Hà Nội thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Nhờ đẩy mạnh phát triển các vùng nông sản chuyên canh sản xuất theo quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, Hà Nội không chỉ có nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho người dân mà còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Theo thống kê từ Sở NN&PTNT Hà Nội, Thành phố đang có 35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 162 vùng chăn nuôi trọng điểm, tập trung. Đây là một trong những lợi thế đưa Hà Nội thành một trong những địa phương có tiềm năng xuất khẩu những mặt hàng nông sản chủ lực trên cả nước.

Nhiều nông sản tiềm năng

Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, toàn xã Văn Đức có 220ha rau an toàn, trong đó, 26,9ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Hiện, ngoài cung cấp cho các siêu thị, chợ đầu mối, các tỉnh lân cận, HTX còn duy trì xuất khẩu 300 - 500 tấn rau an toàn/năm sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc...

Tại HTX Nông nghiệp Đại Thành (Quốc Oai) đang phát triển 160ha trồng cây ăn quả, trong đó có 115ha trồng nhãn. Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cộng với đặc tính nhãn có cùi dày, thời gian thu hoạch muộn hơn các giống nhãn khác từ 30-40 ngày và độ “xuống nước” chậm, cho nên quả chín có thể tự bảo quản trên cây khoảng một tháng mà chất lượng vẫn bảo đảm, không phải sử dụng thuốc hãm.

Chính vì vậy, nhãn chín muộn Đại Hoàng không chỉ là một trong những đặc sản của Hà Nội mà còn được lựa chọn để tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Malaysia, Mỹ, Ba Lan... Đây là những tín hiệu rất quan trọng, bởi sản phẩm vào được thị trường này phải tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu phía nhập khẩu kiểm tra, phát hiện có chất cấm tồn dư trong sản phẩm thì không chỉ lô hàng bị trả về mà cả vùng trồng sẽ bị ảnh hưởng.

Không chỉ rau, nhãn mà đến nay, một số sản phẩm nông sản mũi nhọn của Hà Nội có chất lượng cao đã được xuất khẩu đi các nước gồm: Nhãn muộn Đại Thành (Quốc Oai), gạo hữu cơ Đồng Phú xuất khẩu đi Đức, rau Văn Đức xuất khẩu Hàn Quốc, chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc...

Bên cạnh đó, Hà Nội đã được cấp 16 mã số vùng trồng cây ăn quả và 4 cơ sở đóng gói với công suất 30-50 tấn/ngày/cơ sở phục vụ xuất khẩu. Trong đó, 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 8 mã số cấp cho vùng trồng nhãn.

Ngoài ra, thành phố còn có 1.649 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng trong chương trình OCOP. Trong đó có 20 sản phẩm tiềm năng 5 sao xuất khẩu, 1.098 sản phẩm đạt 4 sao, 534 sản phẩm đạt 3 sao, 1.071 sản phẩm thực phẩm được công nhận OCOP. Đây là một trong những điểm thuận lợi để nông sản của Thành phố tiếp cận, chinh phục thị trường khó tính, đẩy mạnh xuất khẩu.

Nâng cao giá trị

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao các thị trường nhập khẩu cũng như mở rộng đầu ra cho nông đặc sản địa phương, Thành phố đang đẩy mạnh xây dựng các vùng trồng đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm gắn liền với vùng chuyên canh có mã số vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Hà Nội cũng đẩy mạnh xây dựng vùng nông nghiệp hàng hóa an toàn gắn với mã số vùng trồng, đồng thời chú trọng xây dựng chuỗi liên kết, thương hiệu cho mặt hàng nông sản chủ lực, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đặc biệt, thông qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển các HTX, Liên hiệp HTX, Hà Nội đã xây dựng được 141 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, trong đó có 59 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật, 82 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Nhiều HTX đã không ngừng đầu tư để tăng khả năng liên kết, mở rộng cơ hội xuất khẩu theo nhiều hình thức. Tiêu biểu như HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai)… đã đầu tư chăn nuôi theo quy trình khép kín. Ngoài đẩy mạnh tiêu thụ tại các chợ đầu mối, xuất khẩu trực tiếp, HTX còn cung cấp sản phẩm cho hệ thống siêu thị lớn (Coop Mart, AEON…). Đặc biệt, hệ thống siêu thị AEON có mặt ở nhiều nước nên việc đưa sản phẩm vào đây sẽ là cơ hội để nhiều người tiêu dùng nước ngoài biết đến và sử dụng sản phẩm của HTX.

