Hài + Hiphop = Oọc... rơ, cải lương đời mới?

(VietNamNet) - "Nhịp sống ngày nay đã khác, thêm chất hài vào cải lương sẽ góp phần làm cho vở diễn mang tiết tấu và hơi thở của cuộc sống hiện đại", đạo diễn Hoàng Duẩn.

- "Bảo tồn phát triển cải lương là không phải sợ đưa cái hài vào. Bởi cái bi mà không đúng cũng góp phần làm hại cải lương vậy! Nhịp sống ngày nay đã khác xưa, tăng thêm chất hài vào cải lương sẽ góp phần làm cho vở diễn mang tiết tấu và hơi thở của cuộc sống hiện đại", đạo diễn Hoàng Duẩn. Dựng vở cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, ngay từ cái tên Oọc... rơ đã không thấy bóng dáng chút chất cải lương nào, đạo diễn Hoàng Duẩn đang thử nghiệm với cụm từ "cải lương hài" mới được hình thành gần đây trong giai đoạn cải lương Nam bộ loay hoay tìm đầu ra. Cái hài phù hợp hơn cái bi không đúng chỗ Đạo diễn Hoàng Duẩn Dù là cải lương hài, nhưng tên vở Oọc… rơ nghe "chỏi", không phù hợp với sân khấu cải lương vốn quen với những cái tên mượt mà. - Oọc… rơ là từ dùng trong bóng đá để chỉ những cầu thủ bị việt vị. Vở diễn nói về sự "chỏi nhịp" của những con người với cuộc sống hiện tại, của một vài vấn đề trong cuộc sống bị lạc nhịp với nhu cầu. Nội dung tác phẩm nói lên điều gì và được thể hiện ra sao quan trọng hơn cái tên. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta cũng phải chú trọng đến khâu đặt tên cho tác phẩm, để gây sự chú ý, tò mò, thu hút khán giả. Chúng tôi đã đưa ra gần 20 tên cho vở diễn, sau đó loại dần, cuối cùng mới chọn Oọc… rơ. Anh "phân phối" liều lượng hài trong vở thế nào để không bị ủy mị như cải lương truyền thống, nhưng cũng không quá đà? - Nghe tên cải lương hài, người ta cứ tưởng vở diễn toàn hài, nhưng không phải vậy. Tôi và tác giả Trần Văn Trung, chuyển thể cải lương Tô Thiên Kiều đã tranh luận rất nhiều về liều lượng hài trong vở, chỗ nào hài thì đưa vào chất hài, đoạn nào bi thì hãy để phần cho cái bi. Tuy nhiên đôi khi cái bi của người này lại là cái hài của người kia, nên quan trọng là lúc đó chúng ta muốn khán giả cảm nhận về điều gì để điều chỉnh. Hài trong vở này chiếm 2/3. Tôi nghĩ nếu đã gọi là cải lương hài thì ít nhất cũng phải có từ một nửa đến 2/3 chất hài. Cải lương lâu nay không thiếu, nếu không nói là luôn có những tình tiết pha hài thú vị, duyên dáng. Nhấn mạnh hài, và gắn hài vào cải lương sẽ làm biến đổi nghệ thuật cải lương truyền thống, làm hỏng cải lương? - Cải lương xưa đã có hài, nhiều nghệ sĩ như NSƯT Bảo Quốc, Thanh Nam nổi danh từ các vai hài trong cải lương đấy chứ. Vấn đề là hài như thế nào? Cải lương truyền thống thường là những vở diễn dài, nặng chất bi, để người xem bớt đi sự nặng nề, các nghệ sĩ sáng tạo ra các lớp hài. Khán giả xem một vở cải lương đôi khi không thuộc câu vọng cổ của đào hay kép chính, nhưng lại có thể ngân nga ngay vài câu bài bản hài của một anh hề. Bảo tồn phát triển cải lương là không phải sợ đưa cái hài vào. Bởi cái bi mà không đúng cũng góp phần làm hại cải lương vậy! Nhịp sống ngày nay đã khác xưa, tăng thêm chất hài vào cải lương sẽ góp phần làm cho vở diễn mang tiết tấu và hơi thở của cuộc sống hiện đại. Dĩ nhiên chúng tôi nhìn sự việc bằng lăng kính của