Hà Nội và quyết tâm 'hồi sinh' những công viên xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng

Sau nhiều năm không được chăm sóc, sửa chữa, nhiều công viên, vườn hoa trên địa bàn Thủ đô hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, gây mất mỹ quan... Trước thực trạng trên, UBND TP Hà Nội đã lên kế hoạch cải tạo, chỉnh trang và đầu tư xây dựng mới các công viên, vườn hoa, qua đó nâng tầm cảnh quan, phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Loạt công viên xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng

Thời gian qua, như Gia đình và Xã hội đã thông tin, sau nhiều nămkhông được chăm sóc, sửa chữa, nhiều hạng mục tại các công viên trên địa bàn TP Hà Nội hiện đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, gây mất mỹ quan, khiến người dân không khỏi ngán ngẩm, tiếc nuối.

Trong đó, tại công viên Bách Thảo (phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội), hơn mười cây xanh cổ thụ như phượng, muồng, bụt mọc, muồng hoa đào, dáng hương ấn,... hiện đã chết khô nhưng chưa được di chuyển hoặc trồng cây mới.

Công viên Bách Thảo (phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) được ví như "lá phổi xanh" của Thủ đô.

Hồ nước trong công viên này hiện cũng đã cạn trơ đáy, một số khu vực đáy hồ cỏ xanh mọc um tùm. Theo công nhân dọn dẹp vệ sinh tại đây cho biết, nước hồ trong công viên đã cạn từ lâu, vì đây là hồ lấy nước hoàn toàn tự nhiên, thời gian qua do ít mưa nên nước hồ đã cạn kiệt.

Một số tác phẩm điêu khắc được thực hiện tại Hội trại sáng tác điêu khắc quốc tế năm 1997 với các chất liệu như gỗ, sắt, gốm, đá,... sau hơn 20 năm trưng bày tại Công viên Bách Thảo đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng chưa được sửa chữa, thay mới.

Công viên Bắc Linh Đàm ((Hoàng Mai, Hà Nội) rộng gần 6.000m2 hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.

Cùng chung cảnh ngộ, tại công viên Bắc Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), với diện tích gần 6.000 m2, từng là điểm đến lý tưởng của người dân trong khu vực. Song hiện nay công viên này đang bị "hoang hóa'" nghiêm trọng, đa số các hạng mục đều hư hỏng, xuống cấp,...

Theo ghi nhận của PV, nhiều đoạn đường ven hồ trong công viên hiện đã nứt vỡ, sụt lún, hệ thống lan can hoen rỉ, hỏng hóc nghiêm trọng do lâu ngày không được sửa sang. Những nắp cống bê tông hở miệng, vỡ nát nằm ở khắp nơi trong công viên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với người dân.

Bà Trịnh Thị Hoa (Hoàng Mai, Hà Nội), người thường xuyên đi bộ, tập thể dục tại đây cho biết cho biết: "Ban ngày còn có người đi tập thể dục, đánh cầu lông,.. chứ ban đêm không ai dám đi, vì đèn không có tối thui, nắp cống vỡ thì nằm rải rác khắp nơi nguy hiểm vô cùng. Công viên rõ đẹp nhưng đang ngày càng bị hoang hóa, ai nhìn vào cũng thấy tiếc nuối".

Khu vực lối đi bộ tại công viên Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) hư hỏng, vỡ nát nhưng chưa được sửa chữa.

Tương tự, tại công viên Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) vốn được xem là niềm tự hào của người dân trên địa bàn quận, bởi hệ thống cây xanh cũng như khu vui chơi trẻ em được đầu tư bài bản, chất lượng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều hạng mục trong công viên đã xuống cấp nhưng chưa được cải tạo, sửa chữa. Các hạng mục như gạch lát nền đường nhiều đoạn bong tróc, vỡ vụn; một số điểm bờ kè hồ bị sạt, một số thiết bị trong nhà vệ sinh bị hư hỏng, cửa nhà vệ sinh rơi gãy. Trong khi đó, hàng chục hạng mục của khu vui chơi trẻ em đắp chiếu, bụi phủ kín.

Gần 900 tỷ đồng được TP Hà Nội đầu tư để cải tạo lại công viên

Trước thực trạngmột số công viên, vườn hoa trên địa bàn xuống cấp, TP Hà Nội mới đây đã lên kế hoạch cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các công viên, vườn hoa, nhằm nâng tầm cảnh quan, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi của nhân dân.

Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, đối với 41/45 công viên, vườn hoa do các quận thực hiện, sau hơn 2 năm triển khai, về cơ bản các quận đã chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai phù hợp với thực tế từng địa phương.

Đoàn khách du lịch Nhật Bản đi bộ tại công viên Nghĩa Đô.

Đến nay, các quận đã hoàn thành cải tạo 14 vườn hoa (đạt khoảng 31% kế hoạch). Trong năm 2024, các quận tiếp tục hoàn thành 16 công viên, vườn hoa (dự kiến đạt khoảng 67% kế hoạch). Đến năm 2025 dự kiến hoàn thành nốt 11 công viên, vườn hoa đạt khoảng 91% kế hoạch.

Đối với 5/45 công viên gồm công viên Tuổi trẻ, thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo Quận Hai Bà Trưng phối hợp với các sở, ngành khẩn trương xử lý các công trình vi phạm, điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 và nghiên cứu thực hiện dự án xây dựng mới.

Những hàng gạch "nhấp nhô" tại lối đi bộ trong công viên Cầu Giấy.

Đối với 7 vườn hoa nằm trong Kế hoạch số 332/KH-UBND về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 (Lê Trực, Vạn Xuân, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, hồ Trúc Bạch, Bãi Nhãn, hồ Giảng Võ), hiện nay đã hoàn thành 6/7 vườn hoa; còn lại vườn hoa hồ Giảng Võ hiện chờ quy hoạch chi tiết khu tập thể Giảng Võ. Các vườn hoa sau cải tạo đều đảm bảo các tiện ích cơ bản phục vụ người dân, tới đây sẽ phối hợp các đơn vị tài trợ lắp đặt wifi miễn phí.

Đáng chú ý, trước đó, HĐND TP Hà Nội cũng đã thông qua chủ trương đầu tư hơn 886 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp lại 3 công viên gồm Công viên Thống Nhất, Công viên Thủ Lệ và Công viên Bách Thảo.

Người dân vui chơi tại công viên Thống Nhất (Đống Đa, Hà Nội).

Cụ thể, thành phố sẽ dành hơn 408 tỷ đồng để cải tạo Công viên Thống Nhất, gần 330 tỷ đồng để cải tạo Công viên Thủ Lệ và gần 149 tỷ đồng để cải tạo Công viên Bách Thảo.

Chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2024-2026. Để đảm bảo an ninh, trật tự, các công viên sẽ được tăng cường, bổ sung biện pháp quản lý như lắp hệ thống camera an ninh, đèn chiếu sáng. Ngoài ra, đầu tư thêm một số hạng mục như chòi nghỉ chân...

Trung Sơn

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/ha-noi-va-quyet-tam-hoi-sinh-nhung-cong-vien-xuong-cap-hu-hong-nghiem-trong-172240418170209879.htm