ ông đứng dậy. Rối anh hỏi:

- Ông có sao không?

Không trả lời vào câu hỏi của Hoàng, người đàn ông mắng luôn:

- Lái xe thế chó nào, suýt nữa làm người ta chết!

Thấy một người da khá trắng trẻo, lại nói bằng tiếng Việt rất sõi, Hoàng liền hỏi:

- Ồng là ai?

- Tao là Thắng, bộ đội giải phóng. Ông già trả lời. Rồi ông nói liền một mạch, quê quán của ông ở xã, huyện, tình...(thuộc Việt Nam). Lại đúng là xã, huyện, tỉnh... trùng với quê quán của mình.

Thấy lạ, Hoàng lại hỏi thêm:

- Sao ông lại ở đây?

Người đàn ông chợt ngẩn người ra, ông gãi tai rồi nói:

- Không biết nữa...

Bà con đang làm ở đấy chưa hết bàng hoàng vì thoát tai nạn ô tô, giờ lại bất ngờ với cái người đàn ông thường ngày vẫn sống với họ, làm ăn cùng dân bản, nhưng lầm lì, chẳng thấy nói bằng tiếng Việt bao giờ. Mấy chục năm nay ông ta chỉ ầm ừ, hay cũng chỉ nói vài ba tiếng địa phương ở đây...

Hoàng chờ có xe ô tô đi qua, kéo xe của anh lên mặt đường, rồi anh nhờ bà con xếp hàng lại lên xe. Biếu cho mỗi người giúp đỡ anh một ít hàng, anh nói với bà con:

- Cháu cảm ơn bà con, chuyến xe này bị đổ, nhưng không có ai bị thương là may lắm rồi. Anh biếu thêm người đàn ông vừa bị hàng đè lên một thùng mì tôm để ông ăn sáng và một lọ dầu xoa... Anh còn hỏi thêm:

- Bác Thắng nhà ở đâu? Có gần đây không?

Người đàn ông chỉ cho Hoàng nhìn về phía mấy ngôi nhà ở bên sườn đồi:

- Nhà ở đấy. Ông ôm thùng mì tôm đứng ngây người ra, miệng cười gượng gạo.

Hoàng bảo ông:

- Cháu còn bận đi bán hàng cho xong chuyến, hôm khác sẽ quay trở lại.

Sau chuyến bán hàng ấy, Hoàng về hỏi thăm ở trong xã mình có ai tên Thắng hay không? Những người lớn tuổi bảo, trong xã mình từ xưa đến nay không có ai tên là Thắng, đi làm ăn ở đâu cả. Có chăng, chỉ có ông Thắng, chồng bà Lợi, hy sinh ở Nam Lào... mà ông ấy có giấy báo tử về rồi!

Nghe được những tin tức ấy, Hoàng lại đến nhà bà Lợi ông Huy. Chủ nhà mời anh uống nước, vừa uống chén nước trà xanh nóng hổi, anh vừa từ kể chuyên:

- Hôm trước cháu có chuyến đi bán hàng bên Nam Lào. Xe của cháu bị đổ, hàng tung tóe ra bên đường, đè lên một bác làm vườn ở ngay cạnh đấy. Nhưng ông ấy không sao vì toàn những hàng nhẹ, lại tràn ra từ từ. Sau khi ra được bới ra từ đống hàng hóa, bác ấy bảo là lính giải phóng, quê ở xã huyện của mình... Bác ấy còn bảo tên là Thắng!...

Cả hai ông bà dều sững sờ trước cái tin đột ngột ấy. Sau giây phút lặng im, ông Huy chậm rãi hỏi lại:

- Có lẽ nào anh nghe nhầm không?

Hoàng quả quyết:

- Không thể nhầm đâu hai bác ạ. Bác ấy nói rõ rành tên Thắng, lại là ở xã huyện tỉnh của mình mà. Chúng cháu còn trẻ, mới sinh ra sau hòa bình, nên cháu không được biết gì, về những người nhiều tuổi như thế hệ của các ông bà.

