Hà Nội: Dịch vụ đua nhau “chặt chém”

(CL)- Mặc dù hầu hết các cơ quan, xí nghiệp đã chính thức đi làm trở lại nhưng không khí Tết tại các đền chùa, Văn Miếu ở Hà Nội vẫn còn rất náo nhiệt. Đây là cơ hội để các dịch vụ “ăn theo” đua nhau “chặt chém”.

Những ngày này, giá trông giữ xe tại các điểm dịch vụ tha hồ "chặt chém" Tuy đã hết Tết, song hương vị ngày xuân vẫn còn khá đậm nét tại các khu vui chơi, hàng ăn, dịch vụ… Dựa vào cớ này, nhiều chủ quán ăn, bãi trông xe thi nhau hét giá lên trời. Các quán ăn trên đường Kim Liên mới những ngày này luôn tấp nập khách ra vào. Bát bún cá ngày thường có giá 20.000 đồng nhưng những ngày này được hét giá 50.000 đồng/bát. Khi các khách hàng phản ánh về giá cao thì nhân viên tại các quán ăn đều giải thích do vẫn còn hương vị của ngày tết, một vài hôm nữa quán sẽ giảm giá. Một số chủ cửa hàng thì viện lý do nhân viên phục vụ nghỉ về quê ăn tết chưa lên nên họ phải thuê nhân công thời vụ với giá cao. Một số dịch vụ ăn theo như sửa vá xe, trông xe… cùng hét giá trong dịp tết vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm giá. Đặc biệt là tại các khu trông giữ xe vào đền chùa, văn miếu, chủ trông giữ xe hét giá lên trời nhưng hành khách vẫn phải chịu. Tại phủ Tây Hồ ngày 8/2, giá giữ xe máy thấp nhất là 10.000 đồng/xe, có nơi khách phải trả tới 50.000đồng/xe. Nhiều người đến lễ tại phủ Tây Hồ những ngày đầu năm tỏ ra vô cùng bức xúc: “Tôi thấy bãi giữ xe ở cổng phủ chật quá nên sang bãi bên cạnh để gửi, cứ nghĩ nếu có cao trong ngày tết thì cùng lắm cũng chỉ 10.000đồng/chiếc, ai ngờ tôi phải trả 50.000 đồng/chiếc. Khi tôi thắc mắc thì người trông xe giải thích vì xe ga nên giá cao hơn xe số. Thật không thể chấp nhận được” - chị Loan ở Định Công, Hà Nội bức xúc kể. Theo ghi nhận thì hầu hết các điểm trông giữ xe đều treo biển nhưng lại xóa giá niêm yết để dễ dàng “chém” khách vào đi lễ, thăm quan. Mặc dù trước Tết, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã, các đơn bị liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thành phố gồm các Sở Tài chính, GTVT, Cụ Thuế… để kiểm tra các điểm trông giữ xe, xử phạt nghiêm các vi phạm theo quy định, trong đó trọng tâm vào các điểm tập trung đông người gửi xe trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Ngoài ra, văn bản cũng nêu rõ, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra xử lý các vi phạm về mức thu phí và quản lý phí trông giữ xe theo thẩm quyền. Cục Thuế Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo các chi cục thuế rà soát, kiểm tra xác định mức thuế phải nộp ngân sách của các tổ chức, cá nhân trông giữ xe, xử lý các vi phạm về sử dụng vé không đúng quy định và thu sai mức phí… Tuy nhiên, đến giờ phút này thì hét giá lên trời vẫn là cảnh thường thấy tại các cửa đền, cửa chùa ở Hà Nội. Một dịch vụ nổi lên khá “ăn khách” tại các cửa đền chùa là dịch vụ đổi tiền lẻ. Hầu hết, những quẩy đổi tiền lẻ ở đây đều “chặt” khách rất đau với giá chênh lệch” 10 ăn 5 (khách bỏ ra 100.000 thì thu về 50.000 tiền lẻ). Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, lượng người đến tham quan, xin chữ, cầu may đông nghẹt khiến giao thông trên đường Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng luôn bị tắc nghẽn. Tại cửa vào Văn Miếu, lượng khách xếp hàng mua vé khá đông, nhiều người vì ngại xếp hàng chờ đợi đã chấp nhận mua vé “chợ đen” với giá 20.000 đồng/vé, trong khi giá niêm yết là 10.000 đồng/vé. Tại một số nơi như chùa Hà, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh…người dân cũng chịu cảnh tương tự. Hầu hết, người dân đều chấp nhận lời giải thích: ngày tết nên chỗ nào cũng vậy. Hải Bình

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/Item/VN/Thoisu/Ha-Noi:-Dich-vu-dua-nhau-%E2%80%9Cchat-chem%E2%80%9D/B24C03987C963677/