Hãi hùng với những xe gắn máy chở hàng 'siêu' cồng kềnh trên phố

Phía trước là chiếc xe máy cũ kỹ gắn phía sau xe tự chế chất đầy hàng hóa giống như một container di động vừa mất mỹ quan, vừa mất an toàn nhưng vẫn dễ dàng lưu thông trên phố. Đã đến lúc phải xử lý triệt để vấn nạn này!

Những hình ảnh phản cảm

Không khó để bắt gặp các loại xe gắn máy, ba gác chở những đồ gỗ, nội thất, vật liệu xây dựng cồng kềnh "nghênh ngang" trên các tuyến phố như Trần Nhật Duật, Hoàng Cầu, Hào Nam, Láng, Lê Văn Lương, Vạn Phúc, Giải Phóng, Đại Cồ Việt... Điều đáng nói là phần lớn xe ba gác, xe tự chế khá cũ, không bảo đảm an toàn, lại bị “cơi nới” quá mức để chở được càng nhiều hàng càng tốt. Việc chở theo hàng hóa có kích thước lớn khiến khả năng quan sát đường của lái xe và những người tham gia giao thông khác bị hạn chế.

Những chiếc xe tự chế chở quá khổ lao vun vút trên đường bất kể giờ giấc. (Ảnh: Đinh Luyện).

Chị Nguyễn Thị Hồng (Trung Văn, Nam Từ Liêm) có lộ trình đi làm trên tuyến đường Tố Hữu, Lê Văn Lương, Láng Hạ, Giảng Võ cho biết, chị thường xuyên bắt gặp những chiếc xe chở hàng vượt quá kích thước quy định khi đi làm, trên xe chất đủ các mặt hàng từ thực phẩm, rau quả cho đến vật dụng gia đình, trang trí nội thất, cây xanh... lao đi vun vút trên khắp đường phố, giữa dòng người hối hả. "Đôi lúc tôi đã chứng kiến xe ba gác chở những ống sắt bằng cổ tay, chiều dài thò ra ngoài thùng xe cả mét. Thay vì có biện pháp che chắn cẩn thận, chủ xe chỉ buộc một mảnh bao tải vào phần đuôi sắt thò ra để cảnh báo người đi đường", chị Hồng cho hay.

Tương tự, anh Nguyễn Đình Khắc (Khương Trung, Thanh Xuân) cũng rất bức xúc với những tài xế chở nhiều hàng hóa cồng kềnh phóng "bạt mạng" trên đường phố, nhất là vào giờ trưa và chiều tối. Anh Khắc phản ánh, có nhiều xe máy chở bàn ghế, giường tủ có chiều cao lên tới 1,8m-2m, nhưng vẫn len lỏi qua dòng phương tiện, thậm chí cả vượt đèn đỏ. Đó là chưa kể đến việc chở quá nhiều hàng hóa khi tham gia giao thông vào giờ tan tầm dễ gây ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, cản trở việc đi lại của người dân. "Riêng với hành vi chở hàng hóa cồng kềnh tham gia giao thông, không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mà còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Những hành vi này cần phải xử lý nghiêm", anh Khắc chia sẻ.

Những chiếc xe cồng kềnh làm hạn chế tầm quan sát của người điều khiển cũng như người tham giao giao thông. (Ảnh: T. Thanh).

Chỉ vì một chút tiện lợi và chủ quan cá nhân, cùng với nhu cầu mưu sinh của người vận chuyển nên họ sẵn sàng bất chấp nguy hiểm, chở hàng cồng kềnh lưu thông trên đường. Điển hình, gần đây nhất, khoảng 5h30 ngày 12/1, anh N.T.N (sinh năm 2002, trú tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) lái xe máy trên đường Trịnh Văn Bô, theo chiều Trần Hữu Dực hướng đường Xuân Phương.

Khi đi đến gần cột đèn chiếu sáng số T2/51 trên đường Trịnh Văn Bô, xe của anh N va chạm với xe ba bánh không có biển số, kéo theo bó sắt (gồm 180 thanh sắt phi 12 dài gần 12m) do Đặng Văn Tuân (ở Yên Nghĩa, Ý Yên, Nam Định) điều khiển đi phía trước. Vụ tai nạn khiến anh N tử vong tại chỗ.

