Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn 'thẫn thờ' ngồi nghe các luật sư gỡ tội

Sáng nay (15/9), phiên xét xử đại án Oceanbank tiếp tục với phần tranh luận về tội danh của hai bị cáo bị đề nghị mức án cao nhất là Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn.

Mở đầu phần bào chữa cho thân chủ Nguyễn Xuân Sơn, luật sư Nguyễn Thị Minh Phương (một trong bốn luật sư bào chữa cho Sơn) lên tranh tụng trong khi bị cáo này ngồi thẫn thờ phía dưới.

(Nguồn: Dân trí)

Luật sư Phương nói, theo căn cứ diễn biến mới, Bộ Công an vừa khởi tố 3 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP); Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) và khởi tố bổ sung đối với bị can Ninh Văn Quỳnh. Trong 3 vụ án vừa bị khởi tố có đến 2 vụ xảy ra ở 2 doanh nghiệp Vietsovpetro và Lọc hóa dầu Bình Sơn, nơi Sơn khai rằng trước đó có đưa tiền chi "chăm sóc" cho một số cán bộ ở đây.

Nữ luật sư cho rằng HĐXX cần phải trả hồ sơ vụ án đề điều tra bổ sung. Theo bà Phương, trong thời gian bị cáo buộc phạm vào tội Tham ô tài sản, ông Sơn không phải là Chủ tịch thành viên PVN, không được giao quản lý vốn, không điều hành PVN. “Đây là quyền hạn của hội đồng thành viên PVN và không có Sơn trong đó", luật sư Phương nói.

Bào chữa cho thân chủ vừa bị đề nghị án tử hình, luật sư Phương đặt câu hỏi rằng dựa vào căn cứ nào để cáo buộc Nguyễn Xuân Sơn quản lý tài sản và rút tiền của Oceanbank. "Sơn không thể là chủ thể của tội Tham ô", nữ luật sư nêu quan điểm.

Sau phần bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn của luật sư Minh Phương, luật sư Nguyễn Huy Thiệp tiếp tục bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm.

Nói về hành vi của Nguyễn Xuân Sơn, luật sư Thiệp cho rằng, việc cơ quan tố tụng quy kết bị cáo Sơn chiếm đoạt tài sản dẫn đến thực trạng bất cập là từ hành vi chi lãi ngoài Nguyễn Xuân Sơn bị truy tố thêm 2 tội “tham ô tài sản” và “Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản”.

Còn Hà Văn Thắm cũng bị quy kết đồng phạm, giúp sức cho Sơn.

"Trong phần kết luận trong hành vi phạm tội cố ý làm trái, ngân hàng Oceanbank chi lãi ngoài 1.576 tỷ đồng. Số tiền 246 tỷ Sơn bị quy kết chiếm đoạt nằm trong số tiền 1.576 tỷ, số tiền 49 tỷ nằm trong 246 tỷ.

“Tôi xin nhấn mạnh, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn không chiếm đoạt, thậm chí không thể chiếm đoạt, nhất là khoản 49 tỷ của PVN. 49 tỷ của PVN là phép tính số học thuần tuý, nhưng để xem xét đánh giá dưới góc độ tài chính, pháp lý thì phép tính đã phù hợp hay chưa cần phải xem xét lại trước khi dùng để kết tội, thậm chí mức án tử hình." Luật sư nói.

Theo luật sư Thiệp, nguồn gốc phát sinh số tiền nói trên phải được xem xét kỹ chứ không chỉ là phép tính số học. Thậm chí PVN được xác định nguyên đơn dân sự trong vụ án này cũng không xác định được mức bồi thường và cũng không có đơn đòi bồi thường, PVN chỉ yêu cầu bồi thường căn cứ vào cơ quan điều tra và phán xét của HĐXX.

Trong khi đó, số tiền 1.576 tỷ hoàn toàn không lấy từ vốn điều lệ vì theo quy định, vốn điều lệ chỉ dùng để mua tài sản, mở công ty con, đầu tư chứng khoán.

Nếu xác định đây là lợi nhuận, thì trước khi chia cổ tức còn phải trích dự phòng, nộp thuế, phần còn lại mới được chia, để xác định còn phải qua kiểm toán, không ai được tự ý xác định lợi nhuận, rồi tự ý xác định nó là của mình.

Luật sư đề nghị các cơ quan tố tụng cần xem xét kỹ trước khi luận tội để tránh sự vội vàng và oan uổng cho bị cáo.

Luật sư nói rằng dù không có trách nhiệm bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn nhưng ông vẫn kiến nghị việc quy kết Nguyễn Xuân Sơn chưa đủ căn cứ pháp lý./.

Hà Giang (T/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/ha-van-tham-nguyen-xuan-son-than-tho-ngoi-nghe-cac-luat-su-go-toi-254141.html