Hà Nội: Giảm gánh nặng lên hệ thống trường công lập

Đến nay, công tác tuyển sinh đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10) trên địa bàn TP Hà Nội cơ bản đã hoàn tất. Tuy nhiên, nỗi lo về tình trạng thừa - thiếu chỗ học cục bộ hay áp lực tại các trường công lập nội đô ngày càng tăng...

Cô và trò trường tiểu học Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm, trong giờ học. Ảnh: Công Hùng

Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tình trạng thiếu trường nội đô, quá tải trường lớp tại Hà Nội xuất phát từ 2 nguyên nhân.

Trước hết, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, tốc độ gia tăng dân số của Hà Nội rất nhanh, không chỉ về mặt tự nhiên mà còn tăng nhanh do nhập cư. Trong khi đó, số lượng trường lớp lại chưa đáp ứng kịp nhu cầu học tập. Hàng loạt các dự án chung cư, khu đô thị mọc lên, song vấn đề xây dựng các thiết chế xã hội như trường học lại chưa thực sự được quan tâm đúng mức, tương xứng.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ cho rằng, một áp lực khác đến từ chính những mong cầu của phụ huynh, khi mong muốn con có thể vào các trường THPT công lập tốt, các trường chất lượng cao. Tâm lý này cũng làm gia tăng áp lực tuyển sinh.

Theo các chuyên gia, xảy ra tình trạng thiếu chỗ học còn do chủ trương phân luồng sau THCS chưa được thực thi như mong muốn. Việc tuyên truyền, tư vấn về hướng nghiệp trong nhà trường chưa thực sự đến được với phụ huynh và học sinh. Chất lượng hệ thống các trường nghề hiện nay vẫn còn chậm đổi mới, chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi thực tế nên chưa tạo dựng được niềm tin, sự yên tâm đối với người học.

Về giải pháp, Sở GD&ĐT Hà Nội quyết tâm phấn đấu từ kỳ tuyển sinh năm học 2024 - 2025 tất cả các trường trên địa bàn (trong đó có trường tư thục, trường công lập tự chủ) sẽ triển khai đăng ký tuyển sinh trực tuyến, không để trường nào thu hồ sơ, đăng ký tuyển sinh trực tiếp.

Về tình hình trường lớp, UBND TP có Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 6/5/2022 về đầu tư xây dựng, cải tạo các trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp sau.

Cùng với đó, TP tăng cường nguồn lực tài chính và đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường, lớp học theo hướng đồng bộ, kiên cố hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa. Quan trọng nữa là đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội, tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích các DN, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới các trường ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài nhằm giảm gánh nặng ngân sách, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường học.

Với sự quan tâm của Thành ủy, HĐND và UBND TP trong việc thúc đẩy nhiều giải pháp, đến năm 2025, Hà Nội cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu cơ sở vật chất của các trường THPT công lập trên địa bàn.

Quân Đào

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-giam-ganh-nang-len-he-thong-truong-cong-lap-346016.html