Hà Nội làm gì để giảm ô nhiễm không khí?

Thời gian qua, không khí tại Hà Nội liên tục được ghi nhận chỉ số ô nhiễm ở mức rất cao. Thậm chí, có thời điểm chỉ số ô nhiễm không khí của Hà Nội cao nhất thế giới. Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đã trao đổi với Báo Tiền Phong về vấn đề này.

Thưa bà, thời gian vừa qua Hà Nội liên tục ghi nhận chỉ số ô nhiễm không khí ở mức cao. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này ?

Bà Lưu Thị Thanh Chi: Từ các kết quả mô hình và tổng hợp nghiên cứu, tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Trong đó, bao gồm nguồn thải tại chỗ, nguồn thải từ bên ngoài thành phố và các điều kiện khí tượng.

Cụ thể, nguồn thải tại chỗ của thành phố chủ yếu là các nguồn phát thải từ các phương tiện giao thông đường bộ (xe máy, xe tải và xe taxi) và nguồn bụi đường do xây dựng. Tiếp đến là nguồn khí thải do các hoạt động sản xuất công nghiệp và nguồn phát thải là đốt rơm rạ.

Các nguồn thải từ bên ngoài thành phố (lan truyền). Ví như, hoạt động sản xuất, sinh hoạt từ các tỉnh thành khác theo gió lan đến Hà Nội.

Ngoài ra, chất lượng không khí còn chịu ảnh hưởng bởi các điều kiện khí tượng (gây ra các mùa/ thời điểm có ô nhiễm nghiêm trọng). Thông thường, nồng độ bụi chịu tác động rõ rệt bởi các yếu tố khí tượng, dẫn đến các quy luật diễn biến chất lượng không khí theo các mùa trong năm. Vào mùa đông, chất lượng không khí thường có xu hướng suy giảm với ô nhiễm bụi cao hơn. Như thế, mùa đông cũng có nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn so với mùa hè. Trên cơ sở này, các biện pháp cảnh báo cộng đồng và ứng phó với ô nhiễm không khí nghiêm trọng để bảo vệ sức khỏe người dân là cần thiết và ưu tiên trước mắt.

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội

Thưa bà, có ý kiến cho rằng, đốt vàng mã cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Lưu Thị Thanh Chi: Tôi cho rằng quan điểm trên là có cơ sở. Bởi lẽ, đốt vàng mã là một trong các nguồn đốt mở tác động đến môi trường không khí, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết. Bởi những ngày này người dân đốt vàng mã rất nhiều. Do đó, để hạn chế ô nhiễm môi trường, người dân cũng nên hạn chế đốt vàng mã.

Vậy thời gian qua Hà Nội đã triển khai các giải pháp gì để giảm thiểu ô nhiễm không khí?

Bà Lưu Thị Thanh Chi: Nhận thức được khả năng suy giảm chất lượng không khí từ hệ quả của phát triển kinh tế và đô thị hóa, hàng loạt chính sách đã được thành phố Hà Nội thực hiện. Cụ thể, thành phố đã tổ chức quản lý, vận hành ổn định, liên tục các Trạm quan trắc không khí tự động trên địa bàn thành phố. Đồng thời, xây dựng mô hình hóa nhằm cảnh báo, dự báo chất lượng không khí.

Ngoài ra, thành phố cũng tăng cường cơ giới hóa, tăng tần suất công tác quét rác, hút bụi hàng ngày trên các tuyến đường và thu gom rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, thành phố cũng triển khai xử lý ô nhiễm và duy trì chất lượng nước ao, hồ nội ngoại thành.

Đốt bãi chất thải ở huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Đốt bãi chất thải ở huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Thành phố đã chỉ thị về việc thay thế toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ. Đồng thời, tuyên truyền và xây dựng lộ trình không còn tình trạng sử dụng bếp than tổ ong. Đến nay, đã hạn chế được 99% tình trạng sử dụng bếp than tổ ong và khoảng 95% tình trạng đốt rơm rạ sau vụ mùa trên địa bàn thành phố.

Hơn nữa, thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý bùn, xử lý rác thải bằng công nghệ đốt, phát điện. Quản lý, vận hành ổn định có hiệu quả các Nhà máy xử lý nước thải tập trung như Yên Sở, Hồ Tây, Bảy Mẫu, Kim Liên, Trúc Bạch, Cầu Ngà, Bắc Thăng Long - Vân Trì.

Ngoài ra, thành phố đã hoàn thành kế hoạch trồng 1.600.000 cây xanh trong giai đoạn 2019-2020 và tiếp tục trồng thêm 554.083 cây xanh đô thị trong giai đoạn 2021-2025. Thành phố cũng tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện giao thông vi phạm các quy định về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Đồng thời, phối hợp với Cục Đăng kiểm thực hiện nghiêm công tác đăng kiểm xe cơ giới, triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4,5. Từng bước kiểm soát khí thải mô tô, xe máy đang lưu hành theo Đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe máy của Bộ Giao thông vận tải.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ có giải pháp cụ thể gì giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí?

Bà Lưu Thị Thanh Chi: Nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường không khí trên địa bàn, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đạt 75%-80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức tốt và trung bình.

Để đạt mục tiêu trên, UBND thành phố ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội năm 2030, định hướng 2035. Trong đó, thành phố đề ra 4 nhóm với 14 nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý môi trường không khí; Các giải pháp giảm phát thải từ các nguồn chính (giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, xây dựng, chất thải rắn); Ứng phó với ô nhiễm không khí nghiêm trọng; Tăng cường sự tham gia của các bên thông qua giáo dục - truyền thông và hợp tác. Trong đó, có giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở tôn giáo, thờ tự hạn chế đốt hương, vàng mã, đặc biệt trong các dịp lễ cuối năm và lễ hội đầu năm mới để giảm thiểu tác động tới môi trường không khí.

Xin cảm ơn bà!

Thanh Hiếu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ha-noi-lam-gi-de-giam-o-nhiem-khong-khi-post1635862.tpo