Hà Nội quyết tâm không để xảy ra đỉnh dịch sốt xuất huyết lần thứ hai

NDĐT – 80% số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm, từ 500 ca xuống còn hơn 100 ca/ngày. Đây là con số giảm ngoạn mục của Hà Nội nhờ gần tám tuần triển khai tích cực công tác phòng chống sốt xuất huyết, kể từ thời điểm dịch bệnh này bùng phát bất thường tại thủ đô.

Sốt xuất huyết được kiểm soát tại Hà Nội

Hà Nội trở thành tâm điểm của dịch sốt xuất huyết những ngày tháng 8. Thời điểm ấy, số ca bùng phát tăng nhanh theo cấp số nhân, các ổ dịch mới liên tục được cập nhật, số ca mắc nặng phải nhập viện điều trị tăng với nhiều tuýp SXHD mới và nhiều biến chứng mới. Ngành y tế như ngồi trên chảo lửa về tình trạng sốt xuất huyết ngay trên địa bàn thủ đô vào những ngày đầu dịch.

Theo con số thống kê của Nhân Dân điện tử, nếu như những ngày đầu tháng 5, Hà Nội mới có vài trăm ca mắc, thì tới khoảng giữa tháng 8, con số này đã lên tới hơn 16 nghìn ca mắc và không có dấu hiệu thuyên giảm.

Hà Nội đã họp giao ban hằng tuần về sốt xuất huyết. Tất cả các biện pháp từ việc nghiên cứu véc tơ truyền bệnh, tìm ra nguồn lây lan dịch bệnh cũng như các biện pháp giảm tải tại các cơ sở khám, chữa bệnh đã được tính toán ở nhiều phương án. Hà Nội nêu cao quyết tâm dập dịch sốt xuất huyết.

Và có thể nói, sau bảy tuần liên tiếp tích cực triển khai các hoạt động phòng chống dịch, số mắc sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội đã giảm 80%, từ 500 ca xuống còn hơn 100 ca/ngày.

Tính đến ngày 7-10-2017, số mắc ghi nhận chỉ còn hai con số, là 95 ca. Số mắc không chỉ giảm mạnh mà còn giảm tương đối đều ở tất cả các quận, huyện trong thành phố. Hai quận cao nhất là Hoàng Mai và Hà Đông cũng chỉ còn hơn 10 ca/ngày, các quận, huyện khác rải rác vài ca hoặc không ghi nhận thêm ca mắc mới.

Để đạt được kết quả trên, chính quyền các cấp, ban, ngành và người dân toàn thành phố đã cùng chung sức chung lòng, tập trung phòng chống dịch trên mọi “mặt trận”: từ ngăn ngừa, giám sát, truyền thông, tập huấn, đến điều trị, xử lý ổ dịch, phun thuốc,…

Ngay từ những ngày đầu tháng 4, Ban Chỉ đạo chống dịch Bộ Y tế đã liên tục theo sát tình hình diễn biến dịch, tham mưu cho chính quyền thành phố, huy động toàn bộ lực lượng cần thiết, thành lập gần 40 nghìn đội xung kích diệt bọ gậy với gần 80 nghìn người tham gia, tổ chức phun dịch trên diện rộng, trang bị 40 máy phun cầm tay và 30 máy phun công suất lớn trên ô tô để nhanh chóng đáp ứng phòng chống dịch.

Theo Cục Y tế dự phòng, các hoạt động giám sát véc tơ cũng đã được triển khai quyết liệt theo các quy định của Bộ Y tế, bao gồm: Giám sát bọ gậy thường xuyên tại tất cả các quận, huyện (BI, chỉ số nhà có bọ gậy, chỉ số dụng cụ chứa nước có loăng quăng, bọ gậy); Giám sát ổ lăng quăng, bọ gậy nguồn; Giám sát độ nhạy cảm và thử sinh học của muỗi đối với các hóa chất diệt côn trùng; Giám sát tác nhân vi rút dengue gây bệnh sốt xuất huyết trên muỗi; Giám sát trọng điểm véc tơ. Công tác giám sát được thực hiện thường xuyên, liên tục bởi các nhóm chuyên gia dày dạn kinh nghiệm của thành phố.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, đối với công tác xét nghiệm, trung tâm đã triển khai xét nghiệm nhanh phát hiện sớm ổ dịch (NS1), giám sát huyết thanh học (ELISA), vi rút (Sinh học phân tử PCR) một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Về hệ thống điều trị trên địa bàn Hà Nội, từ bệnh viện/phòng khámT.Ư đến TP, quận, huyện, trong và ngoài công lập đã tích cực triển khai công tác tập huấn, khám bệnh, theo dõi, tư vấn và điều trị tại bệnh viện và tại nhà, tiếp nhận điều trị những ca nặng một cách chủ động, tạo thuận lợi cho người bệnh trong công tác khám và chữa bệnh. Ngoài ra, nhiều nơi chủ động mở thêm các phòng khám, triển khai thêm giường bệnh, mở thêm các khoa mới để thu dung bệnh nhân.

