Hà Nội trả lời chất vấn về dự án trên 'đất vàng' gần Hồ Gươm

Giám đốc Sở QHKT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh nêu quan điểm, không phải cứ xây cao tầng ở khu đất 31-35 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) mới là 'điểm nhấn'. Theo ông, kể cả thiết kế đô thị xuống 3 tầng ở đây thì chủ đầu tư cũng phải chấp nhận.

Sáng 9/12, tại phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội, đại biểu Lê Kim Anh đề nghị thành phố yêu cầu chủ đầu tư sớm thực xây dựng công trình trên khu ‘đất vàng’ 31, 33 và 35 Lý Thường Kiệt. Cùng với đó, đại biểu đề nghị công trình trên khu đất này phải đảm bảo quy hoạch kiến trúc theo quy định.

Trả lời đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, khu đất trên có tổng diện tích 2.245m2. Theo ông Tuấn, đây là địa điểm rất đặc biệt, có 3 mặt phố đó là Lý Thường Kiệt – Hàng Bài – Vọng Đức. Khu đất này đang thuộc quyền sử dụng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn. Ảnh: Nguyễn Hợp.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn. Ảnh: Nguyễn Hợp.

Theo ông Tuấn, chủ đầu tư của dự án này đề xuất xây dựng trụ sở Ngân hàng SHB theo quy mô khoảng 45m, tương đương hơn 13 tầng. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, theo quy hoạch khu vực này không được xây quá 8 tầng. Thế nhưng, chủ đầu tư mong muốn đảm bảo quy mô trụ sở nên muốn xây dựng như đề xuất.

Ông Dương Đức Tuấn cho biết, trong các năm 2017 - 2028, UBND TP Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép Ngân hàng SHB xây dựng trụ sở ở khu đất trên với quy mô cao trên 13 tầng.

Sau đó, Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản giao nhiệm vụ cho UBND TP Hà Nội phải thống nhất với Bộ Xây dựng và chủ đầu tư dự án.

Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản trao đổi với UBND TP Hà Nội, tinh thần xác định việc nghiên cứu tạo điểm nhấn ở các công trình tại các giao lộ, ngã tư, dù thuộc khu phố cũ của Hoàn Kiếm.

Trên cơ sở đó, theo ông Tuấn, từ năm 2020, Sở QHKT đã báo cáo UBND thành phố về 2 phương án kiến trúc xây dựng ở khu đất trên. Cụ thể, nếu triển khai theo phương án ‘điểm nhấn’ sẽ phải nghiên cứu thiết kế đô thị tuyến phố Lý Thường Kiệt. Còn nếu chủ đầu tư xây dựng công trình ngay thì phải tuân theo quy hoạch kiến trúc, không được cao quá 8 tầng.

"Chủ đầu tư - Ngân hàng SHB đề nghị theo phương án ‘điểm nhấn’. Vì thế, UBND TP giao nhiệm vụ cho Sở QHKT và quận Hoàn Kiếm nghiên cứu nhiệm vụ thiết kế đô thị từ tháng 1/2021. Dự kiến trong tháng 12/2022 sẽ báo cáo về nhiệm vụ, sau khi thành phố phê duyệt nhiệm vụ sẽ triển khai đồ án thiết kế đô thị", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, tháng 12 trình phê duyệt nhiệm vụ, sớm nhất phải Quý II/2023 mới có đồ án thiết kế. Trên cơ sở quy mô quy hoạch kiến trúc mới xác định được quy mô vào năm 2024. Còn nếu không được cao hơn, công trình tuân thủ theo quy hoạch, căn cứ vào đó triển khai chủ trương đầu tư.

Giám đốc Sở QHKT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh.

Giám đốc Sở QHKT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh.

Cùng vấn đề trên, Giám đốc Sở QHKT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, nhà đầu tư lựa chọn phương án ‘điểm nhấn’ và Sở có hướng dẫn Ngân hàng SHB. Theo lãnh đạo Sở QHKT, hiện chủ đầu tư chưa nộp phương án thiết kế công trình nên Sở chưa rõ quy mô, diện tích cụ thể ra sao.

Về thiết kế đô thị của tuyến Lý Thường Kiệt, ông Nguyễn Trúc Anh cho biết, kể cả thiết kế đô thị xuống 3 tầng thì chủ đầu tư cũng phải chấp nhận, chứ không nhất thiết phải xây 8 tầng ở khu vực này.

“Hiện cũng còn nhiều vấn đề băn khoăn vì phải cứ xây cao tầng là trở thành điểm nhấn”, ông Nguyễn Trúc Anh nói và cho biết đặc thù công trình ở khu đất do SHB làm chủ đầu tư phải hài hòa với không gian kiến trúc trong khu vực.

Ông Nguyễn Trúc Anh cho biết, theo quy trình sẽ phải trình ra hội đồng kiến trúc thành phố, mời các chuyên gia hàng đầu để góp ý, công khai, minh bạch những vấn đề liên quan đến quy hoạch, kiến trúc khu đất 31, 33 và 35 Lý Thường Kiệt.

Quang Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khu-dat-vang-sat-ho-guom-xay-3-tang-chu-dau-tu-cung-phai-chap-thuan-2089288.html