Hà Nội: Từ 'Kinh đô văn hóa' đến 'Kinh đô sự kiện'

Không có rừng vàng biển bạc như nhiều địa phương khác trên cả nước, nhưng Hà Nội lại là kinh đô diễn ra sự kiện văn hóa quốc tế nhiều nhất cả nước. Những cuộc 'giao thoa' đến từ các nền văn hóa trên thế giới trong suốt nhiều thập kỷ đã chứng tỏ sức hấp dẫn của mảnh đất kinh kỳ.

Sức quyến rũ mang tên Hà Nội

Sức hút của Hà Nội đã được nói đến rất nhiều, nhưng có lẽ minh chứng rõ nhất khi Hà Nội trong suốt hơn 20 năm qua, Thành phố liên tục nhận được các bình chọn là điểm đến hấp dẫn du khách thế giới.

Năm 1999, Hà Nội vinh dự được tổ chức UNESCO thế giới trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”

Năm 1999, Hà Nội vinh dự được tổ chức UNESCO thế giới trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, do đã đáp ứng được các tiêu chí: Sự bình đẳng trong cộng đồng, xây dựng đô thị, giữ gìn môi trường sống, thúc đẩy phát triển văn hóa - giáo dục; chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu nổi bật của Thủ đô Hà Nội trong tiến trình đổi mới, cũng như khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Năm 2022, hãng tin CNN đã giới thiệu danh sách top 12 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới cho mùa thu 2022, trong đó Hà Nội được coi là "một điểm sáng thú vị" với phong cảnh đẹp và khí hậu dễ chịu.

Năm 2023, Hà Nội lọt top thành phố an toàn nhất Đông Nam Á. Việc Hà Nội lọt top điểm đến an toàn nhất cũng nhờ có sự nỗ lực trong các hoạt động như tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế, mang tầm khu vực, trong đó có Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022; Lễ hội bơi chải thuyền rồng mở rộng,...

Gần đây, chuyên trang du lịch trực tuyến Tripzilla đã đưa Hà Nội vào danh sách "Điểm đến an toàn cho nữ du khách". Theo đó, Hà Nội được nhận xét là điểm đến an toàn với tỷ lệ tội phạm và bạo lực ở "mức hiếm" cùng với đó là sự thân thiện, gần gũi của người dân Hà Nội dành cho du khách. Cũng đầu năm 2023, Hà Nội “sánh vai” với các địa danh Rome (Italy), Paris (Pháp) hay Barcelona (Tây Ban Nha) trong danh sách những điểm đến có nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới, do nền tảng du lịch Tripadvisor bình chọn.

Hà Nội vào danh sách "Điểm đến an toàn cho nữ du khách"

Một điểm nhấn nữa, Hà Nội còn gây ấn tượng bởi kiến trúc độc đáo pha trộn giữa kiến trúc phương Tây và phương Đông, là Thủ đô của Việt Nam và cũng là một thành phố có truyền thống, lịch sử và văn hóa lâu đời.

Hà Nội xứng đáng là điểm tiếp nối của dòng thời gian giữa quá khứ - hiện đại với những công trình, di tích mang tính lịch sử đậm dấu ấn thời gian như Hoàng Thành Thăng Long, Đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa, Chùa Trấn Quốc, Ô Quan Chưởng, Thăng Long tứ trấn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám,... Và ấn tượng hơn nữa là khu phố cổ 36 phố phường với những ngôi nhà và phố xá vẫn lưu giữ lại được dáng vẻ cổ xưa…

Trong khi đó, các công trình mới hơn như Khách sạn Sofitel Metropole, Nhà Hát Lớn... và hàng loạt những điểm tham quan nổi tiếng không thể bỏ qua khi du lịch Hà Nội.

Hà Nội - Thành phố an toàn, con người thân thiện. Người Hà Nội chưa bao giờ là người dân đô thị lạnh lùng, sống thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Đâu đó trong từng con đường, góc phố, dưới nếp nhà truyền thống, những mái ngói trầm mặc rêu phong, nếp sống thanh lịch, lối ứng xử nhã nhặn, thân tình vẫn được người dân Hà Nội lưu giữ, trao truyền qua nghìn năm lịch sử. Đan cài giữa không gian hiện đại được tạo bởi những tòa nhà chọc trời, hệ thống giao thông, các khu đô thị sầm uất.

Điểm đến mang tầm quốc tế

Suốt 4 mùa trong năm, khi bước ra phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, dọc những con đường, người dân Hà Nội hay du khách sẽ thấy những lá cờ đủ màu sắc, quốc gia treo trên các giá cờ của Hà Nội. So với hai mươi năm về trước, thật hiếm thấy những cô gái, chàng trai người Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Anh, Singapore,... trong trang phục truyền thống đi dạo quanh những con phố Hà Nội.

