Hà Tĩnh: 'Tự soi, tự sửa' để phát huy tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên

'Tự soi, tự sửa' chưa bao giờ là việc dễ dàng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thế nhưng, ở Hà Tĩnh, chủ đề này đã và đang trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng với cách làm linh hoạt, nhẹ nhàng, nhưng thấm nhuần, đồng thuận trong từng cán bộ, đảng viên.

Mỗi buổi sinh hoạt Chi bộ Thanh Lan, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, đều được Bí thư Chi bộ Phan Xuân Hội phân công đảng viên kể một mẫu chuyện về Bác Hồ để các đảng viên trong chi bộ cùng nghe, cùng “tự soi, tự sửa”.

“Tự soi, tự sửa” gắn với tinh thần tự giác, mỗi đảng viên ở Hà Tĩnh tự mình soi vào mẫu gồm 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã được chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Để việc tự soi, tự sửa đi vào quy củ, nề nếp và công bằng, mỗi chi ủy ở Thạch Khê đều có 1 cuốn sổ nhật ký, theo dõi quá trình tự sửa của từng đảng viên.

Đường vào xã nông thôn mới Tượng Sơn (Ảnh: Huy Tùng).

Ông Phan Xuân Hội, Bí thư Chi bộ Thanh Lan cho biết: "Các Đảng viên hứa trước Chi ủy là có khuyết điểm gì thì mất thời gian bao lâu để sửa. Chi ủy có quyển sổ theo dõi, tháng đó chưa đạt thì tiếp tục tự soi tự sửa, làm thường xuyên để khi nào làm được thì thôi. Năm 2022 thì sổ nhật ký có 3 đảng viên chưa đạt được thời gian tự soi tự sửa, buộc làm lại. Chất lượng đảng viên được nâng lên rất cao".

Không phải “đao to búa lớn” hay “vạch áo cho người xem lưng”, nhưng với cách làm nhẹ nhàng, để mỗi đảng viên tự thấu hiểu, thấm nhuần. Đảng viên Hồ Viết Hải và Nguyễn Thị Thanh, đã tự thấy mình trong mỗi câu chuyện kể, để nhận ra những khuyết điểm của mình.

Đảng viên Hồ Viết Hải cho biết: "Lúc đầu tôi chỉ đạo, vận động bà con nhân dân mà công việc không đạt thì tôi hay nóng vội, nói to, họ cũng ý kiến là đừng có nạt, nhưng không phải tôi nạt mà tính nói to như vậy".

Chi bộ Thanh Lan là một trong những chi bộ có cách làm hiệu quả trong thực hiện chuyên đề "tự soi, tự sửa".

Đảng viên Nguyễn Thị Thanh cho biết: "Khi được Bí thư nhắc hay đi họp chậm, từ đó tôi cũng cố gắng và hứa trước Chi bộ tôi sẽ sửa và từ đó cố gắng, sắp xếp công việc gia đình để sinh hoạt đúng giờ hơn. Rút ra được kinh nghiệm là tự mình khắc phục và mình đã gương mẫu hơn thì tín nhiệm của mình trong nhân dân cao hơn".

Việc tự soi tự sửa nếu chỉ làm đơn thuần thì hiệu quả không cao, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành quy định nêu gương của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, người đứng đầu. Chức vụ càng cao càng phải nêu gương, tự soi, tự sửa phải gắn với thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.

Ông Lưu Xuân Đồng, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Khê cho biết: "Người đứng đầu có đủ bản lĩnh không, để mình tự soi khuyết điểm của mình ra không. Là người đứng đầu, là cán bộ, nhưng mình dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cán bộ, đảng viên, thì việc tự soi, tự sửa rất dễ. Mình muốn soi ra là tính cầu thị, soi ra là gì thì “cọc đèn tối chân” - mình không thể biết được mình, mà phải người khác góp ý cho mình nữa thì tự soi, tự sửa rất là hay".

