Hà Nội nỗ lực kiểm soát ô nhiễm nước sông Cầu Bây

Có nhiệm vụ quan trọng trong tiêu thoát lũ và cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên những năm gần đây, sông Cầu Bây ngày một ô nhiễm nặng. UBND TP Hà Nội đang tập trung chỉ đạo quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp nhằm sớm khắc phục tình trạng này.

Đời sống kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng

Nhiều năm trước, ông Lê Ngọc Hà chuyển từ phố Khâm Thiên (quận Đống Đa) về Tổ 1 phường Sài Đồng (quận Long Biên) sinh sống. Đó cũng là những tháng ngày ông phải tập quen dần với việc chung sống cùng mùi nước thải từ sông Cầu Bây.

“Những ngày trời nắng nóng hoặc nồm ẩm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ sông Cầu Bây khiến chúng tôi đau đầu, chóng mặt. Lo nhất là mấy đứa cháu còn nhỏ mà suốt ngày hen suyễn, ốm đau lặt vặt...” - ông Lê Ngọc Hà bộc bạch.

Sông Cầu Bây đoạn chảy ra địa phận xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm).

Xuôi về cuối nguồn sông Cầu Bây, nơi dòng nước ô nhiễm đổ vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải qua cống Xuân Thụy (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm), có thể nhìn thấy rõ sự khác biệt của hai dòng nước. Dọc sông Bắc Hưng Hải đoạn gần cống Xuân Thụy, những dãy nhà thấp tầng vắng bóng người ở. Một số ngôi nhà lụp xụp được lao động tự do di cừ từ các tỉnh đến thuê, ở trọ tạm bợ.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, sống ven sông Cầu Bây cho biết, tình trạng ô nhiễm sông Cầu Bây bắt đầu xảy ra từ 20 năm nay. “Ngày xưa người ta hay nói, nhất cận thị, nhị cận giang. Giờ thì ở đây hầu như cả ngày, người người nhà nhà đều phải “cửa đóng then cài”, cũng không buôn bán, kinh doanh được gì vì con sông phía trước bị ô nhiễm…” - ông Vĩnh cho hay.

Theo tìm hiểu, sông Cầu Bây chảy qua 6 phường của quận Long Biên (Sài Đồng, Việt Hưng, Phúc Đồng, Gia Thụy, Phúc Lợi, Thạch Bàn với dân số 115.322 người) và 4 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm (Trâu Quỳ, Đông Dư, Đa Tốn, Kiêu Kỵ với dân số 65.377 người).

Con sông cũng có nhiệm vụ tiêu thoát nước cho 6.326ha lưu vực quận Long Biên và huyện Gia Lâm, đồng thời làm nhiệm vụ trữ nước tưới cho khoảng 400ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm. Chính vì vậy, việc dòng sông bị ô nhiễm gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven sông.

Triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp

Theo thống kê của từ các sở ngành của Hà Nội, hiện nay có 28 điểm xả nước thải sinh hoạt từ khu dân cư trực tiếp ra sông Cầu Bây với lưu lượng khoảng 50.000 m3/ngày đêm, trong đó lượng nước thải từ khu dân cư cũ hầu như chưa được thu gom, xử lý.

Ngoài nước thải sau xử lý của 2 khu công nghiệp, sông Cầu Bây còn gánh thêm nước thải từ các làng nghề, cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp thải ra. Đây là những nguồn thải chính gây ô nhiễm dòng sông này.

Một đoạn sông Cầu Bây đoạn qua huyện Gia Lâm đã được nạo vét.

Đáng chú ý, sông Cầu Bây hiện được xem là một trong những tác nhân gây ô nhiễm hệ thống Bắc Hưng Hải - công trình thủy lợi có vai trò rất quan trọng, phục vụ đa mục tiêu (sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh và dân sinh) cho 4 tỉnh, TP: Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương.

Nhằm sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm trên sông Cầu Bây, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã ký ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND về kiểm soát, xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030.

Theo đó, Hà Nội dự kiến tổ chức triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp. Trọng tâm là ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, đảm bảo nước thải phát sinh trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm được thu gom, xử lý toàn bộ, đáp ứng quy chuẩn môi trường.

Hà Nội cũng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý các nguồn thải ra hệ thống sông Cầu Bây. Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch quản lý, kiểm soát, giám sát đối với từng nguồn thải theo nguyên tắc cấp nào, đơn vị nào phê duyệt, cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn thải (giấy phép môi trường) thì cấp đó, đơn vị đó phải quản lý, kiểm soát, giám sát được nguồn thải đã cấp phép. Kiên quyết không cấp phép đầu tư, cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án, cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; phòng, chống tội phạm về môi trường và xử lý vi phạm về môi trường đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào sông Cầu Bây và các sông nhánh thuộc hệ thống; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến cho biết, thực hiện Kế hoạch số 90/KH-UBND của UBND TP, hiện nay, đơn vị đang xây dựng kế hoạch để tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện hiện trạng, hiệu quả sử dụng công trình thủy lợi; xây dựng dự án, kế hoạch, bố trí nguồn vốn và tổ chức thực hiện việc nạo vét, sửa chữa, nâng cấp công trình trên sông Cầu Bây.

Cùng với đó, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội vận hành công trình thủy lợi sông Cầu Bây theo đúng quy trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác duy tu, duy trì hệ thống sông Cầu Bây theo đúng quy định, đảm bảo dòng chảy thông thoáng.

Sông Cầu Bây nằm trong đê hữu sông Đuống, có chiều dài khoảng 12,5km, là con sông thoát nước chính chảy qua địa bàn quận Long Biên (khoảng 5,5km) và huyện Gia Lâm (khoảng 7km). Thượng lưu của sông là hồ Kim Quan (địa phận phường Việt Hưng, quận Long Biên) và hạ lưu là sông Bắc Hưng Hải tại cửa xả đập Xuân Thụy (địa phận xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm).

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-no-luc-kiem-soat-o-nhiem-nuoc-song-cau-bay.html