Hà Nội nhiều bất cập trong khống chế dịch sốt xuất huyết – Bài 2: Chưa 'trúng đích', diệt bọ gậy kém hiệu quả

Hà Nội đã thành lập hơn 26.000 Đội xung kích diệt bọ gậy với sự tham gia của 63.119 người. Tuy nhiên, thực tế, tỷ lệ đội viên tìm và diệt được bọ gậy thấp hơn rất nhiều so với mong đợi.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra việc diệt bọ gậy ở hộ gia đình nằm trong ổ dịch đội 6, thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín. Ảnh: SYT.

Dịch “nóng”, Đội xung kích "vừa học, vừa làm"

Lo ngại về hoạt động của các Đội Xung kích chuyên tìm, diệt bọ gậy, trong một cuộc họp cuối tháng 8/2017, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã "truy" đại diện ngành y tế Hà Nội về hiệu quả thực tế của lực lượng được coi là mũi nhọn trong phòng chống dịch bệnh.

Trả lời vấn đề này, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho hay: Khoảng 60% Đội xung kích hoạt động hiệu quả; Khi chưa triển khai biện pháp diệt bọ gậy thì tỷ lệ này ở hộ gia đình là 30%, sau khi triển khai vẫn còn ở mức cao là 20%.

Lý giải về khả năng hạn chế của Đội xung kích, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, quyết định thành lập Đội xung kích diệt bọ gậy và Tổ giám sát phòng chống dịch sốt xuất huyết mới ban hành ngày 1/8/2017. Do vậy, các tổ viên trong Đội xung kích (2 - 3 người, là thành viên các đoàn thể thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh... ) mới được tập huấn rất nhanh để đi làm.

Giải pháp mà ngành Y tế nhằm nâng cao khả năng tìm diệt bọ gậy cho các Đội xung kích chính là "cầm tay chỉ việc". Cụ thể, các Tổ giám sát, Đội xung kích phải tiến hành giao ban hàng ngày, báo cáo kết quả về trạm Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch và trực tiếp đồng chí Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn. Thông qua đó, các Trạm trưởng Y tế sẽ kịp thời giải đáp những vướng mắc và "bổ túc" thêm chuyên môn từng ngày cho các đội viên...

Vẫn có câu "chống dịch như cứu hỏa", ấy thế nhưng Hà Nội đã triển khai chống dịch với tốc độ khá “chậm rãi”. Trung tâm y tế dự phòng phát hiện mầm bệnh từ đầu năm 2017, tháng 5 đã có ca tử vong đầu tiên với bệnh cảnh rất nghiêm trọng nhưng sau khi dịch bùng phát thì đến tháng 8, Hà Nội mới thành lập được các Đội xung kích với những lực lượng thiếu kinh nghiệm trong việc tìm diệt bọ gậy. Trong khi đây được coi là giải pháp quan trọng số 1, quyết định việc khống chế dịch sốt xuất huyết.

Kết quả giám sát của ngành Y tế cũng đã chỉ ra rằng, nhiều đội viên Đội xung kích chưa thực sự tích cực, hiệu quả; chỉ làm nhiệm vụ dẫn đường, thiếu sức khỏe để có thể leo hết các tầng của nhiều khu nhà để kiểm tra... Bởi vậy, mới có tình huống Đội xung kích vừa đến, cán bộ dịch tễ vẫn phát hiện 4 - 5 ổ bọ gậy sốt xuất huyết trong nhà dân.

Phân bố muỗi ổ bọ gậy nguồn muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Ae.aegypt tại Hà Nội.

Vấn đề cốt yếu hơn cả là qua phân tích tỷ lệ ổ bọ gậy nguồn muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Ae.aegypti và bọ gậy nguồn Ae.albopictus tại Hà Nội cho thấy, nơi chứa bọ gậy nhiều nhất là bể chứa trên 500 lít, tỷ lệ lần lượt ứng với từng loại muỗi là 46,3% và 38%; sau đó mới là các cây cảnh (hòn non bộ, lọ phát lộc, chậu trồng cây xanh, si...) là 21,9 % và 19 %; Xô, thùng, chậu là 17,6 và 23%...

Kết quả điều tra trên đã phản ánh thực tế: Hoạt động diệt bọ gậy muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết ở Hà Nội chưa thực sự "trúng đích". Bởi lẽ, đích cần phải nhắm tới phải là kiểm tra, giám sát, xử lý các ổ bọ gậy ở các bể chứa trên 500 lít thì hoạt động tìm, diệt bọ gậy của các Đội xung kích thường chỉ giới hạn ở vị trí tỷ lệ bọ gậy tập trung không cao như: Các chậu cây cảnh, lọ hoa, phế thải, chum vại trên dưới 100 lít...

