Hai lần thoát chết của Trần Tiến

Tập Ngẫu hứng Trần Tiến mới ra mắt có thể coi là một dạng hồi ký của nghệ sĩ, nhưng trong đó ông cung cấp rất nhỏ giọt dữ kiện về đời mình không theo trình tự nào.

Trần Tiến gặp gỡ báo giới Hà Nội tháng 9. Ảnh: N.M.Hà.

Trần Tiến gặp gỡ báo giới Hà Nội tháng 9. Ảnh: N.M.Hà.

Ông từng nói: “Một con người mà ai cũng biết hết về anh ta, người đó thật bất hạnh. Chắc hẳn trong sâu thẳm anh ta có vết sẹo đau đớn lắm mà chẳng ai biết được”. Vâng, chắc hẳn bên trong tác giả cũng sứt sẹo ghê lắm nên đến giờ ông vẫn không thể kể lại gần 70 năm sống của mình một cách trơn tru đầy đủ.

Sách chia hai mảng Trần Tiến viết Viết về Trần Tiến. Mảng sau khá lép vế chỉ gồm vài bài viết của Hà Trần, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Thụy Kha, Lưu Trọng Văn… Mảng đầu chia 4 phần nhỏ. Đó là Ngẫu hứng văn xuôi gồm 27 đoạn văn nói viết gửi Nguyễn Quang Lập- người gợi hứng viết lách cho Trần Tiến. Trong số đó vài bài chính là lời ca khúc. Gọi là “văn nói” vì giọng Trần Tiến kể chuyện thế nào thì ông viết y như vậy. Chủ đề của các bài viết khá đa dạng, kể lại một kỷ niệm; nêu một quan điểm về nghệ thuật, về đời sống; thể hiện một cảm xúc đôi khi rất vu vơ… Du ca là mảnh hồi ức về đời mình, về bạn bè đồng nghiệp. Tập sách in khá nhiều ảnh đen trắng và dành riêng những trang Lưu ảnh ký, trong đó ảnh là cánh cửa để tác giả đi ngược về quá khứ. Những bài Trần Tiến trả lời phỏng vấn cũng được đưa vào coi như Trần Tiến viết. Xâu chuỗi những chi tiết từ nhiều bài viết khác nhau, phác thảo cuộc đời nhạc sĩ hiện ra khá ly kỳ.

Tiến kể lại một lần “nhục như chó” ở chiến trường Nam Lào, tẹo nữa bị chôn sống vì ai cũng tưởng ông đã qua đời vì sốt rét. Cậu y tá vì hâm mộ nhạc sĩ không nỡ chôn, có điều Tiến bị lột hết quần áo(?) Tỉnh lại, ông bò theo đơn vị thì bị lạc. Gặp một binh trạm khác, họ bắt Tiến hát mới tin và cứu ông. Lần thoát chết nữa vào mùa xuân 1972, Tiến theo xe thương binh trở về Hà Nội. Lái xe buồn ngủ gây tai nạn, chỉ còn vài người sống sót.

Bố mẹ Trần Tiến là “nhà tư sản đếm trên đầu ngón tay của Hà Nội”. Sau giải phóng thủ đô, nhà ông bị trưng thu làm nhà trọ, người mẹ phải giặt giũ cho nhà trọ đó luôn, rồi đi rửa bát cho hàng phở. Trần Tiến theo giúp mẹ mọi việc, được chủ quán phở thương truyền nghề cho, về sau kiếm tiền từ việc dạy nấu phở. Lần đầu tiên có tiền từ nhạc: 80 đồng và cây bút máy- giải thưởng cho Bài ca thanh niên ra tiền tuyến. Lúc đó Trần Tiến chưa biết nhạc, người đệm đàn đã giúp ông ký âm bài hát. Trước đó, chỉ đi làm cò bán dầu thải mà ông mua được tivi màu về cho nhà.