Mưu sinh nhưng không được làm trái pháp luật

Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội thông tin, thực hiện chỉ đạo của Công an thành phố Hà Nội về việc xử lý nghiêm xe máy chở hàng cồng kềnh, là tác nhân tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn giao thông, đơn vị đã giao các Đội Cảnh sát giao thông căn cứ vào đặc thù của từng địa bàn tiến hành xử lý nghiêm.

Mới đây, chiều 20/2, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) ra quân xử lý các trường hợp xe chở hàng cồng kềnh, vượt quá giới hạn quy định, tại khu vực ngã tư Hoàng Cầu - Hào Nam. Chỉ sau 30 phút triển khai, tổ công tác đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp chở hàng hóa cồng kềnh, sai quy định.

Khoảng 14h30, tổ công tác phát hiện anh N.T.D (sinh năm 2001, quê Hải Dương), điều khiển xe máy kéo theo một xe chở hàng. Ngay lập tức, tổ công tác đã dùng xe chuyên dụng đuổi theo và yêu cầu tài xế dừng xe để làm việc. Anh D cho biết bản thân là người chở thuê đá lạnh. Anh D đang giao hàng từ phố Nguyễn Phúc Lai đi ra nút giao Ô Chợ Dừa - Xã Đàn thì bị tổ công tác phát hiện, kiểm tra

Trường hợp anh Đ.D.H (sinh năm 1977, ở huyện Thường Tín, Hà Nội), tham gia giao thông khi trên xe chở nhiều hàng hóa cồng kềnh. (Ảnh: T.Thanh).

Trong thời gian làm việc, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3 đã phát hiện một số xe ba gác do thương binh điều khiển, chở hàng cồng kềnh. Khi bị lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra, các tài xế đều nhận thức được hành vi của mình gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Trường hợp ông T.P.H (70 tuổi, thương binh hạng 4/4) cho biết, chiếc xe 3 bánh là kế sinh nhai chính của gia đình. Biết là chở cồng kềnh rất nguy hiểm, nhưng vẫn phải cố. Tổ công tác sau đó đã mời những lái xe này vào chốt và yêu cầu ký biên bản không tái phạm.

Trung tá Lê Hải Hà, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3, cho biết, các trường hợp chở hàng cồng kềnh, quá giới hạn là một trong những nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn giao thông trên đường. "Người dân thường có tâm lý tiện và nhanh, nên đã bất chấp quy định chở hàng cồng kềnh, vượt quá giới hạn của phương tiện. Đây là một trong những nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông phổ biến. Đơn vị thường xuyên ra quân xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm này", Trung tá Lê Hải Hà thông tin.

Thời gian qua, Cảnh sát giao thông Hà Nội đã ra quân xử lý hàng loạt xe 3 bánh tự chế chở hàng cồng kềnh. Khi bị xử phạt, các tài xế đều lấy lí do phải mưu sinh. (Ảnh: T.Thanh).

Tương tự, trên các địa bàn giáp ranh với các huyện ngoại thành, cùng với việc xử lý các trường hợp sử dụng xe ba bánh tự chế, công nông chở hàng hóa cồng kềnh, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6, yêu cầu người vi phạm ký cam kết không chở hàng hóa cồng kềnh. Đồng thời, lập biên bản để xác minh cơ sở sản xuất phương tiện tự chế, nhằm vận động các cơ sở này không tiếp tục chế tạo, cải tạo các loại xe ba bánh, công nông... gây mất an toàn giao thông.

Theo Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6, nếu chỉ xử phạt trên đường thì chúng ta mới giải quyết phần ngọn của vấn đề. Để ngăn chặn tình trạng này, cần giải quyết tận gốc, đó là từ cơ sở sản xuất, có như vậy mới chấm dứt việc chế tạo các loại xe gây mất an toàn giao thông.

Hành vi chở hàng hóa cồng kềnh trong quá trình tham gia giao thông bằng các phương tiện giao thông tự chế, cũ kỹ… không chỉ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, mà còn làm mất mỹ quan đô thị. Vẫn biết cuộc sống mưu sinh nhiều khó khăn, vất vả, nhưng không phải vì vậy mà lại vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ðây là hành vi nguy hiểm, xem thường tính mạng, sức khỏe của chính mình và người đi đường.

Do đó, để hạn chế những vụ tai nạn đáng tiếc từ hành vi nêu trên, ngoài sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt từ lực lượng Cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương… cần tăng thêm các chế tài xử phạt. Nhưng điều quan trọng hơn cả, đó chính là ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hai-hung-voi-nhung-xe-gan-may-cho-hang-sieu-cong-kenh-tren-pho-166592.html