Hà Nội thành phố vì hòa bình

Là đô thị giữ vị trí và trọng trách đặc biệt, Hà Nội có trách nhiệm lớn trong thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội khu vực đô thị. Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm tạo bước phát triển đột phá trong kết cấu hạ tầng, kinh tế, hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô là thành phố đáng sống của cả nước.

Quận Hoàn Kiếm: Điểm sáng trong phát triển kinh tế

Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành phố; với tinh thần đổi mới, đoàn kết, trách nhiệm và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, năm 2023, quận Hoàn Kiếm đã nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng; đặc biệt những việc khó, vướng mắc đã được Thường trực Quận ủy, Ban Thường vụ Quận ủy kịp thời chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ.

Chia sẻ về kết quả nổi bật Quận đạt được trong năm 2023, ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Quận đã hoàn thành 14/14 chỉ tiêu Thành phố giao (trong đó 5/14 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch); hoàn thành 4/4 chỉ tiêu HĐND quận nghị quyết (trong đó 1 chỉ tiêu vượt kế hoạch). Năm 2023, tổng doanh thu ngành thương mại - dịch vụ của Quận ước tăng 15,7%, đạt 101,8% so với kế hoạch năm 2023; trong đó doanh thu ngành thương mại (chiếm 77,8% tỷ trọng tổng doanh thu thương mại - dịch vụ) ước tăng 15,1%; doanh thu lưu trú - ăn uống tăng 92,6%; doanh thu du lịch tăng 343,7%; doanh thu ngành dịch vụ khác tăng 8,6%. Công tác quản lý thu ngân sách được tập trung chỉ đạo, tổng thu ngân sách trên địa bàn quận ước đạt 16.200 tỷ đồng, đạt 101,7% dự toán, bằng 109,8% so cùng kỳ. Chi ngân sách Nhà nước ước đạt 1.278 tỷ đồng, bằng 105% dự toán Thành phố giao, bằng 93% dự toán Quận giao. Chi giải ngân kế hoạch đầu tư công ước đạt 376,5 tỷ đồng, bằng 133,6% kế hoạch Thành phố giao, bằng 92,3% kế hoạch Quận giao.

Tình hình trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường cũng được Quận duy trì tốt, nhất là trong các đợt cao điểm. Quận duy trì lực lượng tuần tra, xử lý vi phạm trên các tuyến phố; năm 2023 đã kiểm tra và xử phạt 11.183 trường hợp vi phạm với số tiền 11,568 tỷ đồng. Triển khai chỉnh trang, sắp xếp, hạ ngầm đường dây đi nổi các ngõ trên địa bàn. UBND quận chủ trì phối hợp với UBND các quận: Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên nghiên cứu Đề án "Phát triển bãi nổi giữa sông Hồng thành khu công viên văn hóa đa năng" trên địa bàn 4 quận. Triển khai lập Đề án quy gom chung cư cũ trên địa bàn quận; hoàn thành công tác kiểm định nhà chung cư đợt 1. Hoàn thành cải tạo vườn hoa Diên Hồng, vườn hoa Tao Đàn và tiếp tục nghiên cứu phương án cải tạo vườn hoa Lý Thái Tổ, Bà Kiệu, Bác Cổ, Cổ Tân, Hàng Trống; nghiên cứu cải tạo nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn quận.

Công tác quản lý trật tự xây dựng được tập trung chỉ đạo; thực hiện tốt công tác cấp phép xây dựng; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng và xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng. Công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục được triển khai tích cực; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án: Xây dựng Trụ sở Bộ Công an tại 44 Yết Kiêu, Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Cửa Đông tại 36 Nguyễn Văn Tố, Trung tâm văn hóa đa năng quận Hoàn Kiếm tại 46 Hàng Cót, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật phố Chương Dương Độ (đoạn từ nút giao phố Bạch Đằng đến bờ ven sông Hồng); tập trung thực hiện Dự án giải phóng mặt bằng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh Di tích đền Bà Kiệu... Quận Hoàn Kiếm không ngừng phát huy tiềm năng, lợi thế, trở thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò “trái tim” của Thủ đô.

Quận Tây Hồ: Công tác quy hoạch, quản lý đô thị được thực hiện nghiêm

Tây Hồ là nằm trong nội đô, là lá phổi xanh của Thành phố, do vậy công tác quy hoạch, quản lý đô thị luôn được quận quan tâm, triển khai thực hiện nghiêm ngặt nhằm giữ gìn sinh thái. Quận Tây Hồ đã được triển khai khung quy hoạch sớm từ năm 2011, đến nay, tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch phân khu đạt 100%, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đạt khoảng 40%.

Năm 2023, quận Tây Hồ đã được Thành phố phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây, tỷ lệ 1/500 tại lô đất H2CC1; điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Nam Thăng Long giai đoạn III, tỉ lệ 1/500 tại các ô đất quy hoạch ký hiệu NT01, TH02, CT05, CT06 thuộc địa bàn phường Phú Thượng. Quận đã hoàn thiện đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm trục không gian bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500 tại phường Quảng An, quận Tây Hồ; hoàn thành công tác điều chỉnh quy hoạch ô đất công cộng ngõ 28 Xuân La làm cơ sở để xây dựng Trường Tiểu học Xuân La.

