Hà Nội: từng bước hoàn thiện hệ thống đường vành đai

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Trần Hữu Bảo, cơ quan chức năng của TP Hà Nội đang nghiên cứu các phương án gỡ vướng để từng bước hoàn thiện hệ thống đường vành đai theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuyến đường Vành đai 3 đã được đầu tư đồng bộ cả đường trên cao và dưới thấp. Ảnh: DA

Định hình mạng lưới giao thông đường bộ

Theo Sở GTVT Hà Nội, 7 tuyến đường Vành đai số: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5 là những trục chính, định hình mạng lưới giao thông đường bộ của Hà Nội cũng như Vùng Thủ đô, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô.

Trong đó, tuyến Vành đai 1 có lộ trình: Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Kim Liên - Hoàng Cầu - Voi Phục - Vành đai 2 (đoạn Cầu Giấy - Bưởi). Đây là một trong những trục chính đô thị quan trọng, nhằm kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội. Hiện Vành đai 1 chỉ còn đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục là nút thắt cuối cùng cần tháo gỡ để hoàn thiện, đồng bộ toàn tuyến.

Tuyến Vành đai 2 được xem là cao tốc đô thị với lộ trình khép kín từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - cầu Nhật Tân - cầu Đông Trù - cầu chui Gia Lâm - Đàm Quang Trung - và trở lại cầu Vĩnh Tuy. Vành đai 2 có nhiều đoạn tuyến đi trên cao, cho phép phương tiện giao thông tránh được những khu vực ùn tắc, lưu thông với vận tốc cao ngay trong lòng đô thị trung tâm.

Vành đai 2,5 là tuyến đường bổ trợ, kết nối Vành đai 2 và 3, đi qua Khu đô thị Tây Hồ Tây - Nguyễn Văn Huyên - Trung Kính - Đầm Hồng - Kim Đồng - Lĩnh Nam.

Đường Vành đai 3 đã được đầu tư đồng bộ cả đường trên cao và dưới thấp từ cầu Thanh Trì - Linh Đàm - Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long, trở thành trục chính giao thông đô thị của Hà Nội. Tuy nhiên, Vành đai 3 cũng là tuyến phải gánh chịu lưu lượng giao thông vãng lai từ các tỉnh thành lân cận lớn nhất, gây nhiều áp lực về ùn tắc nhất cho Thủ đô.

Tuyến Vành đai 3,5 là tuyến bổ trợ nằm giữa Vành đai 3 và 4 của Hà Nội, bắt đầu từ đoạn nối vào cao tốc Pháp Vân (thuộc huyện Thanh Trì) - Phúc La (Hà Đông) - đi qua các quận, huyện: Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm - QL32 - cầu Thượng Cát.

Trong số 7 tuyến đường Vành đai, có thể khẳng định, cấp thiết nhất, quan trọng nhất trong bối cảnh hiện này của Hà Nội chính là Vành đai 4. Vành đai 4 là trục đường kết nối 5 tỉnh, thành thuộc Vùng Thủ đô. Trong đó đoạn đi qua địa phận Hà Nội dài 56,5km nằm trên địa bàn 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Hà Đông.

Đường Vành đai 5 có tổng chiều dài 331,5km, được quy hoạch đi qua địa giới 8 tỉnh, TP: Hà Nội; Hòa Bình - Hà Nam - Thái Bình - Hải Dương - Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc. Đoạn qua Thủ đô dài khoảng 48km, nằm trên địa bàn các huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, đến nay mới hình thành được 22km đoạn đi qua thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Thạch Thất.

Định hướng triển khai đầu tư những đoạn tuyến còn lại…

Thống kê cho thấy, trong 7 tuyến đường vành đai trên mới chỉ có tuyến đường vành đai 3 được đầu tư bài bản cả đường trên cao lẫn dưới thấp, có năng lực lưu thông thuộc loại lớn nhất của Hà Nội, bởi vậy áp lực giao thông dồn lên tuyến này rất lớn. Đây đều là những dự án quan trọng, khi hoàn thiện sẽ cho thấy ngay hiệu quả giảm ùn tắc giao thông, tăng cường khả năng thông thương, liên kết trong nội bộ Thủ đô cũng như với các địa phương lân cận.

Mặc dù đã rất nỗ lực, song mạng lưới đường vành đai đến nay vẫn chưa hình thành đồng bộ theo quy hoạch. Thống kê đến nay Hà Nội mới chỉ hình thành được 46,33% hệ thống đường vành đai. Lý giải nguyên nhân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo, kinh phí ngân sách đầu tư rất lớn, chỉ tính riêng đối với hơn 83,26km đang chuẩn bị đầu tư (cho 5 đoạn tuyến của Vành đai 3,5 và Vành đai 4 đoạn qua Hà Nội), vốn đầu tư công cần bố trí khoảng 53.574 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số đoạn tuyến đường vành đai còn lại có khối lượng giải phóng mặt bằng, tái định cư lớn, nhất là đoạn đi qua các khu dân cư hiện hữu, kéo theo kinh phí đầu tư cao; ảnh hưởng không nhỏ đến ổn định xã hội cũng như tiến độ triển khai các dự án…

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo, trước tình hình đó, cơ quan chức năng của TP Hà Nội đang nghiên cứu các phương án gỡ vướng để từng bước hoàn thiện hệ thống đường vành đai theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Căn cứ tình hình thực tiễn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, sắp xếp nguồn vốn đầu tư, Sở GTVT đã đề xuất TP Hà Nội định hướng triển khai đầu tư những đoạn tuyến còn lại của các dự án đường vành đai.

Theo đó, với Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội nghiên cứu, xem xét phân kỳ đầu tư theo hướng đến năm 2025 triển khai trước để hoàn thiện 2 nút giao thông (nút giao với đường Nguyễn Chí Thanh và nút giao với đường Láng Hạ - Giảng Võ). Việc hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án sẽ được tiếp tục thực hiện trong các giai đoạn tiếp theo.

Với Vành đai 2, đề xuất TP Hà Nội xem xét giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội nghiên cứu phương án hoàn thiện đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy, trong đó có cả đường trên cao để làm cơ sở triển khai trong giai đoạn 2026-2030.

Với 14km đường Vành đai 3 chưa hình thành, đề nghị UBND TP Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để triển khai khép kín toàn tuyến.

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường, riêng tuyến đường Vành đai 4, xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia, ngay sau lễ khởi công (tháng 6/2023), chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu và địa phương có dự án đi qua đã quyết liệt triển khai nhiệm vụ.

“Đến nay, dự án cơ bản bám sát tiến độ đề ra. Tại dự án thành phần 2.1 xây dựng đường song hành (đường đô thị) đoạn thuộc địa phận Hà Nội, các nhà thầu đã huy động khoảng 600 kỹ sư, công nhân và hàng trăm máy móc... tổ chức 32 mũi thi công. Dự kiến, đoạn 13km phía Bắc sông Hồng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024. Đoạn 19km thuộc địa bàn huyện Hoài Đức đến giữa năm 2025 cũng sẽ xong đường song hành. Các nhà thầu thi công đoạn khác cũng phấn đấu tiến độ tương tự” –ông Nguyễn Chí Cường cho hay.

Theo Quy hoạch Giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP Hà Nội sẽ có 7 tuyến đường vành đai kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận. Đây được xem là bộ khung định hình mạng lưới giao thông đường bộ của Thủ đô.

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-tung-buoc-hoan-thien-he-thong-duong-vanh-dai-374444.html