Hải Dương: Vì sao cựu Chủ tịch thị trấn Cẩm Giang bị truy tố?

Bị can Đường không có biện pháp giải quyết mà dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao làm trái các quy định pháp luật; đồng thời chỉ đạo các lực lượng địa phương bao che, giúp sức cho Thủy và các đối tượng gây rối trật tự công cộng, cản trở người dân mua hồ sơ...

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) vừa hoàn thành cáo trạng truy tố 33 bị can liên quan đến vụ đấu giá đất ở thị trấn Cẩm Giang về các tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; gây rối trật tự công cộng; trốn thuế và mua bán trái phép hóa đơn.

Đáng chú ý, trong số các bị can nói trên có Phạm Văn Thủy (tên thường gọi là Thủy "gỗ", trú tại khu dân cư số 1, thị trấn Cẩm Giang, huyện Cẩm Giàng) và Nguyễn Ngọc Đường - nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Giàng.

Riêng bị can Phạm Văn Thủy bị đề nghị truy tố về 2 tội trốn thuế và gây rối trật tự công cộng. Bị can Nguyễn Ngọc Đường bị truy tố các tội gây rối trật tự công cộng và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 25 bị can bị truy tố liên quan tội gây rối trật tự công cộng; 3 bị can tội trốn thuế và 3 bị can tội mua bán trái phép hóa đơn.

Theo cáo trạng, Dự án Khu dân cư, nghĩa trang liệt sĩ, khu Văn Chỉ, bể bơi thị trấn Cẩm Giang do UBND huyện Cẩm Giàng làm chủ đầu tư.

Các đơn vị thi công dự án gồm: Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và hạ tầng đô thị Hudic, Công ty cổ phần Thiết kế và xây dựng Thành Công. Liên danh trên được thỏa thuận miệng với Công ty TNHH Mạnh Anh do Phạm Văn Thủy làm Giám đốc (đơn vị trực tiếp thi công các hạng mục công trình dự án).

Trụ sở UBND thị trấn Cẩm Giang, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương.

Tháng 6/2021, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng ký quyết định điều chuyển chủ đầu tư thực hiện dự án từ UBND huyện Cẩm Giàng sang UBND thị trấn Cẩm Giàng. Sau khi nhận thi công các hạng mục công trình, công ty của Thủy tiến hành thi công để triển khai việc đấu giá.

Từ ngày 16/9/2022 đến 29/9/2022, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương tổ chức bán hồ sơ đấu giá tại hội trường UBND thị trấn Cẩm Giang. Với mục đích mua toàn bộ đất dự án nên khi biết Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương mở bán hồ sơ, Thủy đã tổ chức cuộc họp với nhiều người. Trong cuộc họp, Thủy nói muốn mua đất dự án để bán cho người dân địa phương, xây dựng quê hương và nhờ mọi người giúp đỡ.

Trong thời gian mở bán hồ sơ, Thủy bố trí, phân công nhiều đối tượng tụ tập tại khu vực UBND thị trấn Cẩm Giang cản trở việc mua hồ sơ của người dân, đưa ra thông tin gian dối về việc đất dự án còn nhiều mồ mả, đang có tranh chấp để họ hoang mang, từ bỏ ý định mua hồ sơ.

Thậm chí, các đối tượng còn mua tiểu sành để tại hành lang bộ phận "Một cửa", hội trường, khu vực cổng công trường; đưa máy xúc, xe tải chở cát, biển cảnh báo, cọc tiêu, rào chắn chặn các đường đến trụ sở UBND thị trấn Cẩm Giang. Đáng chú ý, vào sáng 29/9 (ngày cuối cùng bán hồ sơ), có 3 người dân ở huyện Bình Giang (cùng tỉnh Hải Dương) đến mua 6 bộ hồ sơ; khi lên ô tô đi về bất ngờ bị 2 đối tượng đuổi theo tạo tình huống va chạm giao thông...

Trước các sự việc xảy ra, bị can Đường là Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Giang không có biện pháp giải quyết mà dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao làm trái các quy định của pháp luật. Bị can Đường đã chỉ đạo các lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương bao che, giúp sức cho Thủy và các đối tượng gây rối trật tự công cộng, cản trở người dân mua hồ sơ tham gia đấu giá quyền sử dụng đất thuộc dự án.

Trong quá trình mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Cẩm Giàng làm rõ một số đối tượng có hành vi trốn thuế và mua bán trái phép hóa đơn.

Cụ thể, để hợp thức hóa đầu vào đối với nhiên liệu dầu diezel, nguyên liệu sử dụng cho thi công dự án, Thủy và vợ là Hoàng Thị Điều (SN 1971); Phạm Thị Huê (SN 1986, hộ khẩu ở huyện Tiền Hải, Thái Bình; hiện trú tại thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang, là kế toán kho); Nguyễn Thị Hiên (SN 1984, em dâu Điều, trú tại khu dân cư số 1, thị trấn Cẩm Giang, là kế toán trưởng) đã mua của Đỗ Thị Lan Anh (SN 1983); Nguyễn Bá Sang (SN 1982, cùng trú tại thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, Bắc Ninh, là Giám đốc Công ty TNHH Bảo Minh Hưng) mua bán trái phép, hợp thức hóa hơn 30 hóa đơn của các Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Dịch vụ Tiến Minh, Bảo Minh Hưng.

Từ việc mua bán trái phép hóa đơn, Sang, Lan Anh thu lợi bất chính hơn 810 triệu đồng. Sau đó, vợ chồng Thủy sử dụng số hóa đơn mua trái phép để kê khai thuế giá trị gia tăng làm tăng số tiền thuế giá trị gia tăng công ty của Thủy được khấu trừ là 1,5 tỷ đồng.

Theo cơ quan tố tụng, trong vụ gây rối trật tự công cộng, bị can Phạm Văn Thủy là người tổ chức, phân công, chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội nên giữ vai trò thứ nhất. Đối với vụ án trốn thuế, Hoàng Thị Điều là người chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các bị can khác nên giữ vai trò thứ nhất; riêng các bị can Thủy, Huê, Hiên là đồng phạm với vai trò người thực hành giữ vai trò thứ hai.

Trong vụ mua bán hóa đơn, bị can Đỗ Thị Lan Anh thực hiện hành vi tích cực hơn nên giữ vai trò thứ nhất, bị can Nguyễn Bá Sang là đồng phạm, còn bị can Tới phạm tội độc lập.

Hà Nội- Lửa Cháy Lớn Thiêu Rụi Xưởng Gỗ, Bất Ngờ Lan Sang 2 Nhà Dân - SKĐS

Đức Tùy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hai-duong-vi-sao-cuu-chu-tich-thi-tran-cam-giang-bi-truy-to-169230505110105279.htm