Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa gắn với 'Thành phố sáng tạo'

TP Hà Nội luôn chú trọng gắn kết giữa phát triển các ngành CNVH với xây dựng và định vị thương hiệu 'Thành phố sáng tạo'.

Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022, của Thành ủy Hà Nội “Về phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định quan điểm phát triển CNVH góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đưa Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới.

Do đó, TP Hà Nội luôn chú trọng gắn kết giữa phát triển các ngành CNVH với xây dựng và định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

Nổi bật thời gian qua, Hà Nội có nhiều không gian sáng tạo đa lĩnh vực, trong đó có những trung tâm tập trung vào lĩnh vực thiết kế sáng tạo như VICAS Arts Studio (Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam); Heritage Space (không gian nghệ thuật đương đại và sáng tạo); Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD; Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA)…

Bảo tàng Hà Nội là một trong những công trình xanh, sáng tạo độc đáo của Hà Nội. Ảnh: Nam Nguyễn

Mặt khác, tại các không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, không gian bích họa phố Phùng Hưng, không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn diễn ra nhiều hoạt động trình diễn văn hóa sôi nổi, độc đáo.

Theo thống kê mới nhất của Sở VH&TT công bố trong tháng 10/2023, Hà Nội hiện nay có 124 không gian sáng tạo, trong đó 33 không gian thuộc sở hữu Nhà nước, 82 không gian thuộc sở hữu DN tư nhân hoặc cá nhân; 6 không gian công cộng, 21 không gian văn hóa di sản/sáng tạo, 10 không gian giáo dục; 10 bảo tàng, 11 làng nghề thủ công; 16 DN sáng tạo, 24 không gian nghệ thuật, 4 không gian trực tuyến; 24 không gian sáng tạo bao gồm: thư viện, phòng tranh, cà phê, không gian làm việc chung.

Điều này mang đến cho TP những ưu thế to lớn trong khả năng kết nối cộng đồng sáng tạo, lan truyền cảm hứng sáng tạo cũng như làm giàu bản sắc, sức hấp dẫn cho đô thị trên nền các giá trị truyền thống.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn xây dựng và triển khai chương trình hành động trung, dài hạn với nhiều nội dung như kiến tạo Trung tâm thiết kế sáng tạo; thiết lập dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo...

TP đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối các chính sách của TP với thúc đẩy sáng tạo như: tọa đàm hợp tác công - tư thúc đẩy sự phát triển không gian văn hóa sáng tạo tại Hà Nội; xây dựng các chương trình, dự án nuôi dưỡng tài năng, kích thích năng lực sáng tạo; tổ chức các sự kiện văn hóa và thiết kế quy mô lớn như: LHP quốc tế Hà Nội (HANIFF); tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam Thu - Đông, các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ; các lễ hội văn hóa - nghệ thuật...

Mới đây nhất, ngày 2/10, Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Chương trình Định cư con người Liên Hợp quốc (UN - HABITAT) tổ chức Hội thảo “Tham vấn về Mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội”. Hội thảo nhằm giới thiệu tầm nhìn Mạng lưới các không gian sáng tạo tại Hà Nội, là cơ sở để đánh giá, phân loại các không gian sáng tạo trên địa bàn từ lĩnh vực, loại hình… đến đơn vị, mục tiêu hình thành, phát triển mô hình.

Đây cũng là dịp tham vấn ý kiến các chuyên gia, tổ chức quốc tế, đại diện không gian, người thực hành sáng tạo để hoàn thiện Bộ tiêu chí phân loại, đánh giá không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội; sự phối hợp, hỗ trợ giữa các bên liên quan, từ đó huy động sự tham gia hình thành Mạng lưới các không gian sáng tạo tại Hà Nội ngày càng hiệu quả vì mục tiêu phát triển các ngành CNVH của Thủ đô.

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-gan-voi-thanh-pho-sang-tao.html