Hà Nội: Thách thức trong phát triển nông nghiệp vùng ven trước nhu cầu đô thị hóa

Những năm gần đây, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhất là các vùng ven của Thủ đô Hà Nội khiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Ngoài mặt tích cực như tạo ra công ăn việc làm mới từ việc chuyển đổi đất đai thì còn nhiều người dân mất đất sản xuất dẫn đến mất việc làm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế.

Diện tích sản xuất ngày càng thu hẹp

Vùng ven đô là vành đai xanh cung cấp, thực phẩm (thịt cá, rau quả xanh, hoa tươi…) cho cư dân nội thành, cho các khu đô thị mới. Sản xuất nông nghiệp tại các vùng này là sinh kế chủ yếu của người dân. Tuy nhiên, với nhịp độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy nhanh, sản xuất nông nghiệp vùng ven đô đang đứng trước nhiều thách thức phải chuyển đổi.

Tuy nhiên, đô thị hóa tăng nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở nhiều khu vực vùng ven ngày càng bị thu hẹp, phát triển thiếu bền vững. Đồng thời tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, không khí… đang đe dọa môi trường sống, sinh hoạt và sản xuất của cư dân nơi đây, như nước dùng cho nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các huyện giáp ranh với khu vực ven như: Từ Liêm, Thanh Trì, Thanh Oai, Chương Mỹ… bị ô nhiễm khá nặng, ảnh hưởng lớn đến nuôi trồng thủy sản, cũng như môi trường sống của người dân các địa phương này.

Chỉ tính riêng, trong giai đoạn 2011-2015, theo thống kê diện tích đất nông nghiệp giảm trung bình 5.500 - 6.000ha/năm, bình quân mỗi năm giảm trên 1000ha; nguyên nhân chính của việc giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp là chuyển sang đất phi nông nghiệp, chủ yếu là đất ở, đất khu công nghiệp và đất giao thông... Trong khi đó, các quy hoạch và kế hoạch phát triển ở Hà Nội thời gian vừa qua như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội các huyện, quy hoạch phát triển nông nghiệp Hà Nội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở các huyện vùng ven đô đến năm 2020 đã những nội dung và tiêu chí cơ bản của phát triển nông nghiệp Hà Nội theo hướng nông nghiệp đô thị, giá trị cao, kinh tế xanh và phát triển bền vững. Các nội dung đó về cơ bản mới chỉ có tính chất thí điểm ở những vùng nông nghiệp chuyên canh đặc thù, chưa được phát triển trên diện rộng, vì vậy, nông nghiệp ven đô chưa được rõ nét, làm giảm vai trò của những vành đai xanh.

Theo GS.TS. Trịnh Duy Luân, Hội Xã hội học Việt Nam, thách thức lớn nhất là ở chỗ, giá trị kinh tế (thông qua hay giá cả) của đất đai (cả đất ở cư lẫn đất canh tác) ở vùng ven đều đang gia tăng hết sức nhanh chóng, đồng thời vẫn rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư phi nông nghiệp và bất động sản. Chẳng hạn như, từ đầu những năm 2000, có những xã của Hà Nội, sau khi trở thành phường, đất đai đã được chuyển từ trồng lúa sang trồng rau, rồi trồng hoa, sang cho thuê đất…. Và cuối cùng là phương án bỏ hoang đợi ngày được chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc được đền bù bởi các dự án khu đô thị mới hay nhà ở thương mại.

Cần tích tụ, tập trung ruộng đất

Theo GS.TS Trịnh Duy Luân, với hình thức, mô hình sản xuất nông nghiệp hiện nay ở các vùng ven đô ở Hà Nội sẽ rất khó để các hộ gia đình đơn lẻ tự mày mò tìm đường đến với việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp cao cấp. Do đó, đất nông nghiệp cần được tập trung và tích tụ, và cần có các nhà đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại xanh và sạch như các tổ hợp nhà kính với trang thiết bị tự động hóa, như ở một số nước.

“Song điều này chỉ có thể nếu chính quyền thành phố, các quận huyện vùng ven đô có các chính sách mời gọi, khuyến khích, tạo điều kiện cho quá trình tập trung tích thu ruộng đất và đầu tư sản xuất theo hướng hiện đại, thay thế cho sự phát triển tự phát của từng hộ gia đình nông dân đang hết sức phân tâm và chưa tìm được hướng phát triển sinh kế lâu bền”, GS.TS Luân nói.

Đồng quan điểm nhiều chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục chính sách đất đai, dồn điền đổi thửa tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện giải phóng nhanh mặt bằng cho các công trình xây dựng, đặc biệt là các khu chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao. Rà soát lại quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch nông thôn mới để xây dựng phương án vùng sản xuất tập trung về cây trồng vật nuôi.

Bên cạnh đó, có thể xây dựng, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp sinh thái  như hoa cây cảnh, rau an toàn, cây ăn quả, chăn nuôi tập trung, lúa cao sản... Theo đó, vùng ven đô, mỗi huyện hình thành vùng kinh tế đặc trưng, kết hợp bố trí lại dân cư với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Hình thành các làng nghề, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với cải thiện điều kiện sống và môi trường nông thôn, hình thành các cơ sở sản xuất kinh doanh theo mô hình nông nghiệp đô thị. Trên cơ sở đó sẽ xác định các sản phẩm mũi nhọn, tập trung ứng dụng công nghệ hiện đại, xây dựng các mô hình công nghệ cao cho phát triển nông nghiệp.

Về vấn đề thị trường, đối với các sản phẩm công nghệ cao, an toàn cần tạo những điều kiện để các sản phẩm này tiếp cận dễ dàng đến tay người tiêu dùng. Cần phải xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, cấp chứng chỉ về chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng biết rõ về xuất xứ nguồn gốc. Nói cách khác, giải pháp thị trường cho nông nghiệp sinh thái ven đô phải nhằm vào thúc đẩy việc sản xuất ra các hàng hóa cảnh quan sinh thái và các sản phẩm nông nghiệp sạch trên cơ sở kích cầu và tạo cung cho các sản phẩm này.

Trường Tuyết

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/tai-nguyen-va-cuoc-song/201710/ha-noi-thach-thuc-trong-phat-trien-nong-nghiep-vung-ven-truoc-nhu-cau-do-thi-hoa-2853255/