Hà Nội: Nguồn cung lưu trú sẽ đón thêm các đơn vị quốc tế

Thời gian tới, thị trường khách sạn quốc tế có thể mở mới khoảng 3.720 phòng tại 17 dự án, bao gồm: 12 dự án 5 sao, 2 dự án 4 sao, 1 dự án 3 sao và 2 dự án chưa được xác định…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Với những chính sách hỗ trợ thị trường du lịch kèm dòng vốn FDI tăng trưởng, phân khúc khách sạn và căn hộ dịch vụ tại Hà Nội được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực.

CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 8,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 474% theo năm và vượt 11% mục tiêu năm 2023. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam du lịch chủ yếu từ thị trường châu Á với hơn 6,8 triệu lượt du khách, tiếp đó là châu Âu đạt hơn 1 triệu lượt, châu Mỹ đạt 682.000 lượt.

Riêng Hà Nội đã đón 18,9 triệu lượt khách du lịch, tăng 37% theo năm và bằng 88% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, lượng khách nội địa đạt 15,7 triệu lượt, tăng 20% theo năm và đạt 83% chỉ tiêu năm 2023. Lượng khách quốc tế đạt 3,2 triệu lượt, tăng 300% theo năm và vượt 7% so với mục tiêu năm 2023. Doanh thu du lịch đạt 69 nghìn tỷ đồng, tăng 67% theo năm. Đặc biệt, du lịch Hà Nội đạt đỉnh vào tháng 7 với 2,4 triệu lượt khách, gồm: 2 triệu lượt khách nội địa và 380.000 lượt khách quốc tế. Tháng 8 và tháng 9 là mùa thấp điểm của khách nội địa, tuy nhiên lượng khách quốc tế lại tăng.

Theo Savills, nguồn cung khách sạn thị trường Hà Nội quý 3/2023 đã ghi nhận ở mức 10.962 phòng, ổn định theo quý và tăng 8% theo năm. Cũng trong quý, công suất thuê khách sạn đạt 61%, giảm 2 điểm % theo quý, nhưng tăng 19 điểm % theo năm (mặc dầu vậy, công suất thuê vẫn dưới mức 73%, mức của quý 3/2019 là thời điểm trước Covid). Còn giá thuê tăng 7% theo quý và 22% theo năm, đạt 2,7 triệu VNĐ/phòng/đêm.

"Chính nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn về xuất, nhập cảnh cùng chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử mới có hiệu lực từ 15/8/2023; cùng các sản phẩm du lịch hấp dẫn khách quốc tế, và chính sách thu hút đầu tư đã tạo chuyển biến tích cực cho thị trường khách sạn, đồng thời cũng có sức lan tỏa tới cả những sản phẩm lưu trú khác như căn hộ dịch vụ", Savills đánh giá.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2023, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt mức 20 tỷ USD, tăng 8% theo năm. Trong đó, Singapore là quốc gia đầu tư lớn nhất với 21% thị phần, rồi đến Trung Quốc 15%, Nhật Bản 11%. Hà Nội ghi nhận lượng FDI đăng ký cao nhất toàn quốc với 2,5 tỷ USD, theo sau có Hải Phòng, TP. HCM, Bắc Giang và Bình Dương.

Đặc biệt, tháng 9 năm 2023, Việt Nam và Hoa Kỳ còn tuyên bố thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. “Đây là sức hút quan trọng đối với các tập đoàn công nghệ quốc tế lớn đầu tư vào Việt Nam, đem đến cơ hội bổ sung những dự án FDI quan trọng. Việc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng đã mang tới lượng lớn chuyên gia quốc tế tới và làm việc tại Việt Nam, từ đó tạo ra nguồn cầu vững chắc cho phân khúc căn hộ dịch vụ”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định.

NHIỀU NGUỒN CUNG MỚI

Đánh giá triển vọng của căn hộ dịch vụ, Giám đốc Savills Hà Nội chia sẻ thị trường dự kiến chào đón thêm các đơn vị quốc tế đối với nguồn cung mới. Năm 2024 ước có khoảng 2.609 căn hộ dịch vụ gia nhập thị trường, còn từ năm 2025 trở đi, thị trường Hà Nội thêm 12 dự án, cung cấp 1.212 căn hộ dịch vụ. The Ascott sẽ quản lý 59% nguồn cung tương lai với 2.269 căn từ Tây Hồ View Complex và Somerset Metropolitan West Hà Nội. Tập đoàn Lotte thì có 8% thị phần tương đương với 317 phòng từ The Heaven tại khu đô thị mới Starlake. Parkroyal Serviced Suites đang hoàn thiện dự án thứ hai, khả năng đi vào hoạt động đầu năm 2024 với 261 căn.

Phân khúc khách sạn Hà Nội cũng đón nhận 4 dự án với 1.355 phòng vào năm 2024; từ năm 2025 trở đi là 64 dự án với 10.300 phòng được ra mắt thị trường. Trong đó, quận Nam Từ Liêm chiếm thị phần nguồn cung tương lai lớn nhất với gần 3.000 phòng, tương đương 26% nguồn cung tương lai; quận Ba Đình 18% và quận Tây Hồ 15%.

Theo quan sát của Savills, khách sạn quốc tế có thể mở mới khoảng 3.720 phòng tại 17 dự án, bao gồm: 12 dự án 5 sao, 2 dự án 4 sao, 1 dự án 3 sao và 2 dự án chưa được xác định. Trong đó, Mariott chiếm thị phần lớn nhất với 29%, tiếp theo là Hilton 26%. Các dự án quốc tế đáng chú ý: Dusit Hà Nội – Từ Hoa Palace, Fairmont Hotel, Shilla Hotel, Four Seasons, Hilton West Hà Nội và Skyline West Lake. Đơn vị đánh giá, đây sẽ là sự bổ sung tích cực nguồn cung khách sạn, đặc biệt là khách sạn hạng sang ở Hà Nội.

Đưa ra ý kiến xu hướng phát triển du lịch thời gian tới Giám đốc Savills Hà Nội bình luận: “Việt Nam đã và đang hoạch định, định hướng phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch bền vững và thông minh. Từ đó, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Đặc biệt, Chính phủ đã có những động thái rất chủ động với đối tác quốc tế để hợp tác phát triển hơn nữa ngành du lịch cũng như phân khúc khách sạn Việt Nam. Bằng chứng là các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế từ sau khi mở cửa đến nay diễn ra rất mạnh mẽ.

Nhờ lợi thế tự nhiên lẫn kinh tế, Việt Nam luôn được biết đến như một điểm đến cho du lịch nghỉ dưỡng và nhất là du lịch công tác. Không chỉ vậy, thị trường này là một trong những điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài. Làn sóng đầu tư đổ vào Việt Nam kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn cầu lớn cho ngành lưu trú từ hoạt động công tác của đội ngũ chuyên gia, lao động người nước ngoài.

Riêng thị trường lưu trú Hà Nội thời gian qua có chuyển biến tích cực song hành cùng sự phục hồi của ngành du lịch và kỳ vọng tiếp tục thu hút nhà đầu tư nước ngoài mở rộng hoạt động. Theo đánh giá, thị trường có nhiều dư địa phát triển, tuy nhiên, cần thêm thời gian để đạt mức tốt hơn so thời kỳ trước đại dịch.

Thanh Xuân

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ha-noi-nguon-cung-luu-tru-se-don-them-cac-don-vi-quoc-te.htm