Hai ngành Giáo dục- Nội vụ nói về đề xuất bỏ thi thăng hạng với giáo viên

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng bỏ thi thăng hạng là một trong các giải pháp để hạn chế tình trạng giáo viên bỏ việc.

Chiều 9-9, tại cuộc họp báo Chính phủ, trả lời về đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó có giáo viên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng ở bất cứ nghề nghiệp nào, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều mong muốn có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp cũng như mong muốn thăng tiến bằng chuyên môn, nghiệp vụ.

Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: NHẬT BẮC

Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: NHẬT BẮC

“Việc thực hiện chính sách thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với nhà giáo là giải pháp quan trọng trong xây dựng đội ngũ nhà giáo. Nhà giáo được thăng hạng không chỉ thể hiện năng lực, chuyên môn mà kèm theo đó là chính sách về tiền lương”- ông Sơn nói thêm.

Ông Hoàng Minh Sơn cho hay Bộ Nội vụ đã dự thảo sửa đổi một số nghị định, trong đó có nghị định 115 (quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức) và hiện đang xin ý kiến. Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất chỉ còn hình thức xét thăng hạng nghề nghiệp.

Theo ông Sơn, dù là thi hay xét thăng hạng đều nhằm mục đích đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc xét thăng hạng sẽ có yếu tố tích cực hơn. “Thay vì chỉ thông qua bài thi, đánh giá trên điểm đó, những người trong hội đồng xét thăng hạng sẽ kiểm tra trên cả quá trình. Việc này đảm bảo tính công bằng, minh bạch, chính xác hơn”- theo ông Sơn.

Thứ trưởng GD&ĐT chỉ rõ việc xét thăng hạng dựa trên sự công bằng, minh bạch, chính xác và kèm theo chính sách sẽ tạo động lực tốt hơn cho giáo viên. Qua đó góp phần giúp giáo viên cống hiến, gắn bó với nghề nghiệp.

“Đây cũng là một trong các giải pháp để hạn chế tình trạng giáo viên bỏ việc”- ông Sơn nói.

Thông tin thêm, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết theo Luật Cán bộ công chức quy định việc thăng hạng thực hiện theo hình thức thi hoặc xét; và phân cấp cho các bộ, ngành địa phương thực hiện tổ chức thi hoặc xét.

Luật Viên chức cũng quy định việc bổ nhiệm viên chức vào ngạch cao hơn có thể thông qua hình thức thi hoặc xét.

Tuy nhiên, theo người phát ngôn Bộ Nội vụ, thực tiễn triển khai việc thi nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp có một số khó khăn.

Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh: “Việc thi còn hình thức, qua thi chưa đánh giá được việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức”.

Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh: “Việc thi còn hình thức, qua thi chưa đánh giá được việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức”.

Cụ thể, luật hiện hành đã phân cấp cho các bộ, ngành ban hành tiêu chuẩn, điều kiện tổ chức thi, nhưng hiện phần lớn các bộ ngành chưa ban hành thông tư. “Viên chức tập trung chủ yếu ở các ngành ngành y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, nhưng các ngành này chưa ban hành được các tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức thi, do đó rất khó để tiến hành thi”- ông Minh nói.

Mặt khác, hiện cũng chưa quy định được nội dung thi nên việc thi chưa sát với yêu cầu vị trí việc làm và công việc của viên chức. “Việc thi còn hình thức, qua thi chưa đánh giá được việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức”- theo người phát ngôn Bộ Nội vụ.

Ông Minh cũng cho rằng hiện quy định vị trí việc làm chưa rõ, số lượng viên chức lớn với hơn 2 triệu nên việc tổ chức thi hàng năm khó, số lượng thi được rất ít. “Những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện xếp hàng mãi vẫn chưa được thi, ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao trình độ cũng như quyền lợi chính đáng của đội ngũ viên chức, đặc biệt là giáo viên”- ông Minh cho hay.

Ngoài ra, để thi phải có tiêu chuẩn, điều kiện là có chứng chỉ chuyên ngành. Nếu chưa tổ chức được những lớp này thì chưa có chứng chỉ nên chưa được thi. Đây là rào cản, hạn chế trong quá trình tổ chức thi.

“Quá trình thi cũng rất tốn kém chi phí. Thí sinh phải bỏ công sức, thời gian để ôn thi, thậm chí phải đi lại rất tốn kém, chi phí xã hội rất lớn. Nếu bỏ được thi sẽ tiết kiệm được chi phí xã hội, giảm thiểu thủ tục hành chính”- lời ông Minh.

Nêu hướng đề xuất, ông Minh cho biết Bộ Nội vụ đã tiến hành đánh giá tác động theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.

“Chúng tôi đã tiến hành lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương. Kết quả, có 94/95 bộ, ngành, địa phương, cũng như các đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức đồng ý với việc bỏ thi thăng hạng viên chức”- ông Minh thông tin và cho rằng nếu bỏ hình thức thi sẽ khắc phục được những vướng mắc, bất cập trên, giảm áp lực cho đội ngũ công chức, viên chức.

“Trình độ, năng lực được tích lũy qua quá trình thực thi công vụ. Nếu tổ chức xét thăng hạng sẽ đánh giá được đúng người, đúng việc và trình độ nhân lực”- Người phát ngôn của Bộ Nội vụ khẳng định đề xuất trên sẽ giúp giảm thủ tục hành chính trong việc tiến hành bổ nhiệm vào ngạch.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/hai-nganh-giao-duc-noi-vu-noi-ve-de-xuat-bo-thi-thang-hang-voi-giao-vien-post750726.html