Xuất ngũ, Trần Tiến được đào tạo để viết giao hưởng nhưng vừa tốt nghiệp đã tuyên bố với thầy giáo, chỉ viết ca khúc. Trong sách, ông vài lần “trắng trợn” ca ngợi nhạc sến. Ngày mới vào Sài Gòn, lang thang nghe được câu hát từ anh xích-lô, Tiến kể với Lập: “Đó là bài ca của thiên đường. Làm gì có âm nhạc hay dở, tốt xấu, đúng sai, chỉ có thứ nhạc bay lên đúng lúc, bạn thích hay không thích mà thôi”. Trước đó, khoảng 1967 Tiến về quê chơi với đám anh chị giang hồ Hà Thành toàn hát nhạc vàng. “Mình được nghe lần đầu bài Căn nhà ngoại ô với bài gì Uống nước dừa hay nước mắt quê hương mà rớm nước mắt. Lính mới về, văn hóa còn “lùn” lắm, dễ bị cám dỗ bởi mấy ca khúc tình cảm kiểu Sài Gòn. Vả lại cũng là do thời chiến, nghe mãi nhạc đánh nhau với kiểu hát như đánh nhau, chán bỏ mẹ”.

“Mình có thể sai lầm nhiều trong cuộc đời, nhưng việc chọn con đường du ca không mùi tiền, là một chọn lựa… “được của ló”. Thiên thu cười được một tiếng”, Trần Tiến viết. Đầu thập kỷ 1990, ông lập nhóm du ca Đồng Nội hát cho mọi tầng lớp khán giả, quyên tiền mở trường dạy nhạc cho 25 trẻ mồ côi. Trường duy trì 7 năm và đóng cửa vì lũ trẻ quậy quá, còn hiệu trưởng phải vào viện cấp cứu, suýt chết. Tỉnh dậy viết được bài Sắc màu.

Họp báo chương trình Hà Trần hát Trần Tiến tại Hà Nội, Trần Tiến là người duy nhất ngồi ghế chủ tọa với lon bia, những người còn lại tất nhiên chỉ nước trắng. Chưa thấy ai vừa trả lời câu hỏi của nhà báo một cách dí dỏm, vừa duyên dáng nhấp bia như ông. Cuốn Ngẫu hứng kể khá nhiều chuyện quanh bàn nhậu. Ngay lời chia tay Trần Tiến dành cho Hoàng Hiệp cũng là: “Hẹn gặp lại anh ở bàn nhậu trên đó”. Trần Tiến có vẻ như đại diện cho một thế hệ nghệ sĩ tìm vui ở bia rượu?! Nhưng ông thông báo mới bỏ thuốc lá và bắt đầu tập lại piano, guitar, tìm hiểu về jazz… Thật mừng nếu khát vọng Trần Tiến vẫn tiếp tục bùng cháy như ông mong muốn.

Có sự xướng họa, đối ứng giữa đoản văn Thế kỷ tàn phai của Trần Tiến và truyện ngắn Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp?! Thiệp viết: “Giờ đây, gặp Mỵ Nương rồi, chàng hiểu chắc chắn rằng cuộc sống của chàng thật là cứt, là cứt chó, không sao ngửi được. Không chỉ riêng chàng, mà cả bầy. Tất cả đều thối hoắc”. Trần Tiến: “Anh biết chắc một điều, trước khi nhảy xuống lỗ đen, thế nào lão cũng chửi: “Mẹ nó, cuộc đời là cứt!” Cứt chó thối lắm, ngửi không được”. Nhân vật của Thiệp cũng kêu “cứt” trước khi nhảy xuống “hốc đen” tự kết liễu đời mình. Nguyễn Huy Thiệp: “Ở trên trời, trên mặt đất, trên biển và cả các dòng sông đều có những hốc đen bí mật. Những xoáy nước trên sông là những hốc đen như thế”. Trần Tiến: “Ở đâu trên cõi đời này mà chả có những lỗ đen. Nơi tích tắc, người ta bước sang một vũ trụ khác”.

N.M.Hà

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/hai-lan-thoat-chet-cua-tran-tien-1058551.tpo