Hà Nội: Người đi đúng bị người đi sai mắng sau phân luồng

Sau nửa tháng phân luồng ô tô đi 1 chiều trên đường Đông Kim Ngưu và Tây Kim Ngưu, cơ quan chức năng Hà Nội mới đây tiếp tục có sự điều chỉnh ở tuyến đường này. Cụ thể, cầu S3 trở thành đường một chiều từ Tây Kim Ngưu sang Đông Kim Ngưu, cầu S4 đi một chiều hướng ngược lại.

Do thiếu sự hướng dẫn phân luồng và hệ thống biển báo hiệu từ xa, nên nhiều người dân đi xe máy, ô tô vẫn giữ thói quen cũ. Số người đi đúng theo phương án phân luồng mới lại là thiểu số, thậm chí còn bị… mắng.

VOV Giao thông từng ghi nhận sự khó khăn khi di chuyển trên tuyến đường Tây Kim Ngưu, đặc biệt tại đoạn giao với cầu S3, S4. Cụ thể, sau khi phân luồng lại khu vực này từ ngày 16/3/2024, do đã bị cấm đường thoát từ cầu S4 đi Minh Khai, nên lưu lượng ô tô dồn từ Trần Khát Chân về cầu Mai Động tăng đột biến, dẫn tới thường xuyên ùn ứ.

Dù đã có biển cấm được 4 ngày, song các phương tiện vẫn đi theo thói quen cũ qua cầu S3, S4 trên đường Kim Ngưu (Hà Nội)

Tại khu vực cầu S3, S4, các tài xế ô tô vẫn giữ thói quen cũ: Di chuyển từ Tây Kim Ngưu rẽ trái vào cầu để đi Đông Kim Ngưu, Times City, cầu Vĩnh Tuy, nên sau khi cấm một chiều ô tô ở Đông Kim Ngưu, hầu hết các phương tiện lỡ rẽ rồi sẽ phải… đi vòng tròn để quay đầu lại.

Trước những khó khăn này, đầu tháng 4/2024, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục có sự điều chỉnh ở khu vực cầu S3, S4. Nếu như trước đây, các phương tiện đi Tây Kim Ngưu muốn rẽ sẽ đi cầu S4, Tây Kim Ngưu đi cầu S3, thì hiện phải đi đảo ngược lại: Tây Kim Ngưu sẽ đi cầu S3, Đông Kim Ngưu đi cầu S4.

Sự thay đổi này được hiểu là để phù hợp với hướng lưu thông 1 chiều ô tô đã được điều chỉnh trước đó. Các ô tô muốn quay đầu có thể rẽ trái ngay ở chiếc cầu sắt đầu tiên theo hướng của họ. Tuy nhiên, sự điều chỉnh lại nảy sinh ra vấn đề: Các phương tiện sẽ phải rẽ ở bên phía cầu bên tay trái, nghịch lại so với cách đi thông thường là đi bên cầu bên phải.

Ông Nguyễn Sĩ Tiến, một cư dân ở phía Đông Kim Ngưu cho biết, sau 4 ngày phân luồng, 90% người tham gia giao thông vẫn đi theo thói quen cũ, không nhận thức được biển cấm đi 1 chiều đã được dựng lên ở mỗi đầu cầu.

“Tất cả người dân đang đi cầu bên phải, bây giờ đổ cho người ta đi bên tay trái, có mỗi cầu con con như này thì hai cầu cạnh nhau rất nguy hiểm. Thực tế người Việt Nam luôn đi bên phải, tôi cũng luôn đi bên phải đường. Nếu hai ô tô này mà xung đột, rồi xe máy đi ngược lại thì dễ oánh nhau. Nó như là phản vệ rồi, không ai đi bên trái cả”.