Xây dựng, củng cố tổ chức đảng vững mạnh, xây dựng niềm tin trong nhân dân, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội cũng nhận được sự đồng thuận. Ảnh: báo Hà Tĩnh

Để việc tự soi, tự sửa thiết thực, hiệu quả, Cấp ủy Chi bộ tổng hợp bản “Tự soi, tự sửa” của đảng viên; xây dựng báo cáo đề dẫn chuyên đề; đánh giá khái quát về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Khi tiến hành thảo luận, đồng chí bí thư chi bộ thay mặt cấp ủy tổng hợp kết quả tự soi, tự sửa của mỗi cán bộ, đảng viên, chỉ ra mức độ các biểu hiện suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của chi bộ, đảng viên và nhấn mạnh các giải pháp khắc phục, sửa chữa. Sau buổi sinh hoạt chủ đề “Tự soi, tự sửa”, cấp ủy chi bộ hoàn thiện báo cáo, gửi đảng viên trong chi bộ để làm căn cứ xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục và kiểm điểm cuối năm.

Ông Trần Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạch Hà cho biết, việc tổ chức sinh hoạt chủ đề phải thiết thực, cụ thể, phù hợp với tình hình, đặc điểm của chi bộ; nhận diện được những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên để sửa chữa, khắc phục.

"Tự soi tự sửa này dựa trên tính tự giác quan trọng nhất, cảm giác như cơn gió nhẹ nhàng trong sinh hoạt chi bộ thôi, chứ nếu tự phê bình, phê bình thì nặng nề lắm. Đảng ta nên tiếp tục theo hướng này, tạo ra công cụ xây dựng đảng nhẹ nhàng thôi nhưng nó làm cho chúng ta càng danh dự thêm, văn minh thêm, đạo đức, như Bác Hồ nói. Sâu chuỗi cái nêu gương với tự soi, tự sửa và Trung ương 4 khóa 11;12, thành cái chung, lấy nêu gương làm đầu, chức vụ càng cao càng phải nêu gương trong tự soi, tự sửa. Người nắm giữ cương vị người ta cũng thấy nhẹ nhàng chứ không phải tố cáo gì mình"- Ông Trần Hữu Nghĩa cho hay.

Ông Hà Văn Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho rằng, đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề “Tự soi, tự sửa” giúp cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tự rà soát lại chức trách, nhiệm vụ, lĩnh vực công tác; kiểm điểm, nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến trách nhiệm của bản thân. Từ đó, xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, phát huy những ưu điểm.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hà Văn Hùng.

Ông Hà Văn Hùng nói: "Xây dựng chỉnh đốn đảng, tự soi, tự sửa ở đây là làm cho bản thân mình mạnh lên, tổ chức đảng mình mạnh lên, mỗi cán bộ đảng viên mạnh lên và quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ mình vượt qua được khó khăn, hạn chế được cái sai. Và chính những từ những tấm gương cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí lãnh đạo, có sức lan tỏa lớn trong nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân, động viên cấp dưới. Đây cũng chính là nội dung nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên và người đứng đầu từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong toàn đảng, toàn xã hội".

Có thể nói, sinh hoạt chủ đề “Tự soi, tự sửa” đã và đang phát huy cao tính dân chủ, tự giác, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhằm xây dựng tổ chức đảng phát triển vững mạnh, củng cố khối đoàn kết trong Đảng, cơ quan, đơn vị, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Các buổi sinh hoạt chủ đề cũng giúp mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi” lại vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong xây dựng, chỉnh đốn đảng và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để kịp thời “tự sửa”, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, lối sống, đạo đức nghề nghiệp, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thông qua đợt sinh hoạt chính trị này, sẽ giúp các cấp ủy đánh giá đúng chất lượng sinh hoạt chi bộ, năng lực và trình độ người đứng đầu, chất lượng đảng viên… để từ đó có kế hoạch khắc phục,điều chỉnh phù hợp./.

Sỹ Đức/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/ha-tinh-tu-soi-tu-sua-de-phat-huy-tinh-than-tu-giac-cua-can-bo-dang-vien-post1022968.vov