Hà Nội thay toàn bộ cây già cỗi, trồng cây gì sẽ phù hợp?

Hà Nội sẽ khảo sát, lập kế hoạch thay thế cây già cỗi, cây còi cọc, cong, nghiêng, không đạt yêu cầu thẩm mỹ và kém phát huy tác dụng cải thiện môi trường...

Cây già cỗi sẽ bị thay thế

Dự thảo Quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố, đang được UBND TP. Hà Nội lấy ý kiến đóng góp. Tại nội dung "Kế hoạch đầu tư, phát triển cây xanh sử dụng công cộng đô thị 5 năm và hàng năm", trong dự thảo bao gồm một số nội dung chính như: Khảo sát, lập kế hoạch trồng mới, cải tạo, chỉnh trang cây trên đường phố, trong công viên, vườn hoa và các khu vực công cộng khác của đô thị và các dự án đầu tư xây dựng công trình trong đó có hạng mục cây xanh.

Thành phố cũng sẽ khảo sát, chặt hạ và trồng thay thế cây bị chết, cây có nguy cơ không đảm bảo an toàn, cây có nguy cơ gãy đổ đột ngột. Đặc biệt, Hà Nội sẽ khảo sát, lập kế hoạch thay thế cây bị sâu bệnh không có khả năng điều trị, cây già cỗi, cây còi cọc, cong, nghiêng, không đạt yêu cầu thẩm mỹ và kém phát huy tác dụng cải thiện môi trường; cải tạo cây xanh thuộc danh mục cây cấm trồng trong đô thị.

Cây xanh tạo nên vẻ đẹp của nhiều tuyến phố Thủ đô.

GS.TS Ngô Quang Đê, nguyên giảng viên Đại học Lâm nghiệp cho hay, 3 nguyên nhân khiến cây gãy đổ. Thứ nhất, tuy nhìn cây còn tươi nhưng thân đã mục ruỗng, rễ cũng có dấu hiệu mục. Thứ hai, ngày trước đó trời mưa lớn khiến đất quanh gốc cây bị mềm. Thứ ba, tán cây lớn khiến cây dễ gãy đổ. Việc cây tự gãy đổ là hiện tượng xảy ra hàng năm do đầu mùa mưa, đất mềm khiến độ bám của rễ cây không tốt. Để phòng ngừa tai nạn do cây gãy đổ trong mùa mưa bão, việc thay thế những cây đã quá già cỗi là cần thiết, song không phải là chặt bỏ hết cây cổ thụ mà cần có cách làm khoa học. Không khó để đánh giá tình trạng của cây, bằng cách công nghệ hiện có, việc này rất đơn giản như siêu âm, quan sát đánh giá tình trạng sâu bệnh…

Hiện nay, ở nhiều tuyến đường Hà Nội, trồng cây với kích thước lớn (cây giống đưa trồng đường kính 20 -25 cm, thậm chí có chỗ 30 cm, cây cao 5-7 m), những cây này sau khi trồng có thể sống nhưng hệ rễ sẽ kém rất dễ đổ nếu không được chống đỡ tốt. Ngoài ra, một số nơi cây trồng mới chỉ sau 5-6 tháng thấy cây ra cành lá tươi tốt, dày đặc, đơn vị thi công đã bỏ chống thì chỉ qua một trận bão sẽ đổ la liệt. Một số cây ở nơi khác mới trồng được khoảng 4-5 năm, tán 3-5 m, tán rất dày đặc, cũng không được chống đỡ cẩn. Tất cả những cây này bộ rễ mới chỉ có rễ tơ, nên gặp mưa và gió cũng rất dễ đổ.

Tính đến đặc điểm sinh học của từng loài

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho biết, hiện rất nhiều giống cây mới phù hợp để trồng trong đô thị. Ví dụ cây bàng lá nhỏ có nguồn gốc từ Đài Loan, được trồng ở Việt Nam khoảng 4-5 năm gần đây. Cây sinh trưởng tốt, nhanh, tán lá xanh quanh năm, tạo bóng mát tốt. Tuy nhiên, cây bàng lá nhỏ chỉ phù hợp trồng ở các tuyến phố nhà thấp tầng, trồng tạm thời để lấy bóng mát tầng thấp nhanh, rồi sau này thay thế cây khác thì được. Loại cây này chỉ cao tối đa 15m, tương đương với nhà 4 tầng. Trong khi đó, để tạo bóng mát cảnh quan lâu dài, phải trồng các loại cây cao đến vài chục mét, tạo bóng mát cho những ngôi nhà cao hàng chục tầng.

