Hà Nội đối thoại, gỡ khó cho DN trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Chiều 10/5, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc'. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Thị Bích Ngọc, cùng đại diện các sở, ban ngành thành phố Hà Nội và 92 doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.

Cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, đây là hội nghị thứ 2 trong chuỗi 6 hội nghị đối thoại chuyên đề do UBND TP Hà Nội lên kế hoạch tổ chức, với mục tiêu thiết lập và duy trì kênh trao đổi thông tin kịp thời, thiết thực, hiệu quả giữa chính quyền thành phố và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô. Đồng thời hỗ trợ và giải quyết nhanh chóng những vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn thành phố. Đặc biệt hơn, đây là lần đầu tiên lãnh đạo thành phố Hà Nội có cơ hội gặp gỡ, lắng nghe và đối thoại với các nhà đầu tư đang hoạt động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, không lâu sau khi Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được chính thức chuyển giao quyền quản lý từ Bộ KH&CN về UBND TP Hà Nội vào tháng 11/2023.

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ KH&CN về UBND TP Hà Nội là dấu mốc mới sau quá trình 25 năm xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. UBND TP Hà Nội đã đặt quyết tâm chính trị rất cao và dành nhiều nỗ lực, tích cực phối hợp với Bộ KH&CN cùng các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai các chủ trương, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Trong quá trình chuyển giao, thành phố luôn nhấn mạnh nguyên tắc đảm bảo mọi hoạt động của Khu Công nghệ cao không bị gián đoạn, không làm sảnh hưởng đến bộ máy tổ chức, tư tưởng của đội ngũ Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng như các doanh nghiệp, tổ chức, nhà đầu tư đang hoạt động trong Khu.

”Chính quyền thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô nói chung và các tổ chức, doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trước mắt là tập trung cải cách hành chính, trực tiếp là cải cách thủ tục đầu tư. Hướng tới xây dựng hệ giá trị cốt lõi theo phương châm “Chính quyền phục vụ - Doanh nghiệp cống hiến - Xã hội niềm tin - Người dân hạnh phúc”” – Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh khẳng định.

Quang cảnh hội nghị.

ĐKhu Công nghệ cao Hòa Lạc phát triển mạnh mẽ hơn

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 1998 với tính chất là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế khu vực và cả nước với vai trò là cầu nối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ cao mới; là điểm thử nghiệm, thí điểm rút kinh nghiệm cho việc đẩy mạnh phát triển các Khu công nghệ cao trong cả nước. Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được quy hoạch xây dựng trên diện tích 1.586 ha, thuộc địa bàn 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai chia thành 8 khu chức năng (Khu Giáo dục và Đào tạo, Khu Nghiên cứu và Triển khai, Khu phần mềm, Khu Công nghiệp Công nghệ cao, Khu hỗn hợp, Khu Trung tâm, Khu Nhà ở, Khu Giải trí và Thể dục thể thao) và các khu vực phụ trợ (hồ Tân Xã, vùng đệm và cây xanh).

Đến nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có 109 dự án đầu tư còn hiệu lực (bao gồm 95 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỷ đồng. Trong đó, có 74 dự án đầu tư vào phát triển công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao: 33 dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử viễn thông, 19 dự án trong lĩnh vực tự động hóa; 13 dự án trong lĩnh vực vật liệu mới, 9 dự án trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Các nhà đầu tư đã nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển các công nghệ cao thuộc 55 nhóm công nghệ cao, 31 nhóm sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Các dự án đã đi vào hoạt động đang góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 người lao động có tay nghề, doanh thu năm 2023 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 01/8/2023 của Chính phủ về việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ KH&CN về UBND TP Hà Nội, Nghị quyết số 167/NQ-CP ngày 09/10/2023 của Chính phủ về việc sửa đổi Điểm b Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 119/NQ-CP, Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 10/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ KH&CN về UBND TP Hà Nội, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc chính thức được bàn giao về Hà Nội quản lý từ ngày 24/11/2023.

Với tinh thần chủ động và quyết liệt, ngay sau khi tiếp nhận Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Thành ủy và UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Ban Quản lý và các cơ quan có liên quan tìm hiểu, tổng hợp những tồn tại và vướng mắc, thảo luận các kiến nghị, đề xuất để tìm ra giải pháp đẩy mạnh sự phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong giai đoạn mới.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, để Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phát triển mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, để các nhà đầu tư phát huy được hết khả năng và khát vọng của mình, tạo ra những giá trị cao hơn đóng góp cho Thủ đô và cả nước là nhiệm vụ đòi hỏi các cơ quan liên quan phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa.

Với tinh thần cầu thị và xây dựng, thông qua Hội nghị này, chính quyền thành phố mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các nhà đầu tư, các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính sách… để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-doi-thoai-go-kho-cho-dn-trong-khu-cong-nghe-cao-hoa-lac.html