Quận tiếp tục triển khai lập quy hoạch chi tiết khu vực Phân khu đô thị sông Hồng đối với 5 phường ngoài đê và giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận phối hợp với UBND các phường thực hiện công tác đo đạc, khảo sát hiện trạng tại khu vực. Đến nay, đã hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/500; được Sở TN& MT Hà Nội xác nhận bản đạt, làm cơ sở để lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết.

Bên cạnh đó, những khu vực thuộc diện quản lý đặc biệt như khu vực bán đảo Quảng An, Hồ Tây; các khu đô thị mới cũng được quận kiểm tra, giám sát thường xuyên và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng quy hoạch được duyệt.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, năm 2023, kinh tế quận Tây Hồ duy trì ổn định và phát triển. Trong đó, năm 2023 tăng 14,6% và tổng thu ngân sách đạt 119% kế hoạch. Sự nghiệp văn hóa - xã hội được quan tâm phát triển toàn diện. Quận quan tâm, đầu tư 56 dự án phát triển công nghiệp văn hóa, với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng; có nhiều mô hình mới cho phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo được chăm lo thường xuyên, với 27/27 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đứng trong Top đầu thành phố. Trên địa bàn quận không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn của thành phố. Chỉ số cải cách hành chính, chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân đứng thứ 4/30 quận, huyện, thị xã của thành phố.

Ông Hoàng Tuấn Anh - Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: Trong thời gian tới, quận sẽ tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông để kết nối trong quận và các khu vực xung quanh. Quận đã đề xuất thành phố cho phép đầu tư các dự án thuộc phân cấp của thành phố như xây dựng tuyến đường ngoài đê sông Hồng, tuyến đường Nguyễn Hoàng Tôn, tuyến đường từ Lạc Long Quân đến Cống Đõ, phường Bưởi.

Sau khi được chuyển giao việc quản lý hồ Tây, quận sẽ hoàn thiện và thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy những giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận theo Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6), để địa danh này thực sự phát triển, trở thành điểm đến văn hóa du lịch tiêu biểu của Thủ đô.

Ông Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: Tây Hồ sẽ đặc biệt chú trọng đến sự cân đối, hài hòa trong việc phát triển hệ thống giao thông, các công trình với sự bảo tồn vẹn nguyên các giá trị thiên nhiên và văn hóa lịch sử của mảnh đất linh thiêng này.

Huyện Thanh Trì: Sẵn sàng trở thành quận văn minh, hiện đại

Trong thời gian qua, để sớm hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì thành quận đến năm 2025, UBND huyện Thanh Trì đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 14/3/2023 về triển khai các bước xây dựng hồ sơ, Đề án thành lập quận và các phường thuộc quận; chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn rà soát tổng thể các dự án theo quy hoạch, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết từng xã, thị trấn để tập trung thực hiện đảm bảo tiến độ đề ra. Căn cứ theo quy định về tiêu chuẩn của Quận (34 tiêu chuẩn), đến nay, huyện đã đạt 30/34 tiêu chí, còn 4/34 tiêu chí chưa đạt (cân đối thu chi ngân sách; trường THPT đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị và công trình xanh). Theo lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì, trở thành quận là mục tiêu phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương. Do vậy, đối với những tiêu chí chưa đạt, huyện Thanh Trì quyết tâm phấn đấu hoàn thành trong thời gian tới. Hiện tại, UBND huyện Thanh Trì đã đưa ra những giải pháp cụ thể, để phấn đấu thực hiện đối với các tiêu chí chưa đạt.

Thanh Trì ngày càng giàu đẹp, văn minh, tiến bộ và vững bước trên con đường đổi mới.

Bên cạnh đó, năm 2023, UBND huyện Thanh Trì đã tập trung lãnh đạo chỉ đạo, hoàn thành đạt và vượt mức 20/20 chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - văn hóa - xã hội. Tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 16.710 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện trên 2.404 tỷ đồng, đạt 100,2% dự toán giao, tăng 9,7% so với cùng kỳ; chi ngân sách ước thực hiện 2.063,8 tỷ đồng, đạt 97,7% dự toán sau điều chỉnh. Tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công ước thực hiện năm 2023 là 1.050,5 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch Thành phố giao, đạt 97% kế hoạch huyện giao sau bổ sung, đảm bảo tỷ lệ giải ngân theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố (trên 95%).

