Hà Nội: Điểm sáng trong phân cấp, phân quyền

Chiều 3-7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 12, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ về 5 nội dung trọng tâm, chú trọng các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023 và đóng góp ý kiến định hướng phát triển không gian, hạ tầng đô thị của Thủ đô.

Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ 1.

5 nội dung thảo luận tại tổ chiều 3-7

Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách của thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, cập nhật kết quả phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện dự toán ngân sách năm 2022.

Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện giữa kỳ và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố (Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2023; Định hướng kế hoạch đầu tư công thành phố năm 2024).

Một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Báo cáo về “Định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”.

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND của HĐND thành phố về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Kiểu mẫu về sự điều hành quyết liệt

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến (Tổ đại biểu huyện Chương Mỹ) khẳng định, năm 2023 là năm quan trọng, thành phố đã đưa ra 22 chỉ tiêu, 118 nhiệm vụ cho các sở, ngành và quận, huyện, thị xã. “UBND thành phố cũng đã sớm cụ thể hóa Nghị quyết của HĐND thành phố để phân giao cho các địa phương. Nhìn lại bức tranh 6 tháng đầu năm có thể thấy, UBND thành phố đã có rất nhiều cố gắng”, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nói.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thảo luận tại tổ.

Về việc trong các nguồn thu ngân sách đầu năm, nguồn thu đấu giá đất không đạt, ví dụ thu đấu giá quyền sử dụng đất chỉ đạt 5,42%, thu tiền từ đất chỉ đạt 21,2% kế hoạch cả năm, trong khi 2 khoản thu này đều đã được cân đối trong kế hoạch đầu tư công, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến băn khoăn: “Nếu không thu được thì không biết cuối năm chúng ta sẽ bù đắp bằng nguồn nào”.

Thành phố đã giao cho quận, huyện, thị xã tiến hành phê duyệt giá đất đấu giá theo Nghị quyết của Chính phủ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết chưa rõ thành phố có cần hướng dẫn, cụ thể hóa cho các quận, huyện, thị xã không; ủy quyền rồi nhưng khi phê duyệt giá đất vẫn báo cáo HĐND thành phố đưa ra giá đất chung, chưa thực sự sát giá thị trường. “Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy đã phân tích nguyên nhân, một phần nguyên nhân được chỉ ra là do sợ trách nhiệm”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nói.

Nhấn mạnh phân cấp, ủy quyền là điểm sáng của thành phố Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2023, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cho rằng cần rà soát lại các thủ tục này đã thực sự đi vào cuộc sống được bao nhiêu, vấn đề nào còn khó khăn vướng mắc, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện như thế nào?

Đối với cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, cần bám sát nguyên tắc: Không làm thay đổi tổng nguồn vốn của kế hoạch 5 năm; bám sát chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ 2020-2025 được Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố xác định và danh mục thứ tự ưu tiên dự án.

Các đại biểu thảo luận tại tổ 5.

Thảo luận tại tổ 5, Bí thư Quận ủy Long Biên Đường Hoài Nam nhận định, 6 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng khi bảo đảm những cân đối lớn; thu ngân sách đạt kết quả khá, trong đó cơ cấu thu nội địa là chủ yếu. “Thành phố khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là kiểu mẫu về sự điều hành quyết liệt của thành phố, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở”, đại biểu nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Đường Hoài Nam, trong kết quả đạt được khá toàn diện, mảng văn hóa - xã hội cơ bản đạt kết quả tốt. Các hoạt động văn hóa - thể thao thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Giáo dục - đào tạo có nhiều kết quả tốt. Về những hạn chế, tồn tại, báo cáo của UBND thành phố đã nêu rất thẳng thắn, nhìn nhận 9 nhóm vấn đề. Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, đại biểu kiến nghị thành phố tập trung một số giải pháp căn cơ là cải cách hành chính và chuyển đổi số; tháo gỡ điểm nghẽn trong một số lĩnh vực quan trọng.

Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ 3.

Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và kiểm soát chỉ số giá

Thảo luận về định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đại biểu Trần Hợp Dũng (Tổ đại biểu huyện Thanh Trì) nhấn mạnh, chỉ tiêu cần thảo luận kỹ là chỉ tiêu dân số.

Theo đại biểu, Đồ án chưa nhận định rõ dự báo dân số của Thủ đô, trong khi thành phố có nhiều dự án giao thông trọng điểm đã và đang được đầu tư xây dựng, như tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua tỉnh Bắc Ninh - địa phương có định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và tỉnh Hưng Yên - địa phương có 2 khu đô thị lớn gần Hà Nội.

Cần xem xét định hướng về kinh tế - xã hội, chủ trương bám sông Hồng để thành lập các khu đô thị để tạo cơ chế, hành lang cho người dân tự dịch chuyển dân số một cách phù hợp, đại biểu nói.

Nhóm vấn đề về hạ tầng kỹ thuật đô thị, đại biểu Trần Hợp Dũng nêu quan điểm, đường sắt đô thị chỉ đầu tư mang tính chất giải ngân thì không thể đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà cần phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị song hành.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thảo luận.

