Hà Nội tìm đất xây trường công

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5625, giao UBND quận Hoàng Mai tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết/quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 tại 7 khu đất trên địa bàn quận để xây dựng trường học công lập.

1 trong 7 ô đất trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) sẽ được quy hoạch để xây dựng trường học công lập. Ảnh: Thu Giang.

1 quận thiếu tới 36 trường học

Theo thông tin tại phiên giải trình của thường trực HĐND thành phố Hà Nội về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông, thì Hoàng Mai là một trong những quận đông dân với khoảng 800.000 người. Trong đó, hơn 100.000 trẻ ở độ tuổi đi học, mỗi năm trung bình tăng cơ học khoảng 4.000 trẻ. Do đó, những năm qua, công tác tuyển sinh đầu cấp của quận gặp nhiều khó khăn, bất cập; có trường phải thực hiện bốc thăm cho các cháu mầm non.

3 năm qua, quận Hoàng Mai đã xây mới 23 trường, cải tạo sửa chữa 25 trường để tăng số lượng lớp học. Mặt khác, các trường ngoài công lập có số học sinh theo học chiếm 19% tổng số học sinh trên địa bàn cũng giúp giảm áp lực cho các trường công lập.

Cuối tháng 9 vừa qua, tại kỳ họp thứ 9, HĐND quận Hoàng Mai đã thông qua chủ trương một số dự án đầu tư công trên địa bàn, trong đó có các dự án xây dựng trường học.

Tại thời điểm này, chỉ tính riêng tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) đã có 85 tòa chung cư và 5 tòa đang xây dựng. Còn trong phạm vi toàn quận là 227 tòa chung cư cao tầng và 202 nhà chung cư cũ. Trong khi đó, toàn quận mới chỉ có 89 trường học, trong đó có 59 trường công lập, 30 trường ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu học tập của 98.000 học sinh. Nếu chiếu theo quy định chuẩn về sĩ số học sinh/lớp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì quận Hoàng Mai vẫn thiếu khoảng 36 trường học.

Theo ông Trần Quý Thái - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, quận đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học, khi đã được giao đất.

Nói về vấn đề thiếu trường lớp tại các đô thị lớn nói chung và quận Hoàng Mai của Hà Nội nói riêng, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, quy hoạch đô thị luôn có những chuẩn mực riêng, nếu tuân thủ đúng các chuẩn mực này chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng phụ huynh phải bốc thăm để giành suất học cho con như đã diễn ra tại quận Hoàng Mai. Nếu thực hiện theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật thì sẽ không rơi vào tình trạng bất cập. Còn nếu vẫn tiếp diễn tình trạng quy hoạch sai, các chủ đầu tư hưởng lợi khi có thể xây dựng nhiều nhà chung cư để bán, thì vẫn thiếu đất xây trường học, người dân lại phải gánh chịu hậu quả.

Con theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, tại quận Hoàng Mai, việc thiếu trường lớp không phải do thiếu quỹ đất mà xuất phát từ việc xây dựng không đảm bảo đồng bộ, chỉ chú trọng đến các công trình tạo ra lợi nhuận như nhà chung cư, dịch vụ thương mại. Các công trình hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ thì ít được đôn đốc hoặc có thúc đẩy doanh nghiệp xây dựng thì các đơn vị cũng không mấy “mặn mà”. Do đó, nhiều khu vực đất dành cho quy hoạch xây dựng trường học vẫn chậm hoặc không được giải phóng mặt bằng, không được kiểm soát chặt chẽ.

“Việc đó thuộc về trách nhiệm của cơ quan chức năng. Để giải quyết, cần tăng cường quản lý, có chính sách ưu đãi, huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư, xây dựng trường học” - ông Nghiêm nói.

Thu hồi các dự án “ôm đất” để xây trường

Giữa tháng 7 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đi kiểm tra tiến độ xây dựng trường học công lập đạt chuẩn quốc gia và các dự án đầu tư xã hội hóa trường học chậm tiến độ, chậm triển khai tại quận Hoàng Mai.

Ông Thanh đã kiểm tra thực tế tại các ô đất nhận bàn giao từ Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) để xây dựng trường công lập trên địa bàn phường Hoàng Liệt; kiểm tra tiến độ dự án xây dựng Trường tiểu học - THCS Tân Mai (phường Tân Mai) và một số dự án khác.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Tâm - Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai kiến nghị, UBND thành phố Hà Nội thu hồi 4 ô đất trường học đã được HUD bàn giao nguyên trạng cho quận, làm cơ sở pháp lý giao quận thực hiện và đầu tư. Đồng thời đề nghị thành phố cho phép nâng thêm tầng cao đối với các dự án trường học khi đầu tư xây dựng. Còn theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, quận Hoàng Mai cần dành quỹ đất đầu tư cho trường học vì số lượng trường công lập còn thấp, trong khi tâm lý của phụ huynh học sinh là mong muốn con em được học trường công lập.

Rất đáng chú ý khi ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, quận Hoàng Mai tiếp tục rà soát tổng thể các quỹ đất ở khu đô thị trên địa bàn, chỗ nào còn trống, đất chậm triển khai thì nghiên cứu thu hồi để ưu tiên xây dựng trường học, cố gắng hoàn thành trong năm 2023.

Ông Thanh cũng đồng ý với đề xuất của quận dành 4 ô đất để xây dựng trường học và đề nghị điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp.

Vấn đề đặt ra là Hà Nội tuy “đất chật người đông” nhưng có quá khó đến độ không có đất xây trường học hay không? Được biết, số lớn các dự án “ôm đất” nhưng chậm hoặc không triển khai thời gian vừa qua đã dẫn tới tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực của Thủ đô.

Thành phố đã rà soát tổng cộng 712 dự án chậm triển khai, bao gồm các dự án tới nay chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất và các dự án đã được giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, với tổng diện tích đất được cấp là hơn 5.000ha.

Chủ trương thu hồi các dự án “ôm đất” chậm triển khai để ưu tiên xây trường học của UBND thành phố Hà Nội được ngành giáo dục Thủ đô cũng như dư luận xa hội đánh giá cao. Hy vọng tới đây phụ huynh không còn phải “bốc thăm” chỗ học cho con vào trường mầm non và thí sinh thi vào lớp 10 trường công không phải “chọi” hơn cả thi vào đại học như đã từng diễn ra.

Năm học 2023-2024, Hà Nội chỉ tuyển 55,7% học sinh vào lớp 10 THPT công lập. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 30.000 học sinh phải học trường tư trên tổng số 102.000 thí sinh thi vào THPT. Có ý kiến cho rằng trước áp lực gia tăng dân số, thiếu vốn, thiếu đất xây trường nên cần có lộ trình, thời gian để thu xếp. Nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng trẻ em đến tuổi là phải đi học, đi học thì phải lên lớp, lên lớp rồi phải chuyển cấp. Điều đó có nghĩa là không thể mang “thời gian và lộ trình” ra để chậm trễ trong việc xây dựng trường học.

Ngọc Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ha-noi-tim-dat-xay-truong-cong-10267060.html