Hải Lăng: gần 2.000 ngôi nhà bị ngập do mưa lũ

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài từ chiều ngày 14/10 đã làm nhiều tuyến đường giao thôn và gần 2.000 ngôi nhà trên địa bàn huyện Hải Lăng bị ngập sâu.

 Nhiều nhà dân tại xã Hải Định bị ngập sâu trên 1 m - Ảnh: L.A

Nhiều nhà dân tại xã Hải Định bị ngập sâu trên 1 m - Ảnh: L.A

 Nhiều nhà dân tại xã Hải Định bị ngập sâu trên 1 m - Ảnh: L.A

Nhiều nhà dân tại xã Hải Định bị ngập sâu trên 1 m - Ảnh: L.A

 Người dân xã Hải Định phải di chuyển bằng ghe thuyền do nước ngập sâu - Ảnh: L.A

Người dân xã Hải Định phải di chuyển bằng ghe thuyền do nước ngập sâu - Ảnh: L.A

 Tuyến đường tránh lũ nhiều điểm bị ngập sâu gây chia cắt giao thông - Ảnh: L.A

Tuyến đường tránh lũ nhiều điểm bị ngập sâu gây chia cắt giao thông - Ảnh: L.A

 Người dân sử dụng ghe thuyền để di chuyển qua các điểm bị ngập sâu - Ảnh: L.A

Người dân sử dụng ghe thuyền để di chuyển qua các điểm bị ngập sâu - Ảnh: L.A

Tại xã Hải Định, qua trao đổi nhanh ông Bùi Như Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Định cho biết, mưa lớn đã làm các tuyến đường giao thông thôn, xóm trên địa bàn xã bị ngập sâu, tỉnh lộ 582a ngập từ 0,6 – 1 m, tuyến 582b ngập một số đoạn, đoạn sâu nhất 0,4 – 0,6 m. Toàn xã có 580 nhà bị ngập nước, trong đó nhà ngập dưới 1 m là 440 nhà, ngập trên 1 m là 140 nhà.

Một số công trình, văn phòng làm việc các tổ chức đơn vị cũng bị ngập gồm Trường Mầm non Hải Thành, Trạm Y tế, trụ sở Đảng ủy, Trường Tiểu học khu vực Thiện Đông, Thiện Tây. Diện tích cây trồng bị ngập úng hơn 20 ha, chủ yếu là diện tích ném. Về con người, trên địa bàn xã có 1 người bị thương do trượt ngã. Cụ thể, vào lúc 17 giờ ngày 15/10, ông Nguyễn Quang Hoan, sinh năm 1962 ở xóm Cồn, thôn Trung Đơn bị trượt ngã gãy chân trong lúc kê gác vật dụng, tài sản.

Ngay sau khi tai nạn, Ban chỉ huy PCTT và TKCN xã và gia đình đã kịp thời sơ cứu và đưa ông Hoan đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh. Bên cạnh đó, Ban chỉ huy PCTT và TKCN xã đã kịp thời hỗ trợ gia đình ông Lê Vương ở thôn Thiện Đông đưa cháu Lê Dương Hải Đăng (4 tuổi) bị sốt cao đi cấp cứu tại bệnh viện huyện vào lúc 21 giờ ngày 15/10. Đến sáng nay 16/10, mưa trên địa bàn đã giảm, nước bắt đầu rút chậm.

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Hải Lăng, mưa lớn kéo dài đã gây ngập lụt cục bộ trên một số tuyến đường, làm tạm thời chia cắt giao thông như: Quốc lộ 49b, 49c, tỉnh lộ 582, 584, tuyến liên xã Tân - Sơn - Hòa, tuyến Cồn Tàu - Khe Mương (xã Hải Sơn), tuyến Xuân Lộc - Lương Sơn (xã Hải Chánh) và các tuyến đường thôn, xóm của 14/16 xã, thị trấn bị ngập 0,5 – 1 m. Hệ thống đê bao vùng trũng ngập hoàn toàn, khu dân cư các vùng Càng bị cô lập. Số nhà dân bị ngập là 1.918 nhà.

Huyện Hải Lăng đã tổ chức di dời 317 hộ/499 khẩu; trong đó: xã Hải Thượng 58 hộ/66 khẩu, Hải Quy 10 hộ/17 khẩu, Hải Lâm 65 hộ/85 khẩu, Hải Sơn 15 hộ/27 khẩu; Hải Chánh 82 hộ/124 khẩu; Hải Phong 52 hộ/124 khẩu, Hải Dương 10 hộ/23 khẩu, Hải Định 25 hộ/33 khẩu. Có 28/97 điểm trường bị ngập lụt, trong đó, có 7 điểm ngập sâu từ 0,7 – 1 m, 3 trụ sở cơ quan bị ngập 0,3 – 0,5 m.

Về tình hình thiệt hại, có 2 người bị thương trong quá trình vận chuyển, kê gác lương thực, tài sản. Cụ thể, ngoài trường hợp ở xã Hải Định kể trên còn có ông Lê Đắc Minh ở tại thôn Thống Nhất, xã Hải Ba đã được chuyển vào điều trị tại Bệnh viện TW Huế. Về sản xuất, có 80 ha hoa màu bị ngập gồm xã Hải Ba 60 ha, xã Hải Định 20ha và 1,5 ha diện tích nuôi cá giống tại xã Hải Thượng bị ngập.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải cho biết, huyện Hải Lăng đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực ven sông, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, trên các sông, hồ chứa nước, các khu vực nguy cơ bị sạt lở đất; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn, khắc phục nhanh các sự cố, không để xảy ra tình huống bất ngờ, bị động, nhất là các tình huống vào ban đêm.

Chỉ đạo người dân thực hiện tốt việc dự trữ lương thực thực thẩm từ 7 – 10 ngày, nhất là ở những địa bàn thôn, xóm dễ bị cô lập, chia cắt do lũ lụt để chủ động trong công tác ứng phó với diễn biến mưa lũ kéo dài. Chỉ đạo các xã Hải Định, Hải Ba đến thăm hỏi, động viên gia đình có người bị thương; đồng thời, hỗ trợ gia đình kê gác, vận chuyển lương thực đến nơi cao ráo. Bám sát, cập nhật thông tin khí tượng thủy văn về mưa lũ để kịp thời triển khai phương án ứng phó theo kế hoạch đã đề ra.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=171263&title=hai-lang-gan-2000-ngoi-nha-bi-ngap-do-mua-lu