Hà Nội: Tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn lao động

Giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện Thanh Oai từ năm 2020 đến nay, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội kiến nghị, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn cung lao động nhằm giải quyết hiệu quả bài toán cung - cầu lao động hiện nay.

Thúc đẩy người lao động ở nông thôn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình cho biết, thực hiện chủ trương, kế hoạch của thành phố, UBND huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giải quyết việc làm cho người lao động. Thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương, nhất là lao động nông thôn trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Từ năm 2020 đến nay, huyện đã giải quyết việc làm thông qua nguồn vốn cho vay Quỹ Quốc gia là gần 5.000 lao động; giải quyết việc làm thông qua việc tuyển dụng của các doanh nghiệp là gần 700 lao động; giải quyết việc làm thông qua hoạt động xuất khẩu lao động hơn 50 người; giải quyết việc làm thông qua đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg gần 700 lao động; tự tạo việc làm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, các làng nghề là hơn 800 lao động.

Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP. Hà Nội khảo sát thực tế tại một số cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Thanh Oai

Cụ thể, để hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động, huyện Thanh Oai đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho các nhóm lao động đặc thù. Khuyến khích tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số ngắn hạn theo hình thức thường xuyên, linh hoạt cho người lao động.

"Đặc biệt, huyện Thanh Oai đã chủ động phát huy, thúc đẩy vai trò và hoạt động của tổ chức công đoàn, các hội nghề nghiệp, để phát triển thành viên, kết nối, chia sẻ trao đổi thông tin giữa người lao động làm việc trong cùng lĩnh vực, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi cho lao động", Phó Chủ tịch huyện Thanh Oai nhấn mạnh.

Đối với việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn, UBND huyện tuyên truyền thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Thông tin đến với các đối tượng bảo đảm đầy đủ, rộng rãi về chủ trương chính sách đào tạo nghề, gắn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các ngành nghề sử dụng trong thị trường lao động; chính sách hỗ trợ cho người lao động học nghề; thông tin tuyển sinh, mã ngành đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo ở địa phương...

Bên cạnh đó, huyện đã tháo gỡ khó khăn, rào cản cho doanh nghiệp, đặc biệt là thủ tục hành chính, UBND huyện có cơ chế cho các doanh nghiệp bảo đảm đầu ra cho lao động sau đào tạo. Khuyến khích doanh nghiệp tại địa phương phát triển, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy người lao động ở nông thôn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Quan tâm tới chính sách khôi phục các làng nghề truyền thống, chú trọng mở rộng, phát triển một số nghề truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao thu hút và giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao đội ở nông thôn.

Nâng cao năng lực dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cũng chỉ ra một số khó khăn như do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhiều lao động bị mất việc làm tạm thời, số lao động được tuyển mới hạn chế. "Vì vậy, chủ yếu là giải quyết việc làm thông qua nguồn vốn cho vay từ Ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội", ông Nguyễn Khánh Bình nêu rõ.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền về dạy nghề, giải quyết việc làm tại một số địa phương chưa được quan tâm sâu sát, chưa phong phú nên một số người lao động nhận thức chưa đầy đủ về công tác chuyển đổi nghề nghiệp và việc làm mới. Các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, nhu cầu tuyển dụng lao động không cao.

Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đề nghị, huyện Thanh Oai cần làm rõ thêm về những chính sách đào tạo nghề; kiến nghị khuyến khích chính sách những lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với địa phương; nêu cụ thể những kết quả đào tạo giải quyết việc làm so với chỉ tiêu...

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình ghi nhận những cố gắng của huyện Thanh Oai trong thực hiện các chính sách về giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương; đồng thời, đề nghị huyện quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất theo chuỗi hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển ngành nghề, triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Cùng với đó, huyện cũng tiếp tục tháo gỡ khó khăn, phối hợp thực hiện đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trọng tâm là lao động nông nghiệp thực hiện thu hồi đất phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, cần tập trung vào nhóm giải pháp nâng cao năng lực dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp, giải quyết việc làm; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác dạy nghề...

"Huyện Thanh Oai cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn cung lao động; thực hiện phối kết hợp đào tạo tại doanh nghiệp, cụm công nghiệp, thu hút nguồn lao động tại chỗ; giải quyết hiệu quả bài toán cung - cầu lao động hiện nay", ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị.

Phi Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-dong/ha-noi-tao-moi-dieu-kien-thuan-loi-de-doanh-nghiep-tiep-can-nguon-lao-dong-i347615/