Hà Nội: Những dòng sông vẫn 'chết' dù nỗ lực hồi sinh

Sau nhiều năm, dù tập trung cải tạo nhưng 4 dòng sông phía Tây của Hà Nội bao gồm: sông Tô Lịch, sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ vẫn ngày càng ô nhiễm.

Sông Tô Lịch được gọi là dòng sông chết do nguồn nước ô nhiễm nặng. Đoạn sông lộ thiên chỉ còn khoảng gần 14km.

Mỗi ngày dòng sông này phải nhận trực tiếp hơn 160.000 m3 nước thải sinh hoạt của hàng triệu cư dân thành phố. Toàn tuyến trước đây có 280 cửa nước xả thải trực tiếp ra sông, phần lớn nước không qua xử lý khiến dòng sông ô nhiễm rất nặng.

Rất nhiều đoạn chảy khu vực nội thành Hà Nội chất thải ô nhiễm tạo thành các bãi bồi ngăn cản dòng chảy thoát nước...

Từng là “rốn" thoát lũ phía Tây của Thủ đô, dù bao nỗ lực nhưng những dòng nước “chết" trên sông Nhuệ bao nhiêu năm vẫn chẳng thể nào hồi sinh.

Tại khu vực cầu La Khê (Hoài Đức), đây vốn là một nhánh của sông Nhuệ có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Nước xả ra từ các ống dẫn của khu dân cư có màu xanh lờ lờ, hòa vào dòng nước đen ngòm sẵn có của dòng sông tạo ra một màu nước mà nhìn mắt thường cũng biết không sinh vật nào có thể sống được.

Thời tiết nắng nóng, các dòng sông cũng đang vào thời điểm cạn nước nhất trong năm. Điều kiện ấy khiến các dòng sông vốn đã rất ô nhiễm nay lại càng bốc mùi hôi nồng nặc.

Xuôi theo dòng sông Nhuệ, tình trạng nước ô nhiễm xả thải ra dòng sông vô cùng nghiêm trọng. Nước ô nhiễm ngấm vào bãi đất nhuộm đỏ cả một bờ sông.

Thực tế, tình trạng ô nhiễm môi trường tại sông Nhuệ đã diễn ra từ hơn hai chục năm nay. Những dòng nước thải đủ màu sắc, bốc mùi hôi thối do chưa qua xử lý xả trực tiếp ra đang tiếp tục "bức tử" dòng sông.

Sông Đáy có chiều dài khoảng 240km là phân lưu của sông Hồng chảy qua Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ tại Cửa Đáy. Dòng sông bị ô nhiễm phần lớn do nước thải của các làng nghề khu vực thượng nguồn như xã Đại Tảo, Tân Phú (Quốc Oai), và xa hơn là Dương Liễu, Cát Quế (Hoài Đức), những nơi có nghề sản xuất miến dong, miến đao truyền thống.

Bùn nổi thành ụ cao dọc sông Đáy tại khu vực Biên Giang (Hà Đông). Cũng như các con sông khác ở nội thành Hà Nội, dòng nước đen và bốc mùi hôi thối là đặc trưng của dòng sông này.

Càng xuôi dòng, mức độ ô nhiễm càng tăng lên. Còn vào dịp cuối năm hanh khô, dòng sông thực sự là nỗi kinh hoàng của bà con nơi đây: nước lờ lờ một màu đen và bốc mùi khủng khiếp.

Người dân xả rác vô tội vạ ra sông Đáy (đoạn chảy qua địa bàn xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội) ngoài việc gây ra ô nhiễm môi trường nước, dòng chảy bị cản trở khiến nước thoát rất chậm.

Hiện trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có khoảng 2.521 nguồn thải, trong đó, 1.672 nguồn thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh; 126 nguồn thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 137 nguồn thải từ các cơ sở y tế (bệnh viện), 586 làng nghề.

Sông Tích là dòng sông ít bị ô nhiễm nhất tại các sông khu vực phía Tây Hà Nội. Màu nước trở về màu phù sa, tuy nhiên trên mặt nước vẫn còn nhiều rác thải sinh hoạt, váng dầu loang và xác động vật chết.

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ tập trung tham mưu xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các Đề án về môi trường nước, môi trường không khí (Đề án phục hồi chất lượng môi trường nước và phát triển hệ thống 4 sông trong nội đô, gồm Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét); Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn 2021-2025; sông Cầu Bây - Bắc Hưng Hải; Đề án bảo vệ môi trường làng nghề…); phối hợp với Sở Xây dựng đề xuất các giải pháp cụ thể.

Phùng Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ha-noi-nhung-dong-song-van-chet-du-no-luc-hoi-sinh-post1552891.tpo