mình, còn người khác làm cải lương bi thì họ có cách tiếp cận riêng. Các diễn viên vở "Oọc... rơ" trên sàn tập. Nếu anh nói làm thế để khán giả hôm nay có thể tiếp cận với cải lương, thì đó là lớp khán giả nào? Bởi khán giả mê cải lương thực thụ thì không cần pha hài mới đi xem, còn khán giả mê hài thì đi xem tấu hài, kịch hài chứ đâu cần tới cải lương hài? - Một vở diễn không thể làm ngay được điều to tát là đưa khán giả hôm nay tiếp cận cải lương. Đó là một bài toán nan giải. Tôi nghĩ bất cứ loại hình nghệ thuật nào muốn có lượng khán giả cho riêng mình thì cần phải có kế hoạch dài hơi. Với vở này, chúng tôi vẫn nhắm vào khán giả trung thành với cải lương (phần lớn đã lớn tuổi) và có thể phát triển thêm số khán giả trẻ tuổi. Đồng thời cũng có khán giả thích xem cải lương nhưng sợ những vở nặng quá thì có thể xem vở này. Cải lương hài có cái hay riêng của nó, khác hài kịch. Phá cách, nhưng không để khán giả sốc Như anh vừa nói, cải lương có nhịp điệu, bài bản đặc thù của mình, đưa mảng miếng hài không khéo sẽ xảy ra tình trạng cải lương một đằng, hài một nẻo! Cải lương hài theo anh cần những yếu tố gì để thu hút khán giả? - Thứ nhất, vẫn phải giữ được chất trữ tình của cải lương. Thứ hai, tiết tấu phải nhanh, xử lý hiện đại và mang hơi thở của cuộc sống đời thường, không quá cao siêu. Thứ ba đào, kép sân khấu phải đẹp, hát hay diễn giỏi (nổi tiếng thì càng tuyệt vời). - Năm 1920, trên bảng hiệu gánh hát Tân Thịnh có câu liên đối: "Cải cách hát ca theo tiến bộ/Lương truyền tuồng tích sánh văn minh". Còn giáo sư Trần văn Khê thì cho rằng "cải lương là sửa đổi cho trở nên tốt hơn". Tôi nghĩ bản thân "cải lương" không có nghĩa là chúng ta giữ y như cũ mà gọi là cải lương được, phải cải tiến, phải mới, tuy nhiên cũng không quá phá cách đến nỗi để khán giả bị sốc. Mảng miếng hài được đưa vào vở diễn một cách hài hòa phù hợp với tình huống và hoàn cảnh của nhân vật. Oọc... rơ không chỉ có hài, mà còn có những cảnh làm cho người ta chạnh lòng, những cảnh lãng mạn và đẹp. Những nghệ sĩ kỳ cựu, chẳng hạn NSND đạo diễn Huỳnh Nga thừa nhận chưa một lần dựng cải lương hài vì quá khó. Thế hệ đạo diễn trẻ các anh làm vì đáp ứng thị hiếu khán giả hôm nay, hay vì tự thân sân khấu cải lương đã đến thời điểm đổi thay để phù hợp, thích nghi với thời buổi này? - Đường là do người ta đi mãi mà thành kia mà. Đã đến lúc mạnh dạn tìm cái mới hợp với cuộc sống hiện thời. Chúng tôi rất cần sự chỉ bảo và động viên của các thế hệ nghệ sĩ đi trước, để làm sao vẫn giữ những bài "bản tổ" của cải lương nhưng vẫn mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. Điều đó không thể thành công ngay từ những vở diễn đầu mà cần một quá trình lâu dài. Nếu chẳng may không thành công? - Một vở diễn thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ý tưởng tốt mà không đầu tư đủ kinh phí thì sẽ là một vở nghèo nàn, không được tiếp thị đàng hoàng cũng chưa hẳn sẽ thành công... Vấn đề là làm sao đưa khán giả trẻ đến rạp, muốn thế, phải đáp ứng nhu cầu của lớp khán giả này. Bởi thế, vở Oọc... rơ còn có cả hip hop nữa đấy! Võ Tiến thực hiện

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vanhoa/2009/07/860468/