Hay tại HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) đã liên kết được với 2 doanh nghiệp xây dựng chuỗi lúa gạo từ sản xuất đến xuất khẩu, từ đó nâng cao giá trị cây lúa tại địa phương và thu nhập cho người nông dân.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp thành phố, việc phát triển các chuỗi sản xuất và liên kết tiêu thụ đóng vai trò quan trọng, tạo giá trị gia tăng cho nông sản và giúp nông sản Thành phố tiếp cận được với nhiều thị trường khó tính.

Rau quả là một trong những thế mạnh xuất khẩu của Hà Nội.

Rau quả là một trong những thế mạnh xuất khẩu của Hà Nội.

Ông Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội đang có mối liên kết với HTX trên địa bàn Thành phố Hà Nội để xuất khẩu lúa gạo cho rằng, để xuất khẩu được, cần tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn, khuyến khích doanh nghiệp và người dân liên kết với nhau. Để làm được điều này, cần có các mắt xích là HTX để giải quyết vấn đề mặt bằng, pháp lý, đất đai, nguồn lao động, các dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.

Trong chuỗi giá trị này, các chủ thể tham gia (doanh nghiệp, HTX, trang trại, hộ nông dân) được chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, góp phần thiết thực vào việc khẳng định giá trị nông sản của Thủ đô trên thương trường.

Tận dụng thời cơ

Hiện, nhiều vùng sản xuất của Hà Nội đã được cấp các chứng nhận sản xuất an toàn, chứng nhận OCOP, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói... Đây là điều kiện thuận lợi để người dân, HTX, doanh nghiệp tiếp tục nâng chất lượng và mở rộng diện tích để phục vụ xuất khẩu.

Ông Lê Xuân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, việc hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, chủ trang trại đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến những mặt hàng chủ lực phục vụ xuất khẩu là điều cần thiết trong thời buổi hiện nay.

Để làm được điều này cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản theo quy mô sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Ngoài ra, cần hỗ trợ người dân, HTX ứng dụng thương mại điện tử để tiếp cận các thị trường tiềm năng trên thế giới. Ông Nguyễn Thế Lâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh), cho biết nếu được tham gia các lớp tập huấn về thương mại điện tử xuyên biên giới, marketing, HTX sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. “Có những thời điểm, do áp lực thời vụ, ổi chỉ bán được giá 10.000 đồng/kg nhưng nếu xuất khẩu được, không chỉ giá sản phẩm tăng mà áp lực mùa vụ cũng giảm bớt”, ông Lâm chia sẻ.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX mở rộng thị trường xuất khẩu rau, củ, quả, TP.Hà Nội tiếp tục mở các lớp tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản các quy định về bảo đảm chất lượng, kiểm soát thực phẩm xuất, nhập khẩu. Thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền về các hiệp định thương mại, các điều kiện nhập khẩu của các nước để tăng năng lực sản xuất cũng như chất lượng nông sản.

Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, năm 2023, rau quả tiếp tục có nhiều lợi thế xuất khẩu với kỳ vọng kim ngạch sẽ vượt con số 3,34 tỷ USD năm 2022 để cán mốc 4 tỷ USD. Đây cũng là cơ hội để Hà Nội tận dụng nhằm khẳng định giá trị của các loại nông sản trên thị trường quốc tế.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/ha-noi-thuc-day-xuat-khau-nong-san-1093492.html