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đạt kết quả nổi bật. Đến nay, Thanh Trì là huyện thứ 2 của Hà Nội có 100% xã NTM kiểu mẫu. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng, quản lý và phát triển đô thị, giải ngân vốn đầu tư công, đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, thu ngân sách, tập trung nguồn lực đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm để thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận theo tiến độ.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chú trọng. Ngành giáo dục đào tạo huyện là đơn vị khối huyện duy nhất được nhận Cờ đơn vị xuất sắc của Thành phố. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Huyện Hoài Đức: Phấn đấu sớm hoàn thành các tiêu chí lên quận

Năm 2023, huyện hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội; tổng giá trị sản xuất ước thực hiện 31.260 tỷ đồng, đạt 100,16% kế hoạch năm, tăng 12,12% so với cùng kỳ năm 2022; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó tỷ trọng thương mại - dịch vụ chiếm 57,23% (đạt 100,06% kế hoạch năm, tăng 14.48% so với cùng kỳ), công nghiệp - xây dựng 39,12% (đạt 100,1%, tăng 10,53% so với cùng kỳ), nông nghiệp 3,65%. Tổng thu ngân sách ước thực hiện 2.074 tỷ, đạt 87,7% dự toán Thành phố và Nghị quyết HĐND huyện giao, tăng 20,6% so với cùng kỳ.

Năm 2023, tổng thu ngân sách của huyện Hoài Đức ước đạt 2.074,68 tỷ đồng, đạt 158,1% dự toán.

Công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, văn minh đô thị được quan tâm, thực hiện tốt. Trọng tâm, UBND huyện đôn đốc việc hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch trung tâm xã; chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, nhất là dự án trọng điểm của Thành phố và huyện.

Huyện tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả theo chỉ đạo của Thành phố về các nhiệm vụ liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Với sự cố gắng, nỗ lực, sự vào cuộc kịp thời, tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận ủng hộ của Nhân dân, huyện đã hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích đất nông nghiệp, số tiền chi trả bồi thường, hỗ trợ gần 1.900 tỷ đồng.

Hiện, công tác di dời mộ chí, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các dự án khu tái địch cư, dự án chỉnh trang, mở rộng, cải tạo nghĩa trang Nhân dân phục vụ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 đang tiếp tục được cả hệ thống chính trị huyện, các xã, thị trấn tăng tốc thực hiện, phấn đấu hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tiếp tục được quan tâm đầu tư, nỗ lực thực hiện. Kết quả, trên địa bàn huyện có thêm 9 xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao; 2 xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu. Gắn với đó, công tác triển khai thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, các tiêu chí còn thiếu đang được tập trung triển khai và từng bước hoàn thiện. Đến nay, huyện đã đạt 27/31 tiêu chí; các xã, thị trấn hoàn thành 266/320 lượt tiêu chí, song cả 20/20 xã, thị trấn đều đáp ứng mức tối thiểu của tiêu chí thành lập phường về cơ sở hạ tầng (10/13 tiêu chí).

Năm 2024, huyện Hoài Đức đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trọng điểm trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí chưa đạt trong thực hiện Đề án xây dựng huyện Hoài Đức thành quận.

Huyện Ứng Hòa: Thay đổi diện mạo nhờ nông thôn mới

Ứng Hòa là huyện thuần nông, khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện được đánh giá là địa phương có điểm xuất phát khá thấp, hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ và xuống cấp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn. Năm 2011, huyện Ứng Hòa có 28/28 xã chưa có đồ án quy hoạch xã NTM; chưa có Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường; Quy hoạch phát triển nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; Quy hoạch phát triển các khu dân cư… Các đường giao thông trục xã, liên xã có tỷ lệ cứng hóa thấp, chưa có hệ thống điện chiếu sáng; hệ thống công trình thủy lợi xuống cấp.

Thế nhưng, nhờ phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, huyện Ứng Hòa đã phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, tập trung các nguồn ngân sách; báo cáo thành phố hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Huyện cũng quán triệt việc bố trí nguồn kinh phí đầu tư trên nguyên tắc tập trung, không dàn trải và bám sát các tiêu chí NTM, nhằm triển khai thực hiện dự án, không để nợ đọng xây dựng cơ bản...

Đến nay, huyện đã có 28/28 xã đạt chuẩn NTM; 6/28 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM. Ngày 24/10/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1224/QĐ-TTg công nhận huyện Ứng Hòa đạt chuẩn NTM.

Diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã thay đổi toàn diện. Thu nhập bình quân đầu người đạt 68,2 triệu đ/người/năm (năm 2023); tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 chỉ còn 0,003%. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là các công trình giao thông được xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Chất lượng công tác y tế, văn hóa, giáo dục được nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo, cụ thể: Có 84/90 trường học đã đạt chuẩn quốc gia; 29/29 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; toàn bộ 145 thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa; cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn được giữ vững, công tác quân sự quốc phòng địa phương được tăng cường, ổn định.

Với những chủ trương, quyết sách đúng đắn, cách làm chủ động, phù hợp, hiệu quả, huyện đã có bước chuyển biến rõ nét, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao, cảnh quan nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp. Nhờ vậy, đã góp phần mở ra cho Ứng Hòa những thời cơ, thuận lợi to lớn để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Khánh Hòa - Tiến Hào

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-noi-thanh-pho-vi-hoa-binh-369263.html