Nhiều tuyến phố của Hà Nội đẹp nhờ hệ thống cây cổ thụ lâu năm.

"Phố Lò Đúc hay một số tuyến phố khác của Hà Nội có các loài cây như sấu, cây nhội, cây sao… cao đến 30-40m, trồng hàng trăm năm nay vẫn xanh tốt. Đây là những loại cây mang đặc điểm rõ rệt của cây đô thị như tán lá xanh, rễ cọc, trồng lâu năm, ít có khả năng gãy đổ, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu. Khi nghiên cứu cây trồng đô thị phải tính đến khả năng sinh học của từng loài và phải trồng lâu dài, có tầm nhìn theo từng tuyến phố", GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung cho hay.

Việt Nam có cây lộc vừng rất đẹp, mùa hè thì lá sẽ xanh tươi, tới mùa đông chuyển sang xuân, lộc vừng chuyển lá đỏ rất đẹp mắt, sau đó đâm chồi nảy lộc xanh tươi vào mùa xuân. Hay cây sau sau lá đỏ và cây bằng lăng cũng rất đẹp và phù hợp. Việc trồng và loại bỏ cây nào cần được nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng, tránh loại bỏ những cây có giá trị khoa học, văn hóa.

Mỗi tuyến phố nên trồng một loại cây khác nhau

Theo chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp, Hà Nội nên cân nhắc chọn cây bản địa để tạo dấu ấn, tránh lãng phí không cần thiết. Hà Nội nên trồng cây sau sau, đó là cây bản địa, cây tái sinh có sẵn tại nhiều khu rừng của Việt Nam. Trồng cây này vừa dễ kiếm, chi phí thấp lại rất đẹp, đẹp không kém gì phong lá đỏ của Hàn Quốc khi vào mùa rụng lá.

Hà Nội là thành phố có mật độ dân số cao, tốc độ bê tông hóa nhanh, đất dành cho cây xanh, công viên rất ít, vì thế, cần phải lựa chọn những cây có tán, tạo bóng mát, không chỉ trồng cây làm cảnh. Một số loại cây như cây sau sau, lát hoa, nhội... rất phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường của Hà Nội.

Hà Nội đang có những tuyến phố tạo dấu ấn đặc trưng cho Hà Nội như đường Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Hoàng Diệu... đều trồng những cây đặc trưng của Việt Nam như cây sấu, lát hoa, nhội, sao đen... đều do người Pháp trồng, có tuổi thọ hàng trăm năm. Đây đều là những cây bản địa, hoặc những cây đem từ Pháp sang nhưng đã được thuần hóa môi trường Việt Nam, trở thành cây bản địa, có sức sống tốt, có đủ các yếu tố của cây trồng đô thị.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung cho biết có đến vài chục loại cây trồng đô thị là cây bản địa, rất phù hợp để trồng ở các tuyến phố lớn, quan trọng của Hà Nội. Những loại cây người Pháp trồng từ cách đây hàng trăm năm, chúng ta có thể kế thừa bởi chúng có đủ tiêu chí của cây đô thị. Tốt nhất là trồng cây theo tuyến phố, có nghiên cứu cụ thể về quy hoạch từng tuyến phố đó để chọn cây trồng bền vững hay cây trồng tạm thời.

GS.TS Ngô Quang Đê, nguyên giảng viên Đại học Lâm nghiệp cho biết, hiện nay Hà Nội và Sài Gòn đã quản lý cây theo hệ thống GIS, biết số lượng cây cụ thể rồi. Cây nào là lớn, cây nào là bé. Trên cơ sở đó, xem cây nào to, cây nào lớn, cây nào nguy hiểm cao, thì phải rà soát trước chứ không thể chờ đến khi cây đổ mới rà soát.

Hiện do quá trình xử lý những công trình ngầm, những công trình điện hay cấp thoát nước, nhiều khi người ta chặt rễ đi người ta không biết. Nó không làm cho cây chết mà vẫn còn xanh, đến lúc nào đó, rễ cây không bám chắc vào nữa dẫn đến gãy đổ. Khi nhìn thấy cây to thì người ta cắt cành đi, chứ còn mức độ nguy hiểm, kết cấu của cây, rễ cây như thế nào khả năng các công ty quản lý cũng không có nhiều thông tin.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-thay-toan-bo-cay-gia-coi-trong-cay-gi-se-phu-hop-169221024133433127.htm