Hải Dương trong sách Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam

Nạn đói khủng khiếp năm 1945 ở Việt Nam làm chết hơn 2 triệu người.

Sách dành nhiều trang ghi lại lời kể của các nhân chứng về nạn đói năm 1945

Nghiên cứu, làm sáng rõ sự kiện lịch sử này chẳng những có ý nghĩa khoa học, mà còn có ý nghĩa thực tiễn góp phần làm sáng rõ sự thật lịch sử về tội ác của phát xít Nhật đối với nhân dân Việt Nam, lên án chiến tranh xâm lược hủy diệt, củng cố, tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản.

Sách "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - những chứng tích lịch sử" là một công trình khoa học công phu, nghiêm túc. Để tiến hành nghiên cứu, biên soạn công trình này, các tác giả đã phải dày công sưu tập, khai thác tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau: tư liệu thành văn, tư liệu điều tra, khảo sát trên 23 điểm thuộc 21 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở ra.

Sách dành tới 92 trang nói về nạn đói ở Hải Dương vào thời điểm đó: Vì là trọng điểm trồng lúa, nên bị Nhật - Pháp ra sức vơ vét thóc gạo và cũng là tỉnh bị phát xít Nhật cưỡng bức phá lúa trồng đay. Nhân dân sớm có phong trào đấu tranh chống phá lúa trồng đay, thu thóc, thu thuế, nhưng nạn đói cũng cướp đi khoảng 10%-20% dân số.

Sách trích: "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Hưng cho thấy: Nạn đói khủng khiếp năm 1945 làm cho Hải Dương chết 20 vạn người... Lúc đó, trên mảnh đất Hải Dương đâu đâu cũng thấy đói và chết đói... Xóm làng xơ xác, nhiều nơi rau má, củ chuối thay cơm cũng không còn. Đoàn người đói rách ở thôn quê kéo nhau vào thành phố, để rồi nằm chết gục trên hè phố thị xã Hải Dương và các thị trấn"... Huyện Tứ Lộc nằm ở phía đông nam tỉnh Hải Dương. Dưới thời thuộc Pháp, tuy là huyện thuần nông, nhân dân cần cù chịu khó, điều kiện canh tác khá thuận lợi nhưng cũng không tránh khỏi thảm cảnh chung là nạn chết đói năm 1945. Tứ Lộc cũng trở thành một nấm mồ với số người chết đói trên 15.000 người.

Cho đến nay, các vết thương chiến tranh đã được hàn gắn, tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản đã được hồi phục và phát triển. Nhưng việc làm rõ tội trạng của những kẻ đã bôi những vết đen lên lịch sử bang giao và hữu nghị giữa hai dân tộc này vẫn là điều cần thiết. Nó không nhằm mục tiêu nào khác là "lên án tội ác, ngăn ngừa chiến tranh, củng cố hòa bình, tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc".

"Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - những chứng tích lịch sử" được thực hiện bởi Tiểu ban Hợp tác Việt - Nhật nghiên cứu về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam, GS. Văn Tạo, GS. Furuta Motoo chủ biên, Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành.

TIẾN HUY

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xem---nghe---doc/hai-duong-trong-sach-nan-doi-nam-1945-o-viet-nam-200223