Hai cuộc bầu cử, một nỗi lo

Chủ nghĩa dân túy và bài châu Âu nhiều khả năng sẽ sôi sục trở lại sau cuộc bầu cử Áo ngày 15/10 vừa qua và bầu cử Czech ngày 20/10 sắp tới.

Theo đó, với 31,7% số phiếu bầu, hơn 5% so với đảng Dân chủ Xã hội (SPOe) của Thủ tướng đương nhiệm Christian Kern, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz và Đảng Nhân dân (OeVP) sẽ tiếp quản Vienna. Trong khi đó, Chính phủ tiếp theo của Czech cũng được cho là chắc chắn có sự góp mặt của đảng cựu hữu ANO do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Czech Andrej Babis dẫn dắt.

Thủ tướng đắc cử Áo Sebastian Kurz. (Nguồn: Reuters)

Trong khi nhiều người còn đang ngưỡng mộ vẻ bảnh bao và sự nhiệt huyết của tân Thủ tướng đắc cử Áo, hay trầm trồ trước khối tài sản khổng lồ của ứng cử viên người Czech, thì các nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu (EU) lại quan ngại sâu sắc. Họ cho rằng với sự kiện này, chủ nghĩa dân túy và bài EU sẽ trở lại và một lần nữa chia rẽ châu Âu.

“Chiến thắng lịch sử”

Ông Sebastian Kurz không sai khi nhận định như vậy về thành công của mình trong cuộc bầu cử Áo ngày 15/10. Trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất châu Âu, ông Kurz được người dân kỳ vọng sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho đất nước. Đáng chú ý, tuy chỉ mới 31 tuổi, nhưng ông đã có nhiều kinh nghiệm chính trường khi nắm giữ cương vị Ngoại trưởng trong bốn năm và đưa đảng OeVP lên đỉnh cao quyền lực sau nhiều năm lép vế trước SPOe.

Quan trọng hơn, tân Thủ tướng Sebastian Kurz được đánh giá là người rất nhạy bén về chính trị. Khi làn sóng người tị nạn và nhập cư tràn vào châu Âu năm 2015, ông đã nhận ra sự tức giận của các cử tri Áo đối với những người nhập cư không qua kiểm soát, với phần đông là người Hồi giáo. Do đó, ông đã kêu gọi thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới và đóng cửa tuyến đường bộ thông qua vùng Tây Balkan mà nhiều người nhập cư sử dụng để tới EU.

Ông cũng bày tỏ mối quan ngại về kế hoạch thực hiện ngân sách khu vực đồng Euro và cho biết EU phải tập trung vào “an ninh và đóng cửa biên giới”. Ngoài ra, trong chiến dịch tranh cử của mình, ông cũng cam kết giảm thuế và xóa bỏ nạn quan liêu.

Hơn nữa, với việc ông Sebastian Kurz tuyên bố “thiết lập một phong cách chính trị và văn hóa mới ở đất nước này”, nhiều khả năng ông sẽ thành lập liên minh với đảng Tự do (FPOe) theo chủ nghĩa dân túy do ông Heinz Christian Strache lãnh đạo. Đáng chú ý, cả OeVP và FPOe đều có xu hướng chống nhập cư và bài EU. Tạp chí Stratfor cho rằng một chính phủ mới tại Áo với sự tham gia của FPOe có khả năng sẽ khiến mối quan hệ Vienna - Brussels thêm căng thẳng, khi đảng này ủng hộ các cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của Áo trong quá khứ. Một liên minh cầm quyền có xu hướng bài EU sẽ là bài toán nan giải cho các nhà hoạch định chính sách của Brussels trong thời gian tới.

Ngày trở về của chủ nghĩa dân túy

Một viễn cảnh tương tự được dự đoán cũng diễn ra ở nước Czech, nơi phong trào ANO dưới sự dẫn dắt của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Andrej Babis đang có nhiều ưu thế. Theo kết quả một cuộc trưng cầu dân ý công bố ngày 14/10, đảng phái theo tư tưởng trung hữu và dân túy này đang dẫn đầu với 25% số người ủng hộ, theo sau là đảng Dân chủ Xã hội Czech (CSSD) của đương kim Thủ tướng Bohuslav Sobotka với 12,5%, đảng Cộng sản Czech và Morava với 10,5% và đảng cực hữu Tự do và Dân chủ trực tiếp (SPD) 9.5%.

Với lợi thế vững chắc như vậy, nhiều nhà phân tích nhận định ông Babis gần như chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo. Điều này có thể khiến mối quan hệ giữa Czech và EU tiếp tục trắc trở, khi Brussels đã nhiều lần nhắc nhở Prague về lập trường chống người nhập cư và chủ nghĩa dân tộc đang lan rộng tại quốc gia này.

Bên cạnh đó, đảng ANO của ông Andrej Babis đã nhiều lần bày tỏ quan điểm về vai trò thành viên của Czech tại EU. Không loại trừ khả năng dưới một liên minh cầm quyền thân hữu của ông Babis, Brussels sẽ chứng kiến một “Czechexit”.

Các chuyên gia cho rằng, với kết quả của cuộc bầu cử Áo vừa qua và bầu cử Czech sắp tới, chủ nghĩa dân túy và bài EU sẽ một lần nữa quay trở lại châu Âu. Điều mà các nhà hoạch định chính sách của Brussels có thể làm là củng cố tính gắn kết trong khối, đồng thời thúc đẩy sự phát triển đồng đều của các quốc gia thành viên.

Báo Thế giới và Việt Nam

Lưu Huỳnh

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/hai-cuoc-bau-cu-mot-noi-lo-59129.html