Hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển kinh tế- xã hội

Ngày 19/12, Đoàn khảo sát Tỉnh ủy do ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng đoàn, có buổi làm việc với Đảng bộ xã Phú Diên (Phú Vang) về việc triển khai Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy (khóa XVI) và việc triển khai xây dựng văn hóa cơ sở.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ lắng nghe các ý kiến của lãnh đạo địa phương

Những năm qua, Đảng bộ xã Phú Diên đã tập trung mọi nguồn lực phát triển văn hóa bằng các mô hình, phong trào cụ thể, thiết thực. Nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa được duy trì, khơi dậy được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương, góp phần phát triển du lịch tăng thêm thu nhập và làm thay đổi diện mạo của quê hương.

Địa phương có di tích tháp Chăm-pa cổ, được xác lập kỷ lục là "Tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới", có hệ thống sinh thái biển - đầm phá nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch. Ngoài những di sản vật thể như đình làng, miếu, chùa chiền... địa phương có những di sản phi vật thể rất cần được bảo tồn và lưu giữ, gắn liền với sự hình thành và tồn tại của nếp sống làng xã, họ tộc của các thôn, làng, các lễ hội mang tính chất truyền thống như: lễ hội đua ghe, đánh đu... Tất cả những nét văn hóa phi vật thể đều được địa phương chỉ đạo làng, thôn đưa vào trong quy ước, hương ước của làng, thôn văn hóa để bà con nhân dân thực hiện và bảo tồn, lưu giữ…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đánh giá cao sự vào cuộc của Đảng ủy xã Phú Diên nói riêng, huyện Phú Vang nói chung trong việc bảo tồn và giữ gìn các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa địa phương.

Đồng thời, nhấn mạnh: Để việc triển khai Nghị quyết (NQ) 04 của của Tỉnh ủy (khóa XVI) và việc triển khai xây dựng văn hóa cơ sở ngày càng phát huy hiệu quả, thời gian tới đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ NQ 04 cũng như vai trò, tầm quan trọng của xây dựng và phát triển văn hóa, du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội. Đánh giá xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của địa phương gắn với việc đẩy mạnh phát triển du lịch; phát triển sản phẩm và quảng bá du lịch.

Song song với đó là lồng ghép có hiệu quả các phong trào như Chủ nhật xanh, giảm nghèo bền vững. Tiếp tục duy trì, phát huy, đồng thời đánh giá lại hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn; quan tâm đến đội ngũ cán bộ có đủ năng lực hiểu biết đảm bảo chuyên môn trong công tác quản lý văn hóa, tăng cường xã hội hóa và huy động các nguồn lực để đẩy mạnh bảo tồn các di sản, các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Tin, ảnh: Quỳnh Anh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/hai-hoa-giua-bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-voi-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-136135.html