Khi tình hình dịch gia tăng, từ 1-8, thành phố đã thành lập Đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch SXH và Tổ giám sát phòng, chống dịch SXH tại tất cả các xã, phường với thành phần gồm tổ dân phố, cán bộ hội phụ nữ, cán bộ đoàn thanh niên, tổ công tác mặt trận và một số cán bộ khác. Ngoài ra, thành phố đã huy động thành công các lực lượng như công an, bộ đội, dân phòng,…

Đặc biệt, chiến dịch Vệ sinh môi trường được chú trọng trên toàn bộ địa bàn thành phố. Ngay từ tháng 5, thành phố đã tổ chức triển khai hai chiến dịch vệ sinh môi trường và các hoạt động nhân ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết dengue 6-5-2017. Sau đó hàng tháng các chiến dịch vệ sinh môi trường tiếp tục được triển khai trên toàn thành phố.

Hóa chất phun trong những chiến dịch lần này được phun đúng kỹ thuật, đúng nồng độ và đúng chủng loại, tuân thủ đầy đủ quy trình và kỹ thuật phun ULV. Hóa chất diệt muỗi đã được kiểm định có hiệu quả cao trong diệt muỗi (95-97% hiệu quả diệt muỗi).

Hà Nội quyết tâm không để xảy ra đỉnh dịch lần thứ hai

Tuy số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội có dấu hiệu giảm nhưng vẫn đang là giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết vì theo chu kỳ, tháng 10, tháng 11 mới là đỉnh của dịch. Bên cạnh đó, chung quanh Hà Nội, một số địa phương như Hà Nam, Nam Định, dịch đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh, sự di chuyển, giao thương giữa Hà Nội với các vùng miền này rất lớn, do vậy việc dịch bùng phát trở lại là hoàn toàn có thể xảy ra.

Đặc biệt, cuối năm nhu cầu di chuyển giữa các vùng miền trên cả nước rất lớn, nếu người dân chủ quan, không quyết liệt trong việc diệt bọ gậy, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi… sẽ tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh hơn dẫn đến dịch bùng phát trở lại.

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm nhấn mạnh: “Để phòng chống dịch, phải tiến hành tổng thể các biện pháp từ phun hóa chất, diệt bọ gậy, tuyên truyền biện pháp phòng dịch, không xem nhẹ biện pháp nào. Lãnh đạo TP Hà Nội quyết tâm không để xảy ra đỉnh dịch lần thứ hai vào thời gian tới, do vậy TP đã yêu cầu các quận, huyện cần chú trọng hơn việc phun hóa chất và diệt bọ gậy. Ngay từ đầu tháng 10, TP đã bổ sung cho các quận, huyện 200 máy phun hóa chất đeo vai để đáp ứng nhu cầu phun thuốc phòng dịch”.

Thành phố sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch và tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống giám sát, cảnh báo, đáp ứng nhanh,… để giảm tối đa các ca mắc mới, bảo vệ sức khỏe của người dân thành phố. Để ngăn chặn dịch thành công, ngành y tế cũng khuyến khích người dân không nên chủ quan, tiếp tục kiểm tra, vệ sinh các dụng cụ chứa nước trong nhà, ngăn ngừa loăng quăng, bọ gậy, tự phòng tránh muỗi đốt, tiếp tục phối hợp với cán bộ y tế và chính quyền trong các hoạt động phòng chống dịch.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/34433302-ha-noi-quyet-tam-khong-de-xay-ra-dinh-dich-sot-xuat-huyet-lan-thu-hai.html