Các bạn trẻ người Hàn Quốc tại lễ hội "Con đường văn hóa hữu nghị Việt - Hàn" được tổ chức cuối năm 2022

Còn giờ đây, người Nhật còn mang cả Lễ hội Hoa anh đào tới Hà Nội và người Hàn mang cả Lễ hội con đường văn hóa Hàn Quốc đến Thủ đô. Còn nhiều lắm những “nốt nhạc” giao thoa giữa văn hóa Việt với văn hóa quốc tế.

Hà Nội - vùng đất đa dạng văn hóa truyền thống hiện đại đan xen, những tác động văn hóa Đông Tây đương đại của thời kỳ hội nhập văn hóa toàn cầu hóa đã làm thay đổi diện mạo các giá trị văn hóa, tạo nên nhiều hình thức hoạt động văn hóa sáng tạo mới. Với sự tham gia tích cực của các ngành công nghiệp văn hóa, các thành phần kinh tế văn hóa, dịch vụ văn hóa phát triển đã làm cho hoạt động văn hóa nghệ thuật trở nên sôi động, trong đó hoạt động sự kiện văn hóa là điểm nhấn nổi bật về sáng tạo những năm gần đây. Hoạt động sự kiện đã tạo ra nhiều hình thức nghệ thuật mới, mang tính thích ứng chuyên nghiệp cao, được công chúng yêu thích, xã hội ghi nhận.

Hoạt động sự kiện văn hóa ở thành phố Hà Nội phát triển nở rộ sau năm 2000 khi kinh tế có những bước tăng trưởng mới, hội nhập sâu rộng hơn với thế giới. Từ sự kiện cá nhân đến các sự kiện của Nhà nước đều được xã hội quan tâm đầu tư bài bản, với phạm vi sự kiện rộng, nhiều hình thức nghệ thuật mới đa dạng từ các nội dung đề tài sự kiện phong phú gồm nhiều lĩnh vực khác nhau: kinh tế, văn hóa, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp, hoạt động phi lợi nhuận...

Lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản ở Hà Nội

Nhiều sự kiện được tổ chức quy mô lớn, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa Hà Nội cũng như Việt Nam như Hội nghị APEC lần thứ 14; SEA Games 31; Chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2019; Sự kiện văn hóa Carnival đường phố Hà Nội 2019; Sự kiện Không gian văn hóa Hàn Quốc tại phố đi bộ Hà Nội với mục đích đẩy mạnh quan hệ hợp tác giao lưu văn hóa, du lịch hai nước nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc; Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021;...

Lực đẩy cho nền công nghiệp văn hóa

Ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, Nghị quyết có mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có thương hiệu, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Mục tiêu đặt ra là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Hoàng Thành Thăng Long - Di sản Văn hóa thế giới

Thành phố tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của Thủ đô như: Du lịch văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Quảng cáo; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Điện ảnh; Thời trang; Ẩm thực; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Truyền hình và Phát thanh; Xuất bản... phù hợp với thực tiễn Thủ đô và từng giai đoạn cụ thể.

Mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hoàn thành rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa vào Quy hoạch Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050; cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu 2 bên bờ sông Hồng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống chỉ tiêu thống kê, triển khai số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu số đảm bảo cho phát triển công nghiệp văn hóa có tính liên thông và chuyên nghiệp; đầu tư, phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao, đa dạng, độc đáo, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa Hà Nội; đầu tư, tôn tạo hệ thống các thiết chế văn hóa, các di tích Quốc gia, di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long..; giữ vững và phát triển thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.

Mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các Thành phố trong khu vực; là “Thành phố sáng tạo” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á.

Nơi hội tụ của nhiều lễ hội

Mục tiêu đến năm 2045, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế. Hình thành một số công trình văn hóa mới cho Thủ đô và Việt Nam, mang tính biểu tượng văn hóa có tầm cỡ khu vực và thế giới.

Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội xác định đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển. công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp, với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo đã giúp Thủ đô xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế. Việc xây dựng thành phố sáng tạo nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị thành phố, nhiều nghị quyết, kế hoạch được ban hành, nhiều hoạt động được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động này phát triển.

Gần 4 năm Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững đang dần được hiện thực hóa. Hà Nội đang từng bước phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực, nhất là khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa và con người, chuyển hóa nguồn lực ấy thành sức mạnh mềm văn hóa, thúc đẩy việc kế thừa, phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-tu-kinh-do-van-hoa-den-kinh-do-su-kien-158010.html