Hà Tĩnh: Phát triển y tế cơ sở vì lợi ích của người dân

Thời gian qua, ngành Y tế Hà Tĩnh đã tập trung các nguồn lực, đặc biệt tranh thủ một số cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh để tạo lực đẩy phát triển hệ thống y tế cơ sở đáp ứng sự hài lòng, tin cậy của người dân.

Nâng tầm vị thế, đáp ứng hài lòng của người dân.

Hiện nay, hệ thống khám, chữa bệnh (KCB) tuyến huyện gồm 06 bệnh viện đa khoa, 07 trung tâm y tế đa chức năng và bệnh viện đa khoa khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Để nâng tầm vị thế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, thời gian qua Hà Tĩnh đã triển khai hiệu quả các nghị quyết như Nghị quyết số 20-NQ/TW, số 21-NQ/TW của BCHTW Đảng, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh; Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 71/2022/NQ-HĐND, số 46/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh... Vì thế, chất lượng KCB tại tuyến y tế cơ sở ngày càng được nâng lên, thu hút nhiều bệnh nhân đến KCB, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên và đáp ứng với sự hài lòng của người bệnh.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau phẫu thuật tại Trung tâm Y tế Hương Sơn

Hiện nay, các đơn vị KCB tuyến huyện có tổng số cán bộ trên 2300 người, trong đó 592 bác sĩ; số giường bệnh kế hoạch là 3.934. Tất cả các đơn vị KCB tuyến huyện đã được đầu tư khá đồng bộ thiết bị phục vụ chẩn đoán, điều trị như: máy Siêu âm 4D, 5D, X-quang kỹ thuật số, thiết bị phẫu thuật Phaco, máy nội soi ngược dòng tán sỏi thận bằng Lase; hệ thống phẫu thuật nội soi tiêu hóa; máy nội soi tai mũi họng; máy xét nghiệm, huyết học tự động, hệ thống máy tiệt khuẩn... 100% đơn vị KCB tuyến huyện đã triển khai thường quy phẫu thuật nội soi tiêu hóa, phẫu thuật phaco.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thành phố thực hiện tán sỏi niệu quản bằng laze cho bệnh nhân

Bác sĩ Trần Nguyên Phú, Giám đốc bệnh viện đa khoa TP Hà Tĩnh chia sẻ: "Nhờ có các chính sách của trung ương, của tỉnh nên công tác đào tạo, thu hút nhân tài và triển khai các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu tại đơn vị ngày càng được phát triển. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, thu hút, đào tạo nhân lực chất lượng cao, mua sắm trang thiết bị hiện đại, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất. Đặc biệt mời chuyên gia tuyến trên về chuyển giao kỹ thuật nên trong 2 năm 2021 đến 2022 bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật ngang tầm tuyến trên như kỹ thuật thay khớp háng ngoại khoa; kỹ thuật tiêu sợi huyết; chụp cổng hưởng từ MRI. Cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nặng, đáp ứng sự hài lòng của nhân dân".

Trong đại dịch COVID-19, tất cả các đơn vị y tế tuyến huyện cũng bố trí khu tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19. Đồng thời, đã cử hàng nghìn cán bộ y tế tham gia công tác điều trị, lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhân COVID-19... Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin cũng được đẩy mạnh. 100% đơn vị tuyến huyện đã triển khai sử dụng các phần mềm trong quản lý điều hành và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mền HIS, hệ thống KCB từ xa kết nối trực tuyến với các bệnh viện trung ương.

Trung tâm y tế Hương Sơn đầu tư hệ thống chụp cắt lớp vi tính

Nhờ thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế công đã giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến huyện, giảm chi phí, giảm tải cho tuyến trên; trung bình công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện tuyến huyện tăng từ 95% năm 2017 lên trên 120% năm 2022; ngày điều trị trung bình từ 9,63 ngày năm 2017 giảm xuống còn 6,4 ngày vào năm 2022. Chỉ số hài lòng người dân về cung cấp dịch vụ y tế đạt trên 95%; chỉ số PAPI của ngành Y tế Hà Tĩnh từ năm 2017 đến nay luôn được xếp vào nhóm 10 tỉnh/thành dẫn đầu của toàn quốc.