Anh Lê Chí Kiên, cư dân trong khu vực cho biết, mình từng bị mắng vì đi đúng theo hướng dẫn phân luồng mới. Nguyên nhân là hệ thống biển báo hiệu, vạch kẻ đường hướng dẫn luồng đi mới chưa rõ ràng

Hỗn loạn, đó là từ mà anh Lê Chí Kiên, cư dân ở số 573 Kim Ngưu, mô tả về tình hình giao thông qua cầu S3, S4 những ngày vừa qua. Bản thân anh biết việc cắm biển cấm một chiều, nhưng hễ đi đúng theo phương án phân luồng mới, anh lại cảm thấy lẻ loi, thậm chí còn bị dòng xe đi sai… mắng nhiếc.

“Xe máy họ đi đập vào xe tôi, còn bảo tôi là sao đi như thế, không biết đường à. Tôi là người dân ở đây, chẳng lẽ lại đứng chửi nhau, to tiếng làm gì. Nhiều khi ở ngay đây, biển thế này thì làm sao người dân người ta biết mà rẽ”.

Anh Lê Chí Kiên phân tích: Thay đổi thói quen đi lại, đặc biệt là phản xạ đi bên phía tay phải là rất khó. Vì vậy, chỉ một chiếc biển báo cấm đi một chiều ở đầu cầu là chưa đủ để người dân có thể nhận biết và chấp hành. Cần nhiều sự hướng dẫn và cảnh báo từ xa hơn.

“Tôi thấy biển để ở giữa cầu kia chắc chắn là chưa đủ. Biển phải để ra xa ở đầu đường thì người dân người ta mới biết. Ý thức người dân thì theo thói quen, đi như thế từng ấy năm trời rồi, là phải có cảnh sát giao thông hay thanh tra giao thông đứng hướng dẫn thì người ta mới biết. Cần thiết nữa thì phải vẽ vạch kẻ ở tim đường để xe máy, ô tô người ta mới biết được, phải vẽ kẻ ở cả hai bên”.

Ở góc nhìn của người đi cả xe máy và ô tô qua Kim Ngưu hàng ngày, ông Nguyễn Công Kiên bảy tỏ sự ủng hộ phương án phân luồng mới chỉ cho ô tô đi 1 chiều trên Tây Kim Ngưu từ Trần Khát Chân về cầu Mai Động và Đông Kim Ngưu theo hướng ngược lại.

Điều này đã giải quyết được xung đột giao thông lớn bên phía Đông Kim Ngưu hướng về cầu Vĩnh Tuy, Times City. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi tác động lên các nút giao Tây Kim Ngưu đi Mai Động hay ngã tư cầu Lạc Trung do lưu lượng bị dồn với mật độ cao hơn.

Về phương án điều chỉnh mới nhất liên quan cầu S3, S4, ông Nguyễn Công Kiên cho rằng, cần có thời gian để người dân biết và làm quen, vì dẫu sao, đây cũng là cách di chuyển ngược với thói quen hàng ngày của họ.

“Bây giờ đi kiểu này nhiều khi sẽ tạo ra một cái lưới đan các dòng xe máy. Còn ô tô thì không ảnh hưởng mấy. Vì nếu ô tô từ bên này hay bên kia thì bản chất vẫn là quay đầu. Quan trọng là chúng ta phân luồng thế nào cho xe máy đi không bị xung đột với ô tô”.

Giao thông Hà Nội trong giờ cao điểm ở các tuyến đường trọng yếu rất phức tạp với lưu lượng xe tăng đột biến. Trước thực trạng này, việc tổ chức lại giao thông tùy vào tình hình thực tế là công tác chuyên môn bình thường của các nhà quản lý.

Còn quá sớm để đánh giá hiệu quả của các phương án phân luồng mới, tuy nhiên, việc đưa ra cảnh báo, hướng dẫn từ xa, tại chỗ và liên tục là cần thiết để người dân có thể nắm bắt thông tin dễ dàng và thuận tiện trong việc chấp hành.

Chu Đức/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-nguoi-di-dung-bi-nguoi-di-sai-mang-sau-phan-luong-post1087928.vov