"Trên" lơ là, "dưới" tắc trách

Trao đổi với phóng viên Tin Tức, một thành viên đoàn Giám sát về công tác phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Nội, cho biết, lãnh đạo UBND, Sở Y tế, Trung tâm Y tế Hà Nội rất quyết liệt, tuy nhiên vấn đề là cấp xã/phường còn tắc trách, thậm chí làm sai chuyên môn. Đặc biệt, "lỗ hổng" chính vẫn là ngành y tế Thủ đô thiếu giám sát, chưa kịp thời phát hiện sai phạm của tuyến cơ sở để sớm chấn chỉnh.

Thực tế, do nhân lực hạn chế, thiếu năng lực tuyên truyền thuyết phục người dân, khó khăn về kinh phí, thậm chí thiếu trách nhiệm, ưu tiên vấn đề khác hơn... nên chính quyền ở một số địa bàn nóng về dịch sốt xuất huyết tuy tỏ ra quyết liệt nhưng công tác phòng chống dịch bệnh chưa hiệu quả, triệt để.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ y tế cơ sở vừa thiếu, vừa yếu, còn có hiện tượng thiếu trách nhiệm, kỹ năng làm việc tại cộng đồng hạn chế; thiếu khả năng hoặc không quyết liệt tham mưu chống dịch cho chính quyền.

Đội xung kích được thành lập ở khắp nơi nhưng khi đi kiểm tra, lãnh đạo Sở Y tế vẫn phát hiện ổ bọ gậy tại thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong. Ảnh: SYT.

Hậu quả là hoạt động điều tra xử lý ổ dịch có nơi không triệt để, còn để sót ổ bọ gậy, chiến dịch diệt bọ gậy ở một số điểm nóng còn hình thức, không hiệu quả do lực lượng tham gia chiến dịch mỏng và vẫn còn ổ bọ gậy là nguồn muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Đơn cử như xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, mặc dù ổ dịch ở đội 6 phát hiện ngày 1/9 nhưng đến 15/9, thời điểm Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh đi kiểm tra vẫn chưa được xử lý phun hóa chất... Giám sát của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố vào ngày 12/9 tại 20 hộ gia đình của xã Tiền Phong cho thấy vẫn còn 5 hộ gia đình để sót các ổ bọ gậy (chiếm 25%); giám sát 70 dụng cụ chứa nước thì 12 dụng cụ chứa nước có bọ gậy (chiếm 17%)...

Đáng nói, do truyền thông phòng chống sốt xuất huyết còn chung chung nên nhiều người dân chưa hiểu cụ thể về cách phòng chống, tình hình và mức độ nguy hiểm... dẫn đến tình trạng thờ ơ, chủ quan với dịch bệnh. Nhiều người không khai báo khi mắc bệnh, không thực hiện diệt bọ gậy thường xuyên, không hợp tác khi y tế xử lý ổ dịch vì sợ bẩn, nghĩ không có tác dụng...

Từ thực trạng được chỉ ra là nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội bùng phát như nêu trên cho thấy, có nguyên nhân thuộc về ngành y tế nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn thuộc về trách nhiệm triển khai phòng chống dịch thiếu triệt để ở cấp chính quyền cơ sở. Mà với vai trò là đơn vị chuyên môn tham mưu về dịch bệnh, ngành Y tế Thủ đô không thể "với tay" vào việc điều hành, tổ chức thực hiện phòng chống dịch tại các xã/phường.

Do đó, để khống chế dịch sốt xuất huyết, nhất là từ nay đến tháng 11 (giai đoạn thường là đỉnh dịch), lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội cần phải quyết liệt hơn trong chỉ đạo, nhất là xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch. Có như vậy mới chấn chỉnh được tình trạng dập dịch kiểu "trên nóng, dưới lạnh" vẫn diễn ra.

Từ ngày 8/9, phóng viên Tin Tức đã hoàn tất công văn đề nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội phản hồi về việc xử lý một số bất cập trong phòng chống dịch, cũng như các giải pháp quyết liệt nhằm sớm khống chế dịch sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, đến ngày 15/9, một đại diện UBND thành phố mới cho biết: “Văn phòng UBND thành phố đã nhận được công văn phỏng vấn của báo Tin Tức gửi lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội xung quanh vấn đề dịch sốt xuất huyết. Lãnh đạo UBND thành phố đã giao sở Y tế, là cơ quan chuyên môn tham mưu về dịch bệnh, trả lời về vấn đề này. Dự kiến, sang tuần sẽ có văn bản trả lời”.

Vì vậy, chúng tôi chưa thể thông tin cho bạn đọc thông tin chính thức từ phía Hà Nội xung quanh việc giải quyết tồn tại, bất cập và triển khai tiếp các giải pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết của thành phố.

Xuân Cường

Bài cuối: Cần quyết liệt xử lý vi phạm

Phương Liên/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/ha-noi-nhieu-bat-cap-trong-khong-che-dich-sot-xuat-huyet-bai-2-chua-trung-dich-diet-bo-gay-kem-hieu-qua-20170917065237404.htm