"Người gác cổng" chăm lo sức khỏe cho Nhân dân.

Mạng lưới y tế xã, phường, thị trấn (gọi chung là y tế xã) là tuyến y tế cơ sở trực tiếp, gần dân nhất, vì thế, được xem là "người gác cổng", đảm bảo công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Đến nay, 100% trạm y tế xã được cài đặt và sử dụng phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm quản lý KCB BHYT. Bước đầu phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử đã được đồng bộ dữ liệu với phần mềm quản lý KCB tại các bệnh viện và đảm bảo liên thông giữa các tuyến từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ người dân được khám, tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 95%. Người dân được quản lý sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình, nên giảm tải cho tuyến trên, tiết kiệm kinh phí cho người dân.

Bác sĩ Hoàng Ái Quốc, trưởng trạm y tế xã Sơn Kim I, huyện Hương Sơn chia sẻ: "Thời gian qua, được sự hỗ trợ của tỉnh, ngành và trung ương, nên trạm y tế đã được nâng cấp về cơ sở vật chất, duy tu xây dựng vườn thuốc nam, đầu tư nhiều trang thiết bị... cán bộ y tế được tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Nhờ đó, chất lượng KCB ngày càng được nâng lên, đáp ứng sự hài lòng của người dân. Mỗi ngày trạm đón tiếp từ 20 đến 30 bệnh nhân đến KCB. Thực hiện tốt các chương trình y tế, nhất là quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm như ĐTĐ và THA. Hiện trạm y tế đang quản lý, điều trị cho hơn 1 nghìn bệnh nhân bị các bệnh không lây nhiễm, trong đó, 616 bệnh nhân THA, 164 bệnh nhân ĐTĐ".

Bệnh viện Đa khoa Thành phố thực hiện giải phẫu bệnh phát hiện sớm bệnh nhân ung thư

Hiện tại có 100% trạm y tế xã thực hiện hiệu quả mô hình quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, các trạm y tế hiện đang quản lý, điều trị cho gần 27 ngàn bệnh nhân THA và gần 3.500 bệnh nhân ĐTĐ.

Bên cạnh những hiệu quả thì y tế cơ sở vẫn còn một số khó khăn, tại một số đơn vị tuyến huyện như Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc… tỷ lệ thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến còn thấp dưới 70%; thiếu đội ngũ bác sĩ có chất lượng cao, chuyên môn sâu; cơ sở vật chất, hạ tầng chật chội, xuống cấp, trang thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán, điều trị chưa đầy đủ, thường xuyên hư hỏng, quy trình sửa chữa chậm. Tại tuyến xã thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến còn thấp (trung bình 50%); thuốc BHYT chưa đủ và chưa đa dạng thuốc; một số trạm y tế chưa có bác sĩ, cơ sở vật chất xuống cấp...

Tích hợp thẻ BHYT cho bệnh nhân trên hệ thống phần mềm HSSK điển tử tại Trạm Y tế Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên

Nhờ có các chính sách, cơ chế của tỉnh, của trung ương nên việc thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân tại tuyến y tế cơ sở có nhiều thuận lợi và hiệu quả, bảo đảm cho người dân trên mỗi địa bàn dân cư có điều kiện được chăm sóc sức khỏe ban đầu với chi phí thấp, hạn chế bệnh nhân chuyển tuyến, giảm tải cho tuyến trên, góp phần thực hiện công bằng xã hội, tạo niềm tin cho Nhân dân.

Thanh Loan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-tinh-phat-trien-y-te-co-so-vi-loi-ich-cua-nguoi-dan-169230918135136639.htm