Cùng đóng góp ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nêu, được giao nhiệm vụ sửa đổi, rà soát Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở đã báo cáo 9 nội dung và được thành phố chấp nhận là đồ án quy hoạch chuyên ngành duy nhất được rà soát để đưa vào điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011.

Liên quan đến vận tải hàng không, theo định hướng quy hoạch, ngoài Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ được nâng công suất từ 50 triệu lên 100 triệu hành khách, Hà Nội được quy hoạch sân bay thứ hai ở khu vực phía Nam, với hai phương án tại huyện Thường Tín hoặc Ứng Hòa. Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, các phương án này đều cần tính đến hạ tầng giao thông kết nối.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ đại biểu quận Hoàng Mai) thảo luận tại tổ 5.

Nhất trí với một số nội dung hạn chế về hạ tầng giao thông đại biểu Nguyễn Phi Thường đưa ra, đại biểu Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hànôịmới (Tổ đại biểu quận Hoàng Mai) nêu bất cập từ cơ sở quận như sự thiếu hụt, xuống cấp và phát triển chưa đồng bộ các hạ tầng giao thông tĩnh (bến bãi đỗ xe, nhà chờ xe buýt...).

“Thành phố vừa thông qua đề án khai thác và sử dụng tăng nguồn thu từ các tài sản công. Hiện rất nhiều tài sản công có thể đưa vào khai thác, xã hội hóa nhằm tăng nguồn thu nhưng chưa thể thực hiện. Việc khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa cơ sở hiện cũng đang gặp khó khăn, gây ra lãng phí”, đại biểu Nguyễn Minh Đức phát biểu.

Về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm, đại biểu kiến nghị thành phố quan tâm đến giải pháp quan trọng là kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng. Về nội dung đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố, đại biểu cho rằng, báo cáo của UBND thành phố đã nhận diện, chỉ rõ các “điểm nghẽn”, nhưng “lối ra”, các giải pháp xử lý ra sao vẫn chưa rõ. Nội dung này đang được các doanh nghiệp đặc biệt lưu tâm. Do đó, đề nghị HĐND thành phố giám sát, ra nghị quyết, yêu cầu sở, ngành có phương án tiếp tục tháo gỡ.

Trao đổi thêm với các đại biểu cùng quan tâm về các nội dung khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa đúng quy định nhưng bảo đảm hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà khẳng định, đây là khó khăn chung trên toàn địa bàn thành phố. Luật Quản lý tài sản công đã quy định về nội dung này nhưng chưa khả thi, cần kiến nghị xem xét điều chỉnh về việc phân cấp, phân quyền. Dự kiến, trong quý III tới, Sở Tài chính sẽ ban hành hướng dẫn thực hiện theo hướng ủy quyền và rút ngắn thời gian thực hiện, giao về cho chủ tịch UBND các quận, huyện phê duyệt.

Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ 4.

Cũng trong chiều nay, tại 5 tổ, các đại biểu cùng tập trung thảo luận các nhóm nội dung đã được gợi ý. Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn góp ý một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đại biểu nhận định, việc thí điểm mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái phù hợp với xu hướng hiện nay, tuy nhiên, quá trình triển khai sẽ nảy sinh những vấn đề mới. Vì vậy cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về mô hình, hợp tác giữa chủ mô hình với người dân và sự thống nhất giữa các cơ quan tham mưu của HĐND và UBND thành phố trong triển khai thực hiện...

Đại biểu Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ (tổ đại biểu huyện Sóc Sơn) nêu, hiện Hà Nội còn nhiều xã chưa có nước sạch và gợi ý Hà Nội có thể tham khao mô hình đầu tư xây dựng trạm nước sạch ở Thái Bình để triển khai. Theo đại biểu, 6 tháng cuối năm, thành phố cần quan tâm hơn nữa vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, bởi Hà Nội có nhiều làng nghề, khu công nghiệp thải trực tiếp nước chưa xử lý ra môi trường, nhất là các con sông gây ô nhiễm nghiêm trọng, người dân không thể sử dụng để sản xuất, sinh hoạt, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Góp ý về lĩnh vực phòng, chống tội phạm, đại biểu nêu thực trạng, thời gian gần đây, có một số chức sắc tôn giáo nước ngoài đến Việt Nam tham quan, du lịch trên tinh thần đối ngoại, giao lưu văn hóa, nhưng cũng có đối tượng lợi dụng tổ chức các hoạt động tôn giáo ngoài cơ sở tôn giáo, không được sự chấp thuận của cơ quan quản lý. Tuy cơ quan an ninh đã xử lý nhưng vẫn chưa triệt để. Đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm hơn đến vấn đề an ninh tôn giáo…

Theo chương trình làm việc tại kỳ họp, đầu giờ sáng mai (4-7), nội dung tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ sẽ được chủ tọa báo cáo. Trên cơ sở đó, UBND thành phố tiếp thu, giải trình, làm rõ những ý kiến của các đại biểu HĐND thành phố.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-diem-sang-trong-phan-cap-phan-quyen-634055.html