Hà Nội: Nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm không đủ đáp ứng nhu cầu

Mặc dù nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã thực sự mang lại hiệu quả tạo ra nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống người dân. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận không nhỏ người lao động, DN gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, đặc biệt là lao động bị mất việc làm từ các TP, khu công nghiệp trở về địa phương, vì vậy, nhu cầu vay vốn vẫn rất lớn.

Được tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm theo Nghị quyết 11, anh Nguyễn Quang Hinh, chủ cơ sở dệt khăn ở thôn Thượng, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội hiện đang tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động, doanh thu mỗi năm hơn 10 tỷ đồng. “Từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng của NHCSXH tôi đã có cơ hội đầu tư thêm máy móc, nhập nguyên liệu để sản xuất. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn vốn vay này thực sự hiệu quả, tiếp thêm động lực giúp cơ sở của tôi phục hồi sản xuất” – anh Hinh cho biết.

Gia đình bà Nguyễn Thị Sơn, ở làng nghề rèn Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội đã làm nghề rèn hàng chục năm nay. Nhờ được vay 70 triệu từ nguồn vốn giải quyết việc làm, gia đình bà mạnh dạn đầu tư mua máy móc hiện đại vào phục vụ sản xuất. Có máy móc, gia gia đình bà chuyển sang làm phôi dao để cung cấp cho các cơ sở khác. “Nhờ đầu tư máy móc vào sản xuất nên năng suất lao động của gia đình tôi tăng gấp 10 lần so với trước. Ngoài 3 lao động của gia đình, tôi còn thuê thêm 2 lao động địa phương” – bà Nguyễn Thị Sơn chia sẻ.

Tại Kế hoạch số 84/KH-UBND phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội, một trong những giải pháp được Hà Nội đặt ra là tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, bền vững; việc làm xanh; việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Ưu tiên bố trí vốn Ngân hàng Chính sách xã hội có đủ nguồn lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, góp phần phát triển thị trường lao động bền vững.

Người dân làm thủ tục vay vốn tại NHCSXH

Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết, để tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn Hà Nội trong năm 2023, Chi nhánh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn hiểu và tiếp cận nguồn vốn.

Cùng với đó, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát vốn vay của các cấp, các ngành đối với những trường hợp đã được giải ngân các chương trình tín dụng chính sách thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả kịp thời nợ vay (gốc và lãi) đúng thời hạn quy định, không để phát sinh nợ quá hạn. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đảm bảo nguồn vốn được triển khai kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, an toàn và phát huy hiệu quả, ý nghĩa kinh tế - xã hội.

Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Bùi Quang Vinh cho biết: Qua rà soát, tổng hợp từ các tỉnh, TP, nhu cầu vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm năm 2022 và 2023 trên toàn quốc rất lớn (khoảng trên 43.000 tỷ đồng), trong khi kế hoạch bố trí vốn cho chương trình tín dụng trong 2 năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP là 10.000 tỷ đồng. Đến ngày 31/12/2022, NHCSXH đã thực hiện giải ngân đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao. Một số địa phương chưa bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương tương xứng với tiềm năng để ủy thác qua NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay. Vì vậy chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của người lao động trên địa phương.

Ông Bùi Quang Vinh cho biết, NHCSXH kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép tăng dư nợ các chính sách cho vay ưu đãi thực hiện Nghị quyết 11. Bên cạnh đó, cho phép NHCSXH điều chỉnh linh hoạt tổng nguồn vốn cho vay các chính sách tín dụng ưu đãi (cho vay mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến; cho vay nhà ở xã hội; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập…) có nhu cầu vay vốn thấp hơn so kế hoạch giao tại Nghị quyết 11/NQ-CP chuyển sang cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đảm bảo tổng dư nợ các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số11/NQ-CP đến 31/12/2023 tối đa là 38.400 tỷ đồng.

Diệu Ngọc

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/ha-noi-nguon-von-vay-ho-tro-tao-viec-lam-khong-du-dap-ung-nhu-cau-20231023193121.htm