Ông Huy nhìn bà Lợi, thấy bà chưa hết xúc động. Ông bàn với vợ mà cũng để thăm dò ý kiến của Hoàng:

- Thế này bà Lợi ạ! Nếu bà đồng ý, hôm nào có chuyến đi sang Lào bán hàng, tôi muốn nhờ cháu Hoàng cho bác đi cùng, để gặp trực tiếp, xem có phải là ông Thắng nhà mình không? Chuyện mất tích, thất lạc trong chiến tranh đâu đó vẫn sảy ra. Biết đâu ông Thắng nhà mình vẫn còn sống thì may...

Bà Lợi bây giờ mới lên tiếng:

- Ý bác Huy như thế, bác cũng đồng ý. Hôm nào cháu bố trí cho bác Huy đi cùng một chuyến sang bên ấy Hoàng nhé.

Hoàng vui vẻ nhận lời. Anh chào hai bác rồi ra về, lòng trào dâng một niềm vui khó tả.

Theo kế hoạch, Hoàng đưa ông Huy sang bản lang người Lào có ông Thắng ở đó. Hỏi thăm đến nhà Trường bản, hai bác cháu được bà con chỉ đến một ngôi nhà sàn tương đối rộng ở giữa bản.. Khách được mời lên sàn nhà nói chuyện. Trưởng bản là một ông già ngoài bảy mươi tuổi, tuy da ông hơi nhăn nheo dáng vẻ ông còn nhanh nhẹn lắm. Đặc biệt là đôi mắt ông lanh lợi và có cái nhìn tình cảm lắm. Ông mời nước hai vị khách rồi tự giới thiệu bằng tiếng Việt:

- Tôi gọi tắt là Thạo Mẳn, trưởng bản ở đây. Thời kháng chiến tôi đi Pa thét Lào, được phối hợp chiến đấu với quân tình nguyên Việt Nam, nên tôi nói được tiếng Việt, hiểu người Việt nói như là tiếng Lào vậy.

Ông Huy trình bày nguyện vọng muốn tìm hiểu về ông Thắng trong chuyến đi này (như là Hoàng đã biết trong chuyến xe đổ hôm trước).

Nghe nói vậy, trưởng bản bỗng hồ hởi kể:

- Ôi cái chuyện này thì nó li kỳ lắm. Có! Có một ông người Việt ở đây, ở ngay với gia đình tôi. Ông ấy ở với nhà tôi từ sau ngày đánh quân ngụy Sài gòn mà bọn họ gọi là Hành quân Lam Sơn 719 gì đó; mà bên Hà Nội gọi là Chiến dịch Đường Chín – Nam Lào năm 1971... Bị thương mất nhiều máu, ông ấy bò ra khe suối tìm nước uống. Bấy giờ là mùa khô, ở đây thiếu nước lắm. May mà tìm được lạch nước, chắc là ông ấy uống xong thì ngất lịm đi. Vợ tôi cùng mấy người trong bản đi lấy nước, thấy ông ấy mặc quần áo bộ đội giải phóng bị thương, nên đã đưa về nhà chăm sóc. Tôi đi đánh trận về qua nhà, tôi bảo vợ để anh ấy ở luôn trong nhà. Anh bộ đội bị một vết thương ở đầu nên đến khi khỏi, anh ta chẳng nhớ gì hết cả. Thậm chí anh ta còn không biết nói cả tiếng Việt, tôi hỏi tên là gì, anh ấy cũng chỉ lắc đầu. Biết anh là bộ đội Việt Nam đấy nhưng chúng tôi chẳng biết quê quán ở đâu mà đưa anh ấy trở về...

Uống tiếp một chén nước, Trưởng làng Thạo Mẳn lại tiếp tục:

- Ấy vậy mà từ hôm bị hàng đè lên, suýt nữa bị chết hụt, ông ấy về nhanh nhẹn hẳn lên. Ông ấy lại toàn nói với tôi bằng tiếng Việt. Ông bảo ông tên là Thắng, trước khi đi bộ đội đã lấy vợ tên là Lợi. Trước khi đi Nam vợ đã có thai . Người con ấy chắc cũng ngoài ba mươi, không biết là gái hay là trai...Ở đây ông Thắng lành hiền, chăm chỉ làm ăn.. Cũng có lần bảo ông ấy lấy vợ, nhưng ông chỉ lắc đầu cười, ông ấy ra hiệu bảo rằng, chỉ thích ở với gia đình tôi thôi. ..Từ hôm tỉnh táo trở lại đến nay, ông ấy ngày đêm mong muốn được trở về quê hương lắm rồi...

