Hà Nội ngàn năm vang vọng: Cầu cong đẹp tựa mắt rồng

Chiều dần buông phía đỉnh núi Thầy, tôi lần bước xuống phía trước chùa Hạ sau một vòng khám phá non nước Sài Sơn (huyện Quốc Oai).

Rất may trong chuyến hành hương lần này, tôi được ông Nguyễn Viết Hà là người đã mấy chục năm chấp tác ở chùa Thầy dẫn lối. Ở nơi quê cha đất tổ, bao năm ông leo núi kiếm củi, nghe tiếng chuông mõ lời giảng kinh Phật mà ngấm dần. Cũng chính vì sự hữu duyên ấy nên ông tự nguyện lên chùa giúp trụ trì nhang đăng phụng thờ. Thế nên cả vùng núi Thầy trập trùng, ông rành rọt từng hang đá, hốc cây.

Cầu cong tôn thêm vẻ đẹp cổ kính chùa Thầy.

Cầu cong tôn thêm vẻ đẹp cổ kính chùa Thầy.

Trở xuống dưới chân núi, ông Hà dẫn tôi qua chiếc cầu nhỏ cong cong đi sang sân chính của chùa. Đến đây, ông mới giảng giải rằng: “Cứ theo địa đồ thì cả dãy núi Thầy này được ví như mình của con thanh long. Sân trước chùa như miệng rồng há ra ngậm lấy mái thủy đình là viên ngọc ở giữa hồ Long Trì. Hai bên hồ là đôi cầu cong có cái tên rất đẹp Nhật Tiên và Nguyệt Tiên”.

Mới nghe tên gọi thôi đã thấy thú vị rồi. Nhật là mặt trời ở phía đón ánh nắng bình minh. Còn Nguyệt là trăng ở bên hoàng hôn xuống gọi trăng lên. Hai cây cầu cong cong được ví như đôi mắt rồng soi bóng dưới mặt nước long lanh.

Đứng bên thành cầu, tôi hỏi ông Hà: “Người xưa xây cầu chắc là tìm hiểu kỹ về địa đồ phong thủy lắm?”.

Ông trầm ngâm hồi lâu mới cất lời: “Các cụ trong vùng truyền lại rằng cầu do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan xây dựng sau khi đi sứ nhà Minh về (năm 1597). Trạng Bùng là người xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất. Khi ngài đến vãng cảnh chùa muốn phát tâm công đức xây cầu. Cầu Nhật Tiên nối sân chùa với đường lên núi Thầy, còn cầu Nguyệt Tiên dẫn sang đền Tam Phủ rồi ra trục đường chính. Sau này khi cáo quan về quê ông còn tổ chức đào mương dẫn nước vào các cánh đồng xung quanh núi Thầy”.

Hai cây cầu cổ được xây dựng theo kiến trúc “thượng gia hạ kiều”. Cầu xây bằng gạch theo hình vòng cung, chia thành nhiều nhịp. Bên trên dựng các trụ cột gỗ. Mái gác vì kèo thoải dần xuống thấp lợp ngói âm dương. Cầu đã qua nhiều lần trùng tu, kiến trúc hiện tại mang dấu ấn đặc trưng giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Chiều cao cầu vừa phải, người đi qua có thể với tay lên mái lần dò từng cấu kiện, thuận tiện cho việc sửa chữa, chỉnh trang khi hư hỏng. Hai bên chân cầu có đôi rồng đá cuộn mình như tay ngai để dẫn lối du khách bước vào.

Đi sang cây cầu Nguyệt Tiên, chúng tôi gặp cụ bà Bùi Thị Gan tuổi đã ngoại bát tuần trông đền Tam phủ đã mấy chục năm nay. Tuổi già quạnh hiu cả ngày cụ chỉ quanh quẩn từ đền ra cầu, bàn chân đã bao lần in dấu trên từng viên gạch đã mòn vẹt lõm xuống. Bà cụ lẩm bẩm bảo rằng: “Cầu che nắng che mưa, là chốn nghỉ chân cho khách phương xa đến vãng cảnh non nước chùa Thầy, vào đền thắp nhang”.

Qua thời gian, mưa nắng dãi dầu, từng lớp ngói trên mái xô nghiêng bạc màu phôi pha. Ấy vậy mà cầu vẫn đứng đó “trơ gan” cùng nhật nguyệt, điểm nét cho phong cảnh Sài Sơn thêm hữu tình. Đôi mắt rồng cong cong ngày ngày in bóng nước long lanh, nối nhịp đôi bờ thương nhớ để mỗi ai đã đến nơi đây đều thấy vấn vương nỗi niềm cũ xưa.

Vòng sang con đường dẫn lối về, tôi chia tay ông Hà, bà Gan. Hai người lững thững bước qua nhịp cầu rồi khuất dần phía sau ngôi đền cổ. Bóng hoàng hôn đã nhạt nhòa, đôi mắt rồng mờ dần trong màn sương khói giăng giăng.

Bài và ảnh: THƯ NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/ha-noi-ngan-nam-vang-vong-cau-cong-dep-tua-mat-rong-687136