Hà Nội sẽ xây dựng đô thị hai bên sông Hồng

Trong dự thảo điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô lần này, sông Hồng tiếp tục được xác định là một trong 5 trục phát triển trọng yếu để xây dựng Thủ đô thành thành phố văn hiến – văn minh – hiện đại, là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Thay vì 'quay lưng' vào dòng sông như hiện nay, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được thành phố phê duyệt vào tháng 4/2022 đã đặt nền móng phát triển Hà Nội theo hướng 'nhìn sông, tựa núi'.

Ước mơ xây dựng thành phố bên sông Hồng đã được Hà Nội ấp ủ từ vài chục năm nay. Gần nhất, giai đoạn 2007 - 2009, nhà đầu tư Hàn Quốc đề xuất xây dựng Thành phố sông Hồng, quy hoạch đô thị 40km đoạn qua Hà Nội, trị giá hơn 7 tỷ USD. Dự án được đưa vào quy hoạch chung Thủ đô trong bối cảnh Hà Nội mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008. Tuy nhiên, đến nay các dự án đều chưa thành hiện thực.

"Phải hiểu cho đúng là phát triển đô thị không có nghĩa là xây dựng công trình cao tầng. Phát triển đô thị rất có thể là hành lang xanh, một khu vực công viên cây xanh để không phải chỉ xây đô thị để ở. Hai bên sông Hồng là để phục vụ phát triển du lịch và không gian cảnh quan", TS. KTS Vũ Hoài Đức - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, nhấn mạnh.

Theo đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, thành phố Hà Nội định hướng phát triển hai thành phố trực thuộc Thủ đô là Thành phố Bắc sông Hồng bao gồm ba huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh và Thành phố phía Tây Hà Nội gồm khu Hòa Lạc - Xuân Mai. Hai thành phố này sẽ gắn với 5 trục phát triển, trong đó có trục không gian sông Hồng.

Đóng góp ý kiến cho Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, theo các chuyên gia, điểm chung tạo nên thành công cho đô thị ven sông ở tất cả các quốc gia là khâu quy hoạch. Do vậy, để phát huy được giá trị của sông Hồng phải hướng tới sự cân bằng giữa yếu tố nhân tạo và tự nhiên, bảo đảm nét hài hòa trong kiến trúc cũng như kết nối dòng sông với lợi ích chung của toàn xã hội.

Bà Trần Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Bộ Xây dựng cho biết: "Lâu nay chúng ta chưa quan tâm, không dành nguồn lực nên định hướng quy hoạch theo Quyết định 1259 của Thủ tướng trước đây dở dang trong thời gian qua. Lần này, tôi nghĩ rằng chúng ta đang hướng tới một mô hình và cấu trúc mới, đó là xây dựng “thành phố trong thành phố” và đặc biệt là chúng ta đã dùng không gian mở như không gian hai bên bờ sông Hồng để tạo thành những điểm nhấn trong định hướng lần này."

KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nói: "Nếu quy hoạch này thành công sẽ tạo nên một hình ảnh hoàn toàn mới về sông Hồng. Sau khi có quy hoạch xong, phải có một quy chế quản lý quy hoạch. Và quy chế quản lý quy hoạch này, tôi đề nghị có một ban chỉ đạo riêng cho toàn bộ quy hoạch; không chỉ quận nào quản lý quận đấy mà phải có ban chỉ đạo của thành phố chỉ đạo việc đó. Và chỉ đạo việc đó, ngoài quy hoạch ra còn dự án, quy hoạch chi tiết vào cuộc. Quy hoạch chi tiết rồi, thì các nhà thầu vào cuộc, hoặc là các nhà đầu tư vào cuộc".

"Nhìn sông, tựa núi” và theo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô lần này, sông Hồng tiếp tục được định hướng là trục xanh, cảnh quan trung tâm và phát triển đô thị hài hòa hai bên sông - một nhân tố không thể thiếu kết nối Hà Nội xưa – Hà Nội nay và Hà Nội của tương lai./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ha-noi-se-xay-dung-do-thi-hai-ben-song-hong-199539.htm