Câu chuyện đang kể đến đây thì mọi người trong nhà đi làm về. Người đàn ông ra lần nước rửa chân tay trước, bước vào nhà. Sự có mặt của những người khách lạ làm ông hơi bất ngờ., đứng sững lại ngắm nghía giây lát. Ông Huy nhìn vào dáng người đồng đội thân thuộc ngày nào lên tiếng:

- Anh Thắng đấy phải không?

Chưa kịp nhận ra ai, nhưng thấy người khách gọi đúng tên mình thì anh mừng rỡ. Anh tiến đến gần để nhìn rõ hơn, nhưng rồi anh vẫn lắc đầu:

- Chịu, chẳng nhớ được ai.

Ông Huy đứng lên ôm lấy ông bạn lưu lạc, nói:

- Tôi là Huy cùng tiểu đội với anh đây mà. Đánh trận Nam Lào, tôi bị thương mất một cánh tay, còn anh thì bị mất tích...

Nhận ra đồng đội cũ, ông Thắng ôm lấy ông Huy thật chặt. Ông khóc nấc lên trong niêm vui sướng khôn cùng....

Ông Huy nói chuyện với trưởng bản:

- Biết tin chính xác ông Thắng còn sống và ở đây rồi. Tôi xin phép trở về một ngày gần đây, gia đình ông Thắng sẽ sang đón ông trở về...

Quay sang ông Thắng, ông Huy động viên bạn:

- Thằng con nó tên là Chiến, năm nay ngoài ba mươi rồi. Hôm này, chắc nó sẽ sang đón bố về đấy.

Ông Thắng mừng quá lại khóc tu tu như một đứa trẻ... Ông ôm chặt hai tay lấy ông Huy mà lắc mạnh, làm cho ông Huy tưởng như đến ngạt thở!...

Hơn một tháng sau, vợ chồng Chiến xin nghỉ phép để cùng ông Huy đi sang Lào đón bố Thắng trở về. Trong chiếc xe 16 chỗ, ngoài một số thực phẩm liên hoan để gia đình anh cảm ơn trưởng bản và bà con dân làng đã cưu mang nuôi nấng bố anh suốt mấy chục năm qua; vợ chồng Cghieens còn chuẩn bị món quà tặng Trưởng ban món quà ý nghia; đó là bức tranh sơn mài Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ ấm pha trà Bát Tràng xuất khẩu của Việt Nam...

Trong bữa cơm liên hoan tại nhà Trưởng bản, thay mặt bố mình, Chiến chân thành nói:

- Cháu không biết nói gì hơn những tình cảm và sự giúp đỡ của bà con trong bản, đặc biệt là của Trưởng bản Thạo Mẳn dành cho bố cháu. Thay mặt gia đinh, cháu xin chân thành cảm ơn các ông các bà và nhất là Trưởng bản!

Trưởng bản đứng lên vui vẻ nói:

- Không có gì mà phải ơn huệ nhiều quá. Hai nước Lào – Việt là anh em một nhà, cùng đánh kẻ thù chung là đế quốc Mỹ. Nhờ có tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, mà ngày nay cả hai nước đã cùng dành được tự do, độc lập.. Chúng tôi nuôi nắng ông Thắng, cũng như nhân dân Việt Nam chăm sóc, dạy dỗ con em các bộ tộc Lào chúng tôi thôi...

Sau khi nhận bức tranh quý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và bộ ấm trà Bát Tràng do gia đình ông Thắng trao tặng. Trưởng làng Thạo Mẳn đã tiến hành nghi thức buộc chỉ cổ tay cho ông Thắng, ông Huy và vợ chồng của Chiến; để ghi nhớ tình nghĩa thủy chung của hai gia đình, cũng như xcuar hai dân tộc Lào – Việt...

Trở về nước, anh Chiến là thủ tục cấp giấy căn cược cho bố mình. Anh cũng liên hệ với các ngành chức năng để giám định thương tật và thay đổi chế độ hưởng chế độ vợ liệt sĩ đối với mẹ anh... Đồng thời, vợ chồng Chiến cúng tiến hanh xây thêm một căn nhà rộng gần 100 mét vuông nữa, trên thổ đất của gia đình.

