Hà Nội kết nối đầu tư, thương mại, du lịch với các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng với tinh thần 'Link to Grow'

Với tinh thần 'Link to Grow', có nghĩa liên kết để phát triển, TP Hà Nội đang kết nối với các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng nhằm thu hút đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước tới 'làm tổ', đưa hoạt động thương mại và du lịch… cùng phát triển vững mạnh.

Ngày 25/8, tại TP Hạ Long, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội phối hợp với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị kết nối đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội và các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng - Kết nối cùng phát triển (Link to Grow) và chương trình kết nối giao thương giữa các tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Tinh thần ‘Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước’

Tham dự có khoảng 150 đại biểu là lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN; đại diện các Sở, hội, đoàn thể, doanh nghiệp của TP Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh và vùng Đồng bằng Sông Hồng; các tập đoàn, tổ chức quốc tế.

Các nhà đầu tư, doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

Nói về lý do tổ chức Hội nghị trên, ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội cho biết: Thực hiện chương trình hợp tác của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”; nhằm tăng cường hoạt động hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, quảng bá hình ảnh của TP Hà Nội và các tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng Sông Hồng.

“Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn hỗ trợ các nhà đầu tư kết nối, tìm kiếm môi trường đầu tư hiệu quả; các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, góp phần nâng cao nhận thức và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", đẩy mạnh các chương trình hợp tác đầu tư, phát triển du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước…”, ông Dương chia sẻ.

“Sự hiện diện của các doanh nghiệp, nhà đầu tư của các tỉnh, TP tại hội nghị đã thể hiện sự mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa/dịch vụ; đồng thời, thể hiện quyết tâm, nỗ lực của TP Hà Nội và các tỉnh thuộc Vùng đồng bằng Sông Hồng trong nhiệm vụ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và tăng cường quan hệ hợp tác, gắn bó giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước kết nối cùng phát triển”, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Ánh Dương nhấn mạnh.

Tham dự hội nghị, đại diện tập đoàn Central Retail tại Việt Nam thông tin, hiện mạng lưới bán lẻ của Central Retail đã có mặt trên 40 tỉnh thành qua đó giúp các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm địa phương và đặc sản vùng miền. Tuy nhiên, để đưa được hàng vào hệ thống siêu thị tiêu thụ đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng các quy định của hệ thống bán lẻ có thể truy xuất được nguồn gốc rõ ràng.

“Hiện người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm được sản xuất hữu cơ, tiêu dùng xanh dù cho các mặt hàng này được bán với giá thành cao hơn so với thông thường. Vì vậy, các doanh nghiệp nên tập trung chú trong phát triển các sản phẩm được sản xuất theo hướng tiêu dùng xanh và thân thiện môi trường”, vị đại diện khuyến cáo.

Nâng cao hợp tác thương mại, du lịch

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh kiến nghị, thời gian tới, TP Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác toàn diện trên 7 nhóm nội dung phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, 2 bên sẽ phối hợp thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong các lĩnh vực có lợi thế của mỗi địa phương; tăng cường trao đổi thông tin thương mại, xuất nhập khẩu; liên kết, phát triển mạng lưới logistics.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối phát triển du lịch giữa Hà Nội và Quảng Ninh. Điều này sẽ hỗ trợ 2 bên cùng phát huy lợi thế của mình để phát triển du lịch theo hướng hai địa phương có thể sử dụng tài nguyên du lịch của nhau để cùng xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, sức cạnh tranh cao.

"Việc liên kết phát triển thương mại, du lịch tạo thêm khả năng cạnh tranh, nhằm kích cầu tiêu dùng, thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch đến mỗi địa phương. Đây là yếu tố quan trọng để phát triển thương mại trong cơ chế thị trường”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội và Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh ký kết biên bản ghi nhớ về mở rộng quan hệ hợp tác.

Được biết, kết thúc hội nghị trên, các đơn vị đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về mở rộng quan hệ hợp tác và môi trường xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Ninh và Hà Nội; hợp tác hỗ trợ kết nối, giao thương giữa các hiệp hội doanh nghiệp TP Hà Nội, vùng Đồng bằng Sông Hồng và các doanh tập đoàn, tổ chức quốc tế.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội và Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh ký kết biên bản ghi nhớ về mở rộng quan hệ hợp tác và môi trường xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội – Quảng Ninh.

Xác định rõ trách nhiệm của Thủ đô với sự phát triển của Vùng

Thực tế, liên kết vùng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của mỗi địa phương, “bắt tay” để cùng nhau lớn mạnh. Chính vì vậy, ngày 11/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 826/QĐ-TTg thành lập Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng Sông Hồng nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng Sông Hồng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, ngay sau khi có các Nghị quyết của Trung ương, TP Hà Nội đã chủ động xây dựng, ban hành các Chương trình hành động, kế hoạch triển khai với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện đặc thù của Thủ đô. Trong đó, luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Thủ đô đối với quá trình phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Bên cạnh đó, Thành phố đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để tạo đột phá về thể chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm khai thác, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực và lợi thế so sánh của Thủ đô. Sớm đưa Thủ đô trở thành hạt nhân, là động lực phát triển của Vùng và cả nước theo định hướng Quy hoạch tổng thể Quốc gia mới được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81 ngày 09/01/2023.

Nhấn mạnh TP Hà Nội định hướng phát triển kinh tế có sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; giai đoạn 2026 - 2030 tăng từ 8,0-8,5%/năm. Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt khoảng 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Theo Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, Hà Nội xác định tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng số… để trở thành đô thị thông minh, hiện đại, hài hòa, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước. Đồng thời, là cực tăng trưởng của Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Phát triển toàn diện mạng lưới giao thông (đường bộ, đường sắt đô thị, hàng không, đường thủy), bảo đảm kết nối và định hướng tuyến phát triển các khu đô thị mới, thành phố vệ tinh và kết nối liên vùng.

Tâm An

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/ha-noi-ket-noi-dau-tu-thuong-mai-du-lich-voi-cac-tinh-dong-bang-song-hong-voi-tinh-than-link-to-grow-1094943.html