Hãi hùng xác lợn trôi lềnh bềnh trên kênh giữa tâm dịch tả lợn châu Phi

Cảnh tượng không thể nào tin nổi khi giữa mùa dịch tả lợn châu Phi, xác lợn lại bị vứt trôi nổi trên kênh Đào, đoạn qua huyện Yên Thành (Nghệ An), khiến môi trường xung quanh bốc mùi hôi thối khủng khiếp.

Xác lợn chết mắc lại cùng rác thải trên kênh Đào qua huyện Yên Thành, Nghệ An.

Theo phản ánh của người dân địa phương, một số hộ dân chăn nuôi, khi lợn bị dịch bệnh chết không báo với ngành chức năng. Thay vì chôn lấp họ lại vứt xác lợn chết xuống sông Đào (đoạn chảy qua địa phận huyện Yên Thành, Nghệ An), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cuộc sống người dân.

Bà Nguyễn Thị Hà – người dân sống gần kênh Đào cho hay, thời gian gần đây xác lợn chết từ đầu nguồn con kênh này trôi xuống mắc lại dọc 2 bờ bốc mùi khó chịu. Người dân đã báo cáo lên xã, nhưng vẫn chưa thấy ai đến thu dọn xác lợn chết để đảm bảo môi trường.

Theo bà Hà, lợn trôi đến địa bàn xã đã bốc mùi hôi thối, có con đã phân hủy trơ xương. Có thể lợn bị vứt xuống sông từ 5-10 ngày trước rồi trôi từ thượng nguồn xuống. Không biết được người vứt, vứt tại địa điểm nào. "Không riêng gì lợn mà nhiều động vật chết như chó, gà… người ta cũng dừng lại đây vứt xuống. Hiện, người dân địa phương rất lo sợ dịch bệnh lây lan đến đàn gia súc của họ", bà Hà nói.

Xác một con lợn nặng hàng tạ mắc kẹt ngay cống nước.

Không chỉ bà Hà lo lắng mà còn nhiều hộ chăn nuôi lợn cũng bất an vì con sông Đào này phục vụ tưới tiêu cho gần 29.000 ha đất nông nghiệp, là nguồn cấp nước cho công nghiệp, nước sinh hoạt cho các huyện thị: Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai.

Cũng theo người dân địa phương, cứ khoảng 30-40m dọc theo bờ sông Đào, (đoạn chảy qua thị trấn Yên Thành và xã Xuân Thành, huyện Yên Thành) xuất hiện nhiều xác lợn chết được bỏ vào bao tải trôi lềnh bềnh trên sông, xác lợn mắc kẹt ở dây xích sắt bắc qua sông. Một số con lợn trong tình trạng phân hủy, nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

Tại cống chữ U, đoạn giáp ranh giữa 3 xã Hoa Thành, thị trấn Yên Thành và Văn Thành, huyện Yên Thành), xác lợn mắc kẹt trước miệng cống khá nhiều, đủ kích cỡ bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Xác lợn thối rữa do người dân vứt xuống sông Đào, thuộc địa phận huyện Yên Thành.

Theo Xí nghiệp thủy lợi đầu mối, thuộc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An, thời gian qua tình trạng người dân vứt xác lợn chết xuống sông bừa bãi.

Đơn vị vừa tuyên truyền vừa phối hợp với chính quyền các địa phương thu gom xác lợn chết trôi trên các sông, kênh để bảo vệ nguồn nước, tránh ô nhiễm và lây lan dịch tả lợn châu Phi nhưng tình trạng này vẫn diễn ra.

Ông Nguyễn Trọng Hương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành cho hay, toàn huyện Yên Thành có hơn 82.000 con lợn. Đến nay dịch tả lợn châu Phi được phát hiện ở 11 xã, thị trấn đã có hơn 500 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy.

Được biết, sau khi phát hiện dịch bệnh, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng đã kiểm tra, rà soát và tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh. Đồng thời phun khử trùng tại các địa điểm phát hiện dịch, đặt biển cảnh báo, tránh người dân đưa lợn ra khỏi vùng dịch làm lây lan ra diện rộng.

Cán bộ thú y tiêm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, trên địa bàn Nghệ An trong hơn 9 tháng đầu năm đã có 64 ổ dịch tả lợn châu Phi, 3 ổ dịch cúm gia cầm, 10 ổ dịch dại.

Đặc biệt, thời gian gần đây, bệnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ bùng phát ra diện rộng tại các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳ Hợp.

Ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết: "Hiện tại, dịch tả lợn châu Phi đang xuất hiện tại nhiều địa phương. Đơn vị cùng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đang nhanh chóng triển khai các biện pháp để ngăn ngừa nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lây lan rộng".

Nguyên nhân khiến mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi phát tán rộng ở tất cả các địa phương trong tỉnh là do chưa thực hiện tốt công tác khử trùng tiêu diệt mầm bệnh tại các ổ dịch.

Việc kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn bị buông lỏng, không nghiêm. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (chiếm 88,8% tổng đàn lợn toàn tỉnh) nên rất khó áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

Vào ngày 23/10 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công điện khẩn yêu cầu các địa phương tập trung mọi nguồn lực triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi, không để dịch lây lan, kéo dài và phát sinh ổ dịch mới.

Đồng thời chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch lây lan rộng, gây ảnh hưởng đến người dân và cộng đồng.

Hoàng Trinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hai-hung-xac-lon-troi-lenh-benh-tren-kenh-giua-tam-dich-ta-lon-chau-phi-169231029172348529.htm