Hôm khánh thành ngôi nhà xây mới, vợ chồng Chiến làm mấy mâm cơm để chính thức đón mừng sự kiện vô cùng trọng đại của gia đình; đón bố Thắng trở về!

Ông Thắng thắp hương lên bàn thờ bố mẹ xong, ở ngoài khoảng sân chung của hai ngôi nhà cũ và mới, những mâm cỗ đã được bày ra gọn gàng. Anh Chiến thay mặt gia đình có ý kiến:

- Thưa các ông các bà! Ngày hôm nay là rất vui của gia đình và họ hàng nhà ta. Bố Thắng con tưởng đã hy sinh nay đã trở về.

Ngừng giây lát rồi Chiến nói tiếp:

- Những ngày qua, bố Thắng con trở về, con thấy bố Huy đã có ý muốn về bên quê sinh sống, để mẹ Lợi con sống cùng với bố Thắng...Về chuyên này, con xin có đề nghị thế này:

- Bố Huy đã gắn bó với mẹ con chúng con hơn hai mươi năm nay. Chỉ là bố dượng, nhưng bằng lòng nhân hậu của người lính, bố Huy đã thay bố Thắng của con chăm lo, động viên hết mình, nên con mới có được như ngày hôm nay. Vợ chồng con xin ghi nhớ công ơn của bố suốt đời. Con mời bố cứ ở tại đây, để vợ chồng con có điều kiện chăm lo cho bố lúc tuổi già.

Rồi Chiến quay sang phía ông Thắng, anh lại nói tiếp:

- Thưa bố Thắng, ý định của vợ chồng con, mời bố Huy vào ở tại căn nhà mới xây xong. Còn bố, con muốn được bố ở với vợ chồng con, ở ngôi nhà của ông bà để lại, để chúng con phụng dưỡng tuổi già của bố. Và cũng để bố thắp hương thờ cúng ông bà, tổ tiên trong căn nhà kỷ niệm ấy...

Ông Thắng xúc động trước những lời bày tỏ của con trai. Ông đỡ lời con:

- Thưa các ông bà, tôi hoàn toàn nhất trí với ý nguyện cháu Chiến vừa trình bày. Như thế là vợ chồng cháu đã suy nghĩ rất hợp tình, hợp lý để chăm sóc bố mẹ khi tuổi già đã đến.

Nhìn sang ông Huy, ông Thắng nói thêm:

- Ông Huy ơi! Hơn hai chục năm nay ông đã gắn bó với mẹ con cháu Chiến rồi. Bây giờ có tuổi rồi, ông cứ ở lại đây, trong ngôi nhà mới xây như ý kiến của con... Còn bà Lợi... ông nén cơn xúc động một lát, rồi lại tiếp tục... Bà hãy ở bên bầu bạn với ông Huy, để động viên và giúp đỡ ông ấy. Dù sao là thương binh, bây giờ ông Huy cũng cần có người phục vụ lúc đêm hôm, trái gió trở trời... Còn tôi, tôi sống một mình quen rồi, tôi sẽ ở với vợ chồng Chiến, và để hương khói cho ông bà... Chúng tôi đều là những người lính, dễ thông cảm và sống hết mình vì nhau, phải không các ông bà?

Mọi người nghe được những lời tâm huyết ấy của người lính cựu. Ai cũng xúc động sâu sắc. Không biết nói gì hơn, tất cả đều vỗ tay, chúc mừng cho ngày hội ngộ....

Bà Lợi, nghẹn ngào nghe những lời nói, từ đáy lòng của con trai và của ông Thắng... Không biết nói gì hơn, bà chỉ biết ôm chặt đứa cháu nội vào lòng. Nước mắt hạnh phúc, trào ra trên đôi mắt khắc khổ người vợ lính, đã từng trải qua một đời thăng trầm không thể nào quên.

Anh Chiến cất lời vui vẻ:

- Thế là từ nay chúng con có hai người bố!...

Viết ngày 24/6/2023.

Đ Q B.

Trái tim người lính

Truyện ngắn của Đỗ Quang Bình

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/hai